Ban quản lý Quỹ vắc xin COVID-19 vẫn cần thêm một số thủ tục để chính thức đi vào hoạt động, dự kiến trong ít ngày tới.
Chia sẻ với PV, Bộ Tài chính cho hay, tính tới 16h chiều 2/6, Quỹ vắc xin COVID-19 đã nhận được số tiền ủng hộ hơn 43,7 tỷ đồng, hơn 3.238 USD và 589 EUR. Số tiền này chỉ bao gồm những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ trực tiếp tới tài khoản của quỹ được Bộ Tài chính công bố chiều 28/5 (chưa gồm các khoản ủng hộ mua vắc - xin qua Bộ Y tế và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo quy chế hoạt động của quỹ và gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan, dự kiến ban hành trong tuần này.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính, cho biết, Bộ được Chính phủ giao quản lý nguồn tài chính của Quỹ vắc - xin COVID-19. Về sử dụng khi nào, số tiền bao nhiêu, vào việc gì từ quỹ, các cơ quan liên quan sẽ tổng họp và báo cáo Thủ tướng quyết định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ cấp quỹ để Bộ Y tế mua vắc - xin hoặc hỗ trợ sản xuất vắc - xin trong nước. Theo ông Hưng, hiện Bộ Y tế được Chính phủ giao làm đầu mối duy nhất mua vắc - xin COVID-19, xác định nhóm ưu tiên được tiêm, nhóm mở rộng... theo số lượng vắc - xin thực tế mua được. Toàn bộ hoạt động thu, chi của quỹ được công khai trên cổng thông tin Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, được thanh tra, kiểm toán... theo quy định.
“Với các khoản tiền doanh nghiệp đã ủng hộ Chính phủ mua vắc - xin, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào Quỹ vắc xin COVID-19”, ông Hưng nói. Theo ông Hưng, ủng hộ quỹ là tự nguyện, nên không có mức tối thiểu hay tối đa, tất cả người dân đều có thể ủng hộ, dù nhỏ nhất cũng được trân trọng và công khai. Các khoản ủng hộ vào quỹ, doanh nghiệp sẽ được trừ khi tính thuế.
Bộ Tài chính dẫn tính toán của Bộ Y tế cho thấy, dự kiến Việt Nam cần mua 150 triệu liều vắc - xin phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, tiền mua vắc - xin khoảng 21.000 tỷ đồng, tiền vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm khoảng 4.200 tỷ đồng. Trong tổng kinh phí trên, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, số còn lại từ ngân sách địa phương và huy động từ xã hội (khảng 9.200 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, trường hợp dịch COVID-19 kéo dài, nhu cầu vắc - xin hằng năm sẽ tăng cao với kinh phí lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân, nên cần huy động thêm các nguồn lực đóng góp từ xã hội. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ tiền mua vắc - xin và công tác phòng chống dịch COVID-19 gửi tới Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tổng số tiền tới nay khoảng 3.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tiền từ Quỹ vắc - xin COVID-19 chủ yếu chi cho mua vắc - xin và hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vắc - xin trong nước. Quỹ tiếp nhận hỗ trợ đóng góp tự nguyện bằng tiền hoặc vắc - xin của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chịu sự thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước và giám sát của cộng đồng.