Ngày 14/6/2019, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong đó, việc bổ sung quy định cấm tuyệt đối “người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông, bởi trong thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất về nội dung này.

c-1701767083.jpg
Ngày 14/6/2019, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Quochoi.vn.

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia) chính thức có hiệu lực, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Dù vẫn còn không ít ý kiến không đồng thuận, nhưng nhìn vào con số tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến rượu bia giảm qua các năm từ khi quy định này được thực thi, đã là minh chứng thuyết phục nhất về sự cần thiết của quyết sách này.

Đặc biệt, những chia sẻ từ chính những người trực tiếp chứng kiến nỗi đau từ tai nạn giao thông do rượu bia cho thấy, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe đã góp phần đem lại hạnh phúc, bình yên cho nhiều gia đình.

Ám ảnh những vụ tai nạn thương tâm do rượu bia

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (Hà Nội) – 1 trong 10 gương mặt vừa được nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2023 chia sẻ, anh có một quy định nghiêm ngặt đối với các thành viên của Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, đó là đã uống rượu bia, trong máu có nồng độ cồn thì tuyệt đối không được tham gia hoạt động của Đội. Nếu vi phạm, sẽ chịu kỷ luật rất nặng.

cc-1701767132.jpg
Anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (Hà Nội) – 1 trong 10 gương mặt vừa được nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2023 từng là người uống rất nhiều rượu bia, và giờ nhận thức rõ tác hại của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông. Ảnh: NVCC.

Lý giải về quy định này, anh Phạm Quốc Việt không ngại mở lòng chia sẻ, bản thân anh từng là người uống rất nhiều rượu bia, thậm chí ngày tới 2-3 lít. Những khi bị “ma men” điều khiển, anh có những hành vi mất kiểm soát, nổi nóng, xúc phạm những người xung quanh, nhưng bản thân anh khi đó không quan tâm tới điều này.

Cho đến một ngày, biến cố xảy ra đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và lối sống của anh. Trong một buổi tối đi dự đám tang về, anh bị một chiếc xe máy đâm chấn thương sọ não, bất tỉnh. Nhưng điều may mắn nhất, là hôm đó anh không uống rượu bia (do anh có nguyên tắc, khi đi đám tang thì không uống bia rượu). Chính việc trong máu không có nồng độ cồn, đã là một trong những lý do rất lớn khiến anh được cứu sống. Tỉnh lại sau biến cố định mệnh, anh đã quyết định từ bỏ rượu bia. Đồng thời nhen nhóm ý định thành lập đội sơ cứu, cứu giúp những người bị nạn.

Sau này, từ trải nghiệm thực tế trong quá trình cứu giúp nạn nhân, anh Phạm Quốc Việt càng thêm nhận thức rõ những tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông. Việc mất tỉnh táo khi tham gia giao thông do sử dụng rượu bia không chỉ khiến người lái xe gây tai nạn cho bản thân và người đi đường, mà khi gặp nạn, việc cấp cứu cũng rất khó khăn.

Từ thông tin của các bác sĩ anh được biết, đối với những ca phẫu thuật có lượng cồn vẫn còn trong máu sẽ gây rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến việc cầm máu. Với những ca chấn thương sọ não phải phẫu thuật sẽ khó gây mê, tổn thương sau mổ cao so với những ca không có rượu, bia.

cv-1701767174.jpg
Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (Hà Nội) cấp cứu người bị tai nạn giao thông do rượu bia. Ảnh: NVCC.

Có hai trường hợp cấp cứu người bị tai nạn giao thông do rượu bia khiến anh Việt ám ảnh, không thể nào quên.

Trường hợp thứ nhất, nạn nhân là hai chú cháu. Khu vực xảy ra tai nạn tại một đoạn ở Đại lộ Thăng Long. Người chú trong tình trạng rất nặng, một bên mắt không còn nằm trong vị trí hốc mắt mà “tràn” ra ngoài, còn người cháu cũng bị thương.

Khi đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel có mặt tại hiện trường, đã quyết tâm giữ lại con mắt cho người chú. Nhưng người cháu vẫn còn đang trong hơi men, đã cản trở, chửi bới đội cứu hộ. Lúc đó, anh Việt đã phải dùng “thủ thuật” “dương đông kích tây”, lôi kéo sự chú ý của người cháu về phía mình, để các thành viên đội thực hiện được công việc sơ cứu. May mắn, sau đó cả hai chú cháu đều được cứu sống, vui nhất là giữ được con măt cho người chú.

Trường hợp thứ 2, là một kỷ niệm buồn. Theo lời kể của các bạn nữ cùng bàn nhậu với nam nạn nhân, bạn nam này đã uống rất ít, chỉ 1-2 chén trước khi lái xe về. Trên đường đi về, xe máy do bạn nam này điều khiến đã đâm vào một xe tải đang dừng (có đèn tín hiệu) bên đường. Nạn nhân đã tử vong tại chỗ.

Anh Việt chia sẻ, anh có theo dõi những ý kiến phản đối quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe, nhưng nếu một lần trực tiếp chứng kiến tai nạn thảm khốc do rượu bia, hoặc trong gia đình, người thân của họ có nạn nhân của lái xe uống rượu bia, rất có thể họ sẽ thay đổi quan điểm.

“Từ trải nghiệm của chính cá nhân tôi, từ một người uống rất nhiều rượu bia; và từ công việc của mình, cấp cứu hàng trăm vụ tai nạn giao thông, tôi hoàn toàn ủng hộ quy định cấm tuyệt đối có nồng độ cồn khi lái xe. Nếu nói rằng, cần có ngưỡng cho nồng độ cồn, nhưng mỗi người có cơ địa, thể trạng khác nhau, rất khó xác định. Ngoài ra, bản thân mỗi người cũng khó tự biết ngưỡng nồng độ cồn của mình là bao nhiêu để uống cho an toàn. Còn nếu nói về quy định có thể làm ảnh hưởng tới văn hóa, thói quen, tôi cho rằng, những gì không phù hợp, gây hại thì phải điều chỉnh”, anh Phạm Quốc Việt nêu quan điểm.

Tai nạn giao thông giảm mạnh từ khi áp quy định phạt nồng độ cồn

Trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, theo thống kê của Cục CSGT, trong 9 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người.

0-1701767202.jpg
Một trường hợp chủ phương tiện bị xử lý khi vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Ngọc Huy.

So với cùng kỳ năm trước giảm 77 vụ (25,8%), giảm 99 người chết (50%) và giảm 49 người bị thương (22,6%).

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Trong 11 tháng năm 2023, lực lượng CSGT xử lý gần 700 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 23% tổng số vụ vi phạm giao thông. Mỗi ngày xử lý khoảng 2.000 trường hợp. 

Thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số người tử vong do tai nạn giao thông giảm khoảng 1.000 ca/năm trong các năm 2020-2021, từ khi áp dụng phạt nặng lái xe có nồng độ cồn. Trong đó, năm 2020, sau 1 năm áp dụng phạt nồng độ cồn khi lái xe, số người bị chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người sau nhiều năm.

Như vậy, quyết sách Diên Hồng đã cho thấy những tác dụng tích cực, giúp giữ gìn cuộc sống an toàn, bình an cho người dân.

“Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đã hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.

Nên giữ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông lại tiếp tục làm “nóng” nghị trường và dư luận. Một số ý kiến cho rằng, cần quy định ngưỡng nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí giữ nguyên quy định cứ có nồng độ cồn là xử phạt.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho hay, quy định của Luật cần tường minh để người dân dễ kiểm chứng, đánh giá việc mình có vi phạm hay không vi phạm thì việc lựa chọn quy định có ngưỡng hay không có ngưỡng thì phương án cấm sẽ tường minh và dễ chấp hành, người dân biết được mình vi phạm hay không vi phạm.

"Mặt khác, việc cho phép uống rượu ở mức nào đấy sẽ tạo ra không gian thúc đẩy hành vi vi phạm. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nước ta chưa cao. Việc quy định cấm sẽ phù hợp hơn", đại biểu cho hay.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho hay, với trình độ khoa học công nghệ hiện nay chưa thể xác định được giới hạn của việc được phép uống rượu bia. Bởi tửu lượng mỗi người khác nhau. Theo đó, có người uống 1 chén đã say, có người uống 5 chén, thậm chí có người 20 chén.

“Chúng ta không thể đưa ra một mức chung cho tất cả mọi người đến mức nào đó để xử phạt, nó sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh và an toàn khi tham gia giao thông”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Cho nên, theo đại biểu Trương Xuân Cừ, trước mắt, nên thực hiện quy định như hiện nay, cứ có nồng độ cồn là xử phạt.

Còn khi khoa học công nghệ phát triển, trong tương lai, mỗi người khi tham gia giao thông có thể có định danh về mức độ nồng độ cồn cho phép thì mới thực hiện được phạt theo ngưỡng nồng độ cồn.

Việc xử lý nghiêm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông thời gian vừa qua, theo đại biểu đã tác động lớn tới tâm lý xã hội. Nhiều người đã dần hình thành ý thức chủ động đi taxi, xe ôm đến nhà hàng khi xác định sẽ uống rượu bia.

Như vậy, pháp luật không cấm bất cứ ai uống rượu, bia. Nhưng khi đã uống thì không nên điều khiển phương tiện giao thông để tránh gây tai nạn đáng tiếc.

Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nói về việc nên giữ quy định cứ có nồng độ cồn là phạt bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Ủng hộ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) dẫn con số, mỗi năm có gần 9 ngàn người chết, 30 ngàn người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó có nhiều người trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Vì thế, nếu có quy định chặt chẽ hơn về nồng độ cồn, thì cũng chỉ nhằm đảm bảo niềm hạnh phúc, sự bình yên, sự phát triển cho mỗi gia đình và toàn xã hội”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu quan điểm.

Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói về việc cần quy định chặt nồng độ cồn khi lái xe bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Tại buổi họp báo Công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trả lời các cơ quan báo chí về quy định “nồng độ cồn bằng 0” khi lái xe gây tranh cãi trong Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, trên cơ sở của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đề xuất quy định này.

Đây là đề xuất ban đầu, đang đưa ra Quốc hội thảo luận. Qua thảo luận, Quốc hội sẽ đánh giá, cho ý kiến đầy đủ, thấu đáo nhất, nếu cần sẽ lấy ý kiến rộng rãi về nội dung này.

Tuy nhiên, quan điểm của Cơ quan thẩm tra hoàn toàn đồng ý với Cơ quan soạn thảo là phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Hằng năm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra các báo cáo về an toàn giao thông, qua tổng kết các vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy, trung bình có 43% vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng do rượu, bia.

Vì vậy, quy định “nồng độ cồn bằng 0” khi lái xe là mệnh lệnh và cần phải thực hiện. “Chúng tôi mong, các cơ quan báo chí tuyên truyền để thay đổi nhận thức, người dân ủng hộ. Chúng tôi tin rằng, Quốc hội cơ bản sẽ đồng ý nội dung này”, ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Mời quý độc giả xem video Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức trao đổi với báo chí về quy định “nồng độ cồn bằng 0” trong Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại buổi họp báo Công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Cần phân biệt giữa văn hóa và phi văn hóa

Một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng luật, cụ thể là quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe cần tính tới yếu tố văn hóa của người Việt, đó là ma chay, cưới xin… đều có rượu bia... tránh gây bất tiện cho người dân. Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, cần phải phân biệt giữa văn hóa và phi văn hóa.

Uống rượu có thể là văn hóa, nhưng có thể là phi văn hóa nếu uống rượu mà gây hại cho người khác. “Không thể mượn văn hóa nói chung để bênh vực cho hành vi phi văn hóa. Văn hóa phải đem lại những giá trị, những điều thiện, điều tốt đẹp”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nói. Ông Vĩ cho hay, việc uống rượu bia nhiều, dẫn tới say, ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân và sự an toàn của người khác là một thói quen phản văn hóa cần thay đổi. Ông hoàn toàn ủng hộ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông.