Thống nhất đất nước về mặt Nhà nước
Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối, song ở hai miền đang tồn tại hai Nhà nước với hai Chính phủ. Đó là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vấn đề cấp bách trước mắt mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra lúc bấy giờ là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây cũng là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này, từ ngày 15 - 21.11.1975, tại thành phố Sài Gòn, đại biểu nhân dân hai miền Nam - Bắc đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn vấn đề then chốt, trọng đại này. Hội nghị nhấn mạnh, “Cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”(1).
Theo Chỉ thị số 228-CT/TW, ngày 3.1.1976 của Bộ Chính trị, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam”(2).
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng thống nhất việc thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc với số đại biểu ngang nhau của mỗi miền. Theo Hội nghị Hiệp thương chính trị, Hội đồng bầu cử toàn quốc gồm 22 đại biểu. Mỗi miền cử 11 đại biểu, trong Hội đồng có 1 Chủ tịch và một Phó Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng bầu cử là đồng chí Trường Chinh, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử là đồng chí Phạm Hùng.
Để bảo đảm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc bầu cử đại biểu Quốc hội, căn cứ vào điều kiện cụ thể lúc đó, ở mỗi miền đã thành lập Hội đồng bầu cử riêng: Ở miền Bắc, cơ quan chủ trì bầu cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở miền Nam, cơ quan chủ trì bầu cử là, Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Hội đồng bầu cử mỗi miền có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thi hành luật lệ bầu cử; xét và giải quyết khiếu nại về công tác bầu cử; tiếp nhận và kiểm tra biên bản bầu cử do các đơn vị bầu cử gửi đến trước khi gửi lên Hội đồng bầu cử toàn quốc.
Nhân dân ta bước vào cuộc Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt nam và tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 25.4.1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong không khí tưng bừng, hơn 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân, bầu những người xứng đáng làm đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc đạt 99,36%, miền Nam đạt 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu ngay trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Trong tổng số đại biểu trúng cử, công nhân chiếm 16,26%, nông dân 20,33%, thợ thủ công 1,22%, cán bộ chính trị 28,66%, quân nhân cách mạng 10,97%, trí thức 18,50%, nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%, đại biểu nữ 26,21%, đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28%(3).
Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VI và những nghị quyết quan trọng
Ngày 24.6.1976, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đoàn Chủ tịch điều hành kỳ họp gồm 36 thành viên, trong đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát...
Thay mặt Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đọc diễn văn khai mạc, khẳng định, “Kỳ họp Quốc hội lần này là một cái mốc trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Từ mấy tháng nay, công nhân, nông dân, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân khác trong cả nước đã phát động phong trào thi đua sôi nổi lấy thành tích chào mừng Quốc hội chung cả nước. Điều đó chứng tỏ Nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh Quốc hội mới và đặt nhiều hy vọng vào Quốc hội”4. Chủ tịch đề nghị các đại biểu Quốc hội phải hết sức cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu để đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào cả nước.
Thay mặt Hội đồng bầu cử toàn quốc, Chủ tịch Trường Chinh đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình và kết quả cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước ngày 25.4.1976. Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong tình hình đất nước đã hòa bình. Nhân dân cả nước bước vào Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được. Kinh nghiệm bầu cử Quốc hội do Nhân dân ta tích lũy trong mấy chục năm đã phát huy tác dụng tốt đối với cuộc Tổng tuyển cử lần này. Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ. Cả nước đã bầu đủ số lượng đại biểu theo quy định ngay ở vòng đầu với các số liệu cơ cấu, thành phần sát với dự kiến. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và chủ nghĩa xã hội...
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo chính trị "Toàn dân đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất XHCN". Báo cáo nêu rõ: Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VI là kỳ họp hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị của nước Việt Nam, mở ra một giai đoạn Nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng trên Tổ quốc ta một xã hội đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, đưa Tổ quốc ta tiến lên từng bước để thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”...
Kết luận báo cáo, Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn đã long trọng thưa với Quốc hội: Lịch sử dân tộc đã chuyển sang một bước ngoặt vĩ đại. “Để làm tròn sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới, Đảng Lao động Việt Nam xin hứa với Quốc hội, với quốc dân đồng bào sẽ nghiêm chỉnh tuân theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”(5).
Trong suốt kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận tất cả các báo cáo đã được trình bày trước Quốc hội. Ngày 2.7.1976, Quốc hội đã nhất trí thông qua 6 nghị quyết quan trọng, trong đó Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất được thông qua đầu tiên.
Toàn văn Nghị quyết như sau:
“NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA VI,
NGÀY 2.7.1976 VỀ TÊN NƯỚC, QUỐC KỲ, QUỐC HUY, THỦ ĐÔ, QUỐC CA
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội
QUYẾT NGHỊ:
1. Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
2. Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
3. Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
4. Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
5- Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TRƯỜNG CHINH”(6)
Tiếp đó là các Nghị quyết: Tên gọi của khóa Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25.4.1976; Tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khi chưa có Hiến pháp mới; Việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; Vấn đề thành lập các Ủy ban của Quốc hội.
Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nghị quyết về tên gọi của Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25.4.1976 là Quốc hội Khóa VI với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước. Trong khi chờ đợi có Hiến pháp mới, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc quy định Nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tổ chức nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở Trung ương gồm có: Quốc hội; Chủ tịch nước và 2 Phó Chủ tịch nước; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Chính phủ; Hội đồng Quốc phòng; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Với những quyết đáp trọng đại như vậy, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VI thật sự là một kỳ họp hết sức đặc biệt, xây dựng và kiện toàn bộ máy nhà nước của đất nước thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ, XHCN. Thay mặt các chức danh được bầu giữ các vị trí trong các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã phát biểu và hứa với Quốc hội, với đồng bào cả nước sẽ tiếp tục mang hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và tin tưởng rằng, “Dưới ngọn cờ trăm trận trăm thắng của Đảng Lao động Việt Nam, Nhà nước ta và Nhân dân anh hùng nước ta, nhất định sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa”(7).
Trên cơ sở, nền tảng đó, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta và Nhân dân ta trong 48 năm qua tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nền kinh tế - xã hội phát triển ngày càng vững chắc, đời sống người dân được cải thiện từng bước; hòa nhập khu vực, hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(8).