Tờ Yomiuri trong tuần này đưa tin, các tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) từng thực hiện các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” gần một số đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Một số nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, những hoạt động như vậy của MSDF đã bắt đầu từ tháng 3/2021. Khi đó, một tàu khu trục khác của Nhật Bản có đi qua vùng biển tiếp giáp với ít nhất một trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đến tháng 8/2021, một tàu khu trục khác của Nhật Bản cũng đi qua khu vực này

Một trong số các chiến hạm đi qua Biển Đông được cho là tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga có tên gọi Ise. Tàu này từng tham gia một số cuộc tập trận chung với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Mỹ, Australia và Pháp trong năm qua.

ro-tin-nhat-ban-tung-dieu-tau-chien-den-gan-truong-sa-1642055912.jpg
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga của Nhật Bản. Ảnh: AP

Theo một nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, dù hơi quá khi cho rằng đây là các cuộc tập trận “tự do hàng hải”, nhưng vẫn có thể xem chúng là những động thái “gây sức ép” lên Bắc Kinh. 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin trên.

Các chuyên gia khác cho rằng, những chuyến hải trình kể trên của tàu chiến Nhật Bản được xem là "vô hại". Theo luật pháp quốc tế, các tàu nước ngoài có thể đi ngang qua vùng biển của nước khác, nếu những tàu này không có những hoạt động quân sự. 

Garren Mulloy, giáo sư khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản) cho biết dù báo Yomiuri gọi các chuyến hải trình của tàu chiến Nhật gần quần đảo Trường Sa là "hoạt động tự do hàng hải kiểu Nhật", song chúng có sự khác biệt với các hoạt động tự do hàng hải mà Mỹ thường tiến hành để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.

Washington đã nhiều lần điều tàu đi vào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa, trong khi tàu Nhật chưa áp sát đến mức như vậy.

Giáo sư Alessio Palatano từ Đại học Hoàng gia London (Anh), chuyên gia về chiến lược và lịch sử hải quân Nhật Bản, thì nhận xét các động thái này cho thấy Tokyo "đang thực thi tự do hàng hải mà trước kia họ tỏ ra rất thận trọng".

"Điều này đưa các động thái của Nhật Bản xích lại gần hơn hoạt động của những lực lượng hải quân khác. Mỹ, Anh, Pháp thường định kỳ tiến hành các chuyến tuần tra tự do hàng hải để thách thức các tuyên bố chủ quyền thái quá", ông Palatano nói./.