Mưa bão, triều cường, dòng chảy nơi cửa lạch thay đổi... đã khiến rừng phi lao có nhiệm vụ chắn sóng, chắn cát và gió biển ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổn thất nặng, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.


 
Rừng phi lao phòng hộ này có diện tích khoảng 10 ha, chạy dọc theo bờ biển khoảng 4 km, nối từ cầu Đại Đồng, thuộc thôn Đại Đồng, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) xuống giáp ranh với vùng biển thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà).


 
Cây phi lao có độ tuổi nhỏ nhất là khoảng 2 năm, còn nhiều nhất lên đến gần 20 năm, có nhiệm vụ chắn cát, chắn sóng biển, ngăn bồi lấp dòng chảy của Lạch Kèn và bảo vệ các công trình bên trong đất liền.
 

 
Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, mưa lụt lớn thường xuyên, bị tác động bởi triều cường và không được chăm sóc chu đáo nên nhiều diện tích rừng ở đây đã xói gốc, đổ gãy, bị cuốn trôi..
 

 
Hiện tượng rừng phòng hộ này hao hụt, mất dần diễn ra khá thường xuyên, nhưng nhiều nhất là qua các đợt thiên tai. Chỉ mới cách đây khoảng 1 tuần, những cây phi lao bỗng dưng bật gốc, đổ xuống cửa Lạch Kèn.
 

 
Dọc theo tuyến rừng phòng hộ, nhiều gốc cây mục nát, đen sì nằm ngổn ngang. Đó là những gì còn lại sau khi phi lao đổ gãy, được người dân cưa lấy thân về làm chất đốt hoặc sử dụng làm sào te trên thuyền đánh cá.
 

 
Ngoài các cây đã bị xóa sổ thì ở đây còn nhiều hàng phi lao nhiều năm tuổi cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng, có thể bị nước xói bật gốc bất cứ lúc nào.
 

 
Cùng với đó, những hàng cây non mới trồng 2 năm tuổi như thế này cũng sắp có chung số phận khi đất rừng liên tục bị nước xâm thực, xói lở.
 

 
Số cây non sống sót trên khu vực rừng phòng hộ này rất hạn chế, mật độ lưa thưa, cây phát triển chậm (Trong ảnh: diện tích rừng mới trồng gần khu vực giáp ranh với xã Thịnh Lộc chỉ còn ít cây thưa thớt).

 
Rừng phòng hộ hao mòn hằng năm đã gây nên nhiều hệ lụy xấu, nhất là tình trạng sạt lở đất cát với những đoạn lở lấn sâu đến gần 20m. Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều đoạn rừng sẽ sớm bị xóa sổ và sóng biển, triều cường sẽ trực tiếp uy hiếp tuyến đường quốc lộ ven biển.
 

 
Rừng mất, đất trôi cũng khiến dòng sông, cửa lạch bị bồi lấp, dòng chảy thay đổi, thuyền bè ra vào gặp khó khăn... (Trong ảnh: Bãi bồi mới hình thành chưa lâu ngay chân cầu Đại Đồng, xã Cương Gián).
 

 
Bà Phan Thái Hương ở thôn Đại Đồng cho biết: Mấy năm gần đây, tình trạng cây xói gốc rồi bị cuốn trôi diễn ra thường xuyên, mỗi năm “nuốt” 5 - 7m đất rừng chắn sóng, chắn cát. Bà con trong vùng khá lo lắng trước thực trạng này.
 

 
Ngoài ra, hiện tượng rừng phòng hộ bị tác động tiêu cực cũng tạo ra những bãi bồi, cọc nhọn gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại khi ra vào cửa lạch (Trong ảnh: Phao đánh dấu vị trí không an toàn cho tàu thuyền né tránh).
 
Tình trạng rừng phòng hộ bị thu hẹp trên địa bàn thôn Đại Đồng diễn ra đã nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng hơn khiến chính quyền, Nhân dân địa phương lo âu. Chúng tôi đã báo cáo lên các cấp, ngành liên quan đề xuất phương án xử lý. Hiện, xã cũng đã làm tờ trình gửi Sở NN&PTNT xin hỗ trợ cây giống, kinh phí để sớm trồng bổ sung và vận động Nhân dân tích cực trồng cây gây rừng ở khu vực này. - Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Hà./.