Trung bình số ca mắc mới COVID-19 trong nước tuần qua là 116.330 ca/ngày

Ngày 27/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 91.916 ca mắc COVID-19 mới trong nước (giảm 11.208 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (trong đó có 62.043 ca trong cộng đồng). Hà Nội và 30 tỉnh, thành phố khác có ca mắc mới dao động từ 1.170- 10.252 ca

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 116.330 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.011.473 ca mắc COVID-19, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 91.225 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.003.762 ca, trong đó có 5.349.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.260.268), TP. Hồ Chí Minh (591.198), Nghệ An (377.041), Bình Dương (372.549), Hải Dương (336.060).

f0-cham-soc-dieu-tri-tai-nha-16384596311201611196902-1648430218.jpeg
Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới COVID-19 trung bình tuần qua giảm mạnh còn hơn 116.300 ca/ ngày; đến nay hơn 5,35 triệu người mắc COVID-19 khỏi bệnh;

Hơn 5,35 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi

Số bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh trong ngày 27/3 tiếp tục tăng cao gấp 2 số mắc mới với 185.861 ca khỏi, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 5.351.978 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.447 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.868 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 205 ca; Thở máy không xâm lấn: 74 ca; Thở máy xâm lấn: 295 ca; ECMO: 5 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 61 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.306 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 205.002.757 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 187.860.318 liều: Mũi 1 là 71.207.845 liều; Mũi 2 là 67.991.955 liều; Mũi 3 là 1.501.462 liều; Mũi bổ sung là 14.817.244 liều; Mũi nhắc lại là 32.341.812 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.142.439 liều: Mũi 1 là 8.789.313 liều; Mũi 2 là 8.353.126 liều.

Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm nhà tài trợ để có thêm 8-10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tiêm đủ 2 liều cơ bản cho trẻ từ 5- 11 tuổi

Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11tuổi đang được quan tâm, thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết: Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccie Pfizer và Moderna để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022

Trước đó, ngày 22/3/2022, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo đó, Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.

Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vaccine, bao gồm: 0,7 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Australia và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.

Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.

Phía Australia sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vaccine để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.

Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi được Thủ tướng đề cập từ cuối tháng 12/2021.

Đến cuối tháng 1/2022, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ và được chấp thuận chủ trương mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer.

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai các công việc để trao đổi, đàm phán nhằm tiếp cận sớm nhất có thể nguồn vaccine tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Bộ Y tế đã làm việc với Pfizer về vaccine để tiêm cho trẻ, tuy nhiên tuần qua phía Australia đã thông báo tài trợ 13,7 triệu liều vaccine.

Bộ Y tế cũng đã triển khai các hoạt động tập huấn, hướng dẫn chuyên môn trên toàn tuyến về công tác chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này, đồng thời đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn về nhân lực, cơ sở vật chất để sẵn sàng tiêm cho trẻ khi có vaccine...

Cũng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh nguồn vaccine phòng COVID-19 hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước,… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 481.856.700 ca, trong đó có 6.147.088 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận trên 416 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 58 triệu ca và trên 60.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27/3, thế giới có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 318.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 330 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất thế giới, với 81.616.936 ca mắc và 1.003.425 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 43.019.453 ca mắc, trong đó có 521.034 ca tử vong. Trừ châu Âu với hơn 5,3 triệu ca mắc mới và châu Đại dương, khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Phi đều ghi nhận xu hướng giảm.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến hết ngày 27/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 25 triệu trường hợp và 398.426 ca tử vong./.