anh-bai-tren-1658300392.jpg
Hơn 27ha đất rừng trong đó hơn 17ha rừng phòng hộ đã bị “cạo trọc" sau đó trồng lại keo.

Hàng chục héc ta rừng phòng hộ bị xóa sổ

Từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 3/2022, hầu như toàn bộ vùng rừng sản xuất quy hoạch phòng hộ thuộc thửa 174, tờ bản đồ số 1, rộng hơn 27ha ở thôn Tùng Lâm, xã Nam Điền bị “cạo trọc”. Tại thực địa, toàn bộ cây cối trên thửa đất này đã được chặt bán hết, trở thành đồi trọc; cá biệt, có khoảng 2ha đất đồi ở vị trí đẹp đã bị máy móc tác động nghiêm trọng, đất tầng mặt bị cày xới biến dạng.

Ở đây còn có nhiều công trình trái phép khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa xin phép chính quyền và các cơ quan chức năng như: Xây nhà rộng 112m2, móng bê tông, xây gạch đỏ cao khoảng 2m; dùng máy móc san gạt đường rộng 6m xung quanh khu đất; lắp đặt 1 trạm hạ thế và trồng 20 cột điện bê tông…

Hạt Kiểm lâm Thạch Hà (thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) xác định, khu đất này thuộc Khoảnh 1a, Tiểu khu 299a (thôn Tùng Lâm, xã Nam Điền), là đất rừng sản xuất nhưng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ từ năm 2015. Trong số 27,14ha này có tới 17,63ha rừng phòng hộ; 1,84ha rừng sản xuất, 7,67ha ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Quá trình chủ rừng thuê người “cạo trọc” rừng phòng hộ ở Khoảng 1a, Tiểu khu 299a xã Nam Điền, lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền xã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản. Tuy nhiên, hàng chục héc ta rừng phòng hộ vẫn bị xóa sổ.

Cuối tháng 4/2022, sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, chủ rừng đã thuê người trồng lại keo trên toàn bộ diện tích hơn 27ha nói trên.

“Lỗ hổng” cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Là lãnh đạo địa phương, lại là người nhiều lần trực tiếp xử lý sự việc này, nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Hữu Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Điền lại tỏ ra thờ ơ.

“Khi nghe bà con phản ánh thì tôi và anh em cán bộ xã có xuống kiểm tra mấy lần nhưng không lập biên bản vì họ chưa xây dựng gì trái phép, chưa chở đất đi bán, chỉ cho máy móc cày xới lại mặt đất tầng trên để trồng keo cho nhanh lớn. Dù đến đó nhiều lần nhưng tôi cũng chỉ nghe nói chứ không biết chủ rừng này là ai, họ chuyển nhượng đất lúc nào, cây chặt bán cũng không báo với địa phương” - ông Thanh nói.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà bức xúc: “Chúng tôi cũng đã liên hệ, thông báo, gửi giấy mời cho chủ rừng đến làm việc nhưng không liên hệ được. Để tìm tiếng nói chung trong bảo vệ rừng phòng hộ, chúng tôi cũng đã làm việc với một số ban, ngành khác nhưng không nhận được đồng thuận, nhất là ngành tài nguyên - môi trường”.

Cũng theo ông Hải, đây không chỉ là vụ vi phạm lâm luật nghiêm trọng mà còn tác động, gây hệ lụy rất xấu đến môi trường vì đây là vùng rừng đầu nguồn của hồ Bộc Nguyên (hồ trữ nước thô để cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh).

Ông Nguyễn Anh Tùng - Quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà cho biết: “Vừa rồi chúng tôi có cử cán bộ tham gia một số cuộc làm việc, nhưng hiện trạng đất và rừng ở trên đó như thế nào thì chưa nắm rõ lắm. Chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ hồ sơ, kiến nghị, đề xuất nào liên quan đến mục đích sử dụng của Khoảnh 1a, Tiểu khu 299a, không rõ việc đây là đất rừng sản xuất hay rừng phòng hộ, việc chuyển nhượng xảy ra như thế nào”.

Tìm hiểu về việc chuyển nhượng đất rừng này, chúng tôi phát hiện có “lỗ hổng” trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng ở Khoảnh 1a, Tiểu khu 299a.

Theo đó, ngày 31/5/2011, UBND huyện Thạch Hà có quyết định số 849/QĐ-UBND về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho ông Nguyễn Văn Ngọc và bà Nguyễn Thị Hà (ở phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh) với diện tích hơn 27ha tại Khoảnh 1a, TK 299a. Tuy nhiên, thời điểm này đang là đất rừng sản xuất, nhưng đến ngày 23/6/2015 thì UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 2380/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng vùng đồi thì toàn bộ diện tích này được chuyển đổi thành rừng phòng hộ.

Ngày 23/3, giữa Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà… có buổi khảo sát, làm việc để xác định lại nguồn gốc đất, việc chuyển nhượng và các vấn đề khác có liên quan. Kết luận buổi làm việc, các bên thống nhất là sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và việc thực hiện chuyển nhượng là do văn phòng cấp tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, đã có sự trùng lặp khó hiểu là chính vào ngày này, Văn phòng đăng ký đất đai Thạch Hà - Lộc Hà đã ký quyết định chuyển nhượng thửa đất nói trên cho một cá nhân khác cũng có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh.

Đáng nói, việc chuyển nhượng này không được đo đạc, thẩm định lại khu đất, hoạt động chuyển nhượng được ghi ngay trên bìa cũ.

Liên quan đến việc ký giấy chuyển nhượng sai quy định, ông Đỗ Đức Cường - Phó chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Thạch Hà - Lộc Hà bao biện: “Ngày 23/3/2022, tôi có ký quyết định chuyển nhượng khu đất ở khoảnh 1a, Tiểu khu 299a vì cho rằng đây đang thuộc diện đất rừng sản xuất, không phải là rừng phòng hộ. Mặt khác, tôi ở văn phòng ký cả ngày còn không kịp việc thì lấy đâu thời gian mà kiểm tra, xác minh, mọi việc đều do cán bộ cấp dưới thực hiện. Ngoài ra, tôi không có trong thành phần của buổi làm việc ngày 23/3 nên không rõ các vấn đề có liên quan”.

Ông Cường cũng khẳng định: Trên bản đồ quy hoạch đất đai không thể hiện đây là đất rừng phòng hộ mà vẫn là đất rừng sản xuất (!).

Trong khi đó, phía Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 2380/QĐ-UBND ngày 23/6/2015 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng vùng đồi thì quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, việc tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo quy chế quản lý các loại rừng của Chính phủ (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).

Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thẳng thắn nói: Quyết định 2380 của UBND tỉnh quy hoạch, điều chỉnh 3 loại rừng đã được công bố công khai theo quy định. Vì thế, ngành tài nguyên - môi trường khi chuyển nhượng đất rừng phải có trách nhiệm kiểm tra lại quy hoạch. Thực tế, quy hoạch đất rừng chồng chéo với các loại quy hoạch khác như quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng… vì thế mỗi ngành phải có trách nhiệm cập nhật các quyết định quy hoạch.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm tra phát hiện và xử lý 44 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích 20,2ha. Các vụ việc đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong đó, khởi tố hình sự 2 vụ/2 bị can (địa bàn huyện Hương Khê); phạt tiền 42 vụ trên 500 triệu đồng và buộc trồng lại rừng trên diện tích bị phá. Chủ yếu việc phá rừng xảy ra trên địa bàn các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh…/.