Trong số 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro); Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Trong số các doanh nghiệp trên, Saigon Petro là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất và có thời gian hoạt động dài nhất. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đại diện chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy TP.HCM.
Saigon Petro được thành lập từ năm 1986, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, chế biến xăng dầu, khí đốt; Bán buôn, bán lẻ xăng dầu và khí đốt; mua bán hoá chất, dung môi các loại.
Về kinh doanh xăng dầu, Saigon Petro nhập khẩu và cung cấp cho thị trường xăng dầu từ Nam Trung Bộ trở vào với sản lượng hàng năm trên 1 triệu m3 xăng dầu.
Hiện nay hệ thống phân phối xăng dầu của Saigon Petro khá rộng, từ các tỉnh Nam Trung Bộ đến các tỉnh miền Tây với số lượng 35 tổng đại lý và trên 1.000 đại lý bán lẻ.
Thông qua việc mua, đầu tư xây dựng, thuê lại trạm xăng dầu, đến nay, hệ thống bán lẻ xăng dầu trực thuộc Công ty gồm có 10 cửa hàng xăng dầu với sản lượng kinh doanh đạt khoảng 20.000 m3/năm.
Đối với lĩnh vực kinh doanh khí gas, công ty sở hữu hệ thống phân phối gồm 70 nhà phân phối với gần 5.000 đại lý từ Đà Nẵng trở vào, sản lượng kinh doanh hàng tháng của Gas Saigon Petro là trên 6.500 tấn, chiếm khoảng 15% thị trường cả nước.
Từng là “ông lớn” trong lĩnh vực phân phối xăng dầu thị trường phía Nam, Saigon Petro sở hữu Nhà máy lọc dầu Cát Lái, nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam với tổng diện tích 25ha, công suất 350.000 tấn/năm.
Ngoài xưởng LPG Cát Lái có hệ thống kho chứa 3.000 tấn, Saigon Petro đã thực hiện đầu tư các trạm chiết ở Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Cần Thơ.
Hiện nay, Công ty đã đầu tư vốn trực tiếp vào 7 doanh nghiệp khác, trong đó có việc sở hữu 51% vốn điều lệ tại CTCP Dầu khí Sài Gòn-Phú Yên và CTCP Dầu khí Sài Gòn-Nghệ An. Ngoài ra, Saigon Petro có tham gia góp vốn tại doanh nghiệp: CTCP Âu Lạc (doanh nghiệp chuyên vận tải xăng dầu bằng đường biển và đường sông), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigon Bank), CTCP Vật tư xăng dầu (COMECO), và CTP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC).
Doanh thu của Saigon Petro liên tục tăng trong các năm 2017 và 2018, lần lượt đạt 13.270 tỷ đồng và 14.876 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2019 doanh thu của doanh nghiệp này chỉ đạt 12.788 tỷ đồng. Trong hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh thu của công ty chỉ đạt lần lượt 6.110 tỷ đồng và 6.059 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2020, Saigon Petro báo lỗ sau thuế xấp xỉ 315 tỷ đồng, nhưng năm 2021 lợi nhuận sau thuế đạt 267 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của Saigon Petro là 1.864 tỷ đồng, vốn chủ ở mức 1.094 tỷ đồng.
Nói về việc rút giấy phép kinh doanh của 5 doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu, tại cuộc Họp báo Chính phủ vừa được tổ chức tối 6/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, lỗi của các doanh nghiệp trên chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối theo quy định hiện hành. Khi 5 doanh nghiệp này nếu đã bị tước quyền theo Điều 9 của Nghị định 83 thì họ không còn 19 quyền lợi, quyền hạn để họ thực hiện, kể cả việc không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác…
Tuy nhiên, ông Hải cho biết Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp để trước mắt xử lý phạt hành chính. Với hình thức tước giấy phép theo tinh thần trên sẽ vẫn áp dụng nhưng trong thời điểm phù hợp./.