Siêu phẩm hack não Tenet của Christopher Nolan có lẽ đã "vung tay quá trán" khi cung cấp quá nhiều dữ kiện khiến người xem đại chúng đuối sức.
 
Bom tấn được mong chờ nhất năm 2020 Tenet đã chính thức cập bến rạp phim Việt. Sản phẩm mới nhất của quái kiệt Christopher Nolan lần này sẽ khai phá khái niệm thời gian, trong đó một người được gọi là Nhân Vật Chính (John David Washington) sẽ tìm đến học thuyết "đảo ngược thời gian" để ngăn chặn Thế Chiến III nổ ra.
 
Vẫn là một Nolan khoái chơi đùa với trí óc và mức dung nạp kiến thức của khán giả. Thế nhưng, có lẽ lần này ông đã "vung tay quá trán" khi mang đến quá nhiều thông tin về các mảng khác nhau chỉ trong 2 tiếng rưỡi hơn của phim. Ngoài ra, những vấn đề cốt lõi còn lại về xã hội, con người lại không có gì mới, thậm chí được thể hiện qua màu bi kịch ảm đạm khiến khán giả thêm nặng lòng khi hoàn thành quá trình thưởng thức của mình.
 
Đánh đố người xem với loạt kiến thức lý hoá uyên thâm, đi du lịch quốc tế mệt nghỉ
 
Ở lần trở lại này, Nolan mang đến cho người xem trải nghiệm đau đầu và ác mộng nhất từ trước đến nay, cụ thể là về học thuyết đảo ngược thời gian (time inversion). Ở đó, thông qua một chuỗi phản ứng phân hạch thì tính hỗn loạn của một vật thể bị đảo ngược khiến nó giống như đang "đi lùi về quá khứ" ngay trước mắt ta. Thậm chí, trong một cảnh thì Neil (Robert Pattinson) còn đùa vui về "nghịch lý ông nội", nghĩa là nếu ta quay về quá khứ để "khử" ông nội mình thì dẫn đến việc ông không tồn tại, mà nếu ông không tồn tại thì sẽ không có ta của bây giờ.
 

 
Tenet đã mở đầu với một lượng kiến thức nâng cao vượt tầm với của những bộ não thông thường. Chỉ cần vô tình bỏ qua hay chưa thấu hiểu những thông tin căn bản ở đầu phim thì tất cả thời lượng còn lại sẽ là bể nước vô tận khiến người xem càng "bơi" càng đuối. Việc cung cấp cho khán giả quá nhiều dữ kiện khiến trải nghiệm đối với bộ phim bị giảm sút đáng kể, vì không phải ai cũng sẵn sàng vào rạp chỉ để bị "gây mê" với loạt lý thuyết sách vở mà chỉ có các "siêu trí tuệ" mới đang dành thời gian để nghiên cứu.
 
Ngoài ra, Tenet còn dẫn khán giả bay vòng quanh thế giới khi đi qua hàng chục địa điểm như Anh, Ấn Độ, Ukraina, Việt Nam,... Cứ qua mỗi cảnh thì phim lại giới thiệu một tên người mới, một nơi ở mới và một quốc gia mới. Đã phải tranh thủ ghi nhớ những thông tin học thuật, vậy mà "con cưng" của Nolan lại tiếp tục đẩy mạnh mảng địa lý thì người xem không "say tàu xe" mới là lạ! Nhìn chung, Tenet là những đợt sóng thần "khủng bố" thẳng vào tâm trí và các giác quan của người cảm thụ, khiến họ hụp lặn và vẫy vùng khó kiểm soát chứ đừng nói đến thời gian để cảm thụ tinh tuý của phim.
 

Hãy chú ý vì Việt Nam của chúng ta sẽ là một trong hai địa điểm chủ chốt của cuối phim đấy!
 
Đề cập đến nạn bạo lực giới gây nhức nhối, nàng thơ của phim bị cho "lên bờ xuống ruộng"
 
Bên cạnh hằng hà sa số những thể loại kiến thức học thuật sâu xa chồng chéo tứ phía, Tenet còn có một số chi tiết bạo lực giới gây tranh cãi. Kat (Elizabeth Debicki) là nhân vật nữ đóng vai trò quan trọng trong cả chiều dài câu chuyện của Tenet. Không may, cô lại bị mắc kẹt trong một mối quan hệ lạnh nhạt, bạo lực và đầy tính kiểm soát với tên trùm Sator (Kenneth Branagh), cũng là kẻ nắm trong tay bí kíp "đảo ngược thời gian" mà nhóm nam chính đang truy lùng.
 

Chỉ vì tin tưởng tuyệt đối vào Nhân Vật Chính và lời hứa của anh về việc thả tự do cho cô khỏi gồng xích của cuộc hôn nhân, Kat đã nghĩ đến sự chống đối nhưng kết quả chỉ mang về đắng cay. Cô bị chồng của mình hăm doạ, đánh đập, tra tấn, còn mang cả con trai bé bỏng ra làm mồi nhử để cô phục tùng mọi lúc. Cả câu chuyện của Kat là tấn bi kịch lặng lẽ nhưng đau lòng nhất của 2 tiếng rưỡi rối não mà Tenet mang lại.
 
 
Ngoài câu chuyện bạo hành gia đình, Tenet còn bóng gió đề cập đến sự tha hoá của con người ở tương lai, kết quả khiến cho thiên nhiên bị tàn phá nặng nề. Những đợt sóng dâng trào, hạn hán kéo dài, hiệu ứng nhà kính,... buộc con người của "ngày mai" tạo ra Tenet để nhấn chìm tổ tiên của mình. Điều đó có khả năng sẽ giết chết cả họ, thế nhưng đứng trước ngày tận thế thì con người đã không còn cách nào khác ngoài một "phép thử" đầy rủi ro.
 
“Người Dơi” Robert Pattinson toả sáng như anh hùng, nhưng đôi nam nữ chính thiếu “lửa” trầm trọng
 
Dàn diễn viên của Tenet lần này tương đối làm tốt nhiệm vụ của mình, thế nhưng chỉ có mỗi Robert Pattinson là ngôi sao sáng nhất. Nhân vật Neil của anh được xây dựng đầy đủ các cung bậc cảm xúc, nghiêm túc nhưng vẫn khôi hài, có "căng não" thì cũng có thư giãn. Ngoài ra, anh chàng còn thực hiện những pha hành động khá tốt, xem mà hồi hộp từng chút. Tuy chỉ là một vai thứ nhưng Pattinson đã thật sự chứng minh với khán giả tầm diễn xuất của mình đang ở trình độ nào, hoàn toàn thoát xác khỏi hình bóng Edward ngày xưa.
 

Ngược lại, các nhân vật khác lại chỉ chạm tới mức "làm tốt nhiệm vụ của mình". Nhân Vật Chính và Kat vô cùng thiếu "lửa" để đẩy đến một mối quan hệ cụ thể như tình bạn hay tình yêu. Các nhân vật khác thì luôn trong chế độ "lên dây cót", mặt ai cũng khó đăm đăm khiến tình hình đã sôi sục lại càng sôi sục thêm. Có lẽ vì cũng "bội thực" trong việc tiếp thu lượng kiến thức Tenet nên dàn diễn viên cũng phải tập trung cao độ để không vấp phải bất cứ sai lầm nào.
 

 
Cảnh diễn hai dòng chảy thời gian đỉnh từng phút, âm thanh náo loạn muốn “bái bai” cả thính giác
 
Điểm sáng nhất trong Tenet lần này phải nói đến cách thiết kế các cảnh hành động và cháy nổ. Những cảnh quay song song giữa hai chiều thời gian đối ngược xuất sắc đến khó tả. Về lý thuyết, phim là một lô những loại kiến thức uyên bác đan xen lẫn nhau nhưng khi diễn giải ra thực tế, Nolan đã làm hết sức có thể để khiến nó hút mắt và đơn giản hơn. Những chi tiết ở hai hồi đầu chính là "mồi" để người xem khám phá ra một chân trời mới ở hồi 3 với những cảnh lặp lại, tương tự như việc Doraemon quay về quá khứ và thấy chính mình hay bộ đôi Hermione - Harry từng cố gắng giúp chính mình thay đổi thực tại ở phần 3 của Harry Potter.
 
 
Với việc tận dụng mọi thứ "phi kỹ xảo" nhất có thể, Tenet đã thành công mang lại chuỗi những pha rượt đuổi chuyên nghiệp đến khó tin. Những màn ép xe, bắn phá trông xịn như phim James Bond hay Fast & Furious. Đáng nói nhất chính là chiếc máy bay khổng lồ mà Nolan đã hứa sẽ làm "bay nóc" trong phim. Tất cả mọi công đoạn đều được thủ công hoá khiến người xem cảm nhận được sự thực tế và giảm thiểu những "hạt sạn" khó lường mà CGI thường gây ra.
 
Ngược lại, phần âm thanh của Tenet có đôi lúc khiến người xem cảm thấy như bị oanh tạc liên hồi. Vừa vào đầu phim là đã có những tiếng nổ súng gây choáng, rồi những đoạn nhạc phim kịch tính nhưng chói tai quá mức. Có lẽ, Ludwig Göransson hơi bị lậm "đứa con" đầy tự hào của mình là Black Panther nên cứ đoạn nào gay cấn thì sẽ có một đoạn nhạc gõ nhịp tưng bừng phát lên.
 



Tạm kết
 
Tenet đích thị là một tham vọng lớn, nếu không phải nói là lớn nhất của Christopher Nolan từ trước đến nay. Thời gian luôn là khái niệm đau đầu ở thực tế nhưng lại giàu tiềm năng phát triển ở phim ảnh, và vị đạo diễn tài ba đã thật sự chơi đùa với nó vô cùng vui vẻ, nhưng có hơi vui quá. Tenet là miếng bánh thơm lừng mà Nolan cầm trước mặt bạn, nhưng sau cùng chỉ để bạn ngưỡng mộ nó và tài nghệ sản xuất của ông, còn "ngon" hay không thì là một bí ẩn lớn. Bom tấn này sẽ là một ván bài may rủi về vấn đề liệu người xem có muốn hay dám ra rạp nữa hay không khi chờ đón họ trước mắt vẫn là khối lượng công thức khoa học bủa vây khắp lối.