Trong động thái mới nhất, tỉnh Nghệ An cho thấy sự thận trọng nhất định khi quyết định dừng bổ sung quy hoạch đối với các dự án thủy điện trên địa bàn.
 
Đây là việc làm cần thiết khi hiểm họa thực sự tiềm tàng, có điều chủ trương đưa ra khá muộn, nhất là khi sự đã rồi.
 
Lợi ích kinh tế không thể bù hệ lụy xã hội
 
Nghệ An là tỉnh đất rộng người đông, tốc độ phát triển giữa các vùng miền có sự chênh lệch lớn, đặc biệt là khu vực miền núi. Để tạo nguồn thu và từng bước nâng cao mức sống cho đồng bào vùng cao, địa phương lựa chọn tập trung phát triển các dự án thủy điện.


 
Thủy điện mọc lên như nấm sau mưa. Ảnh: Việt Khánh.
 
Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 32 dự án được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.378MW, trong đó 21 dự án đã vận hành phát điện (công suất 930,9MW).
 
Trung bình hàng năm các dự án trên phát điện khoảng 3 tỉ kWh, đóng góp ngân sách gần 600 tỉ đồng/năm. Số tiền này không nhỏ, nhất là với một tỉnh thuộc diện “thu không bù chi” như Nghệ An.
 
Lợi ích kinh tế là điều không thể phủ nhận, dù vậy những hệ lụy đi kèm lại rất đáng lưu tâm. Trên thực tế, hàng ngàn ha đất rừng, đất lâm nghiệp đã bị xáo trộn vì liên quan đến công tác quy hoạch. Chưa kể hàng loạt lòng sông, con suối bị băm nát, hệ sinh thái tự nhiên bị xáo trộn nghiêm trọng.
 
Nan giải không kém là những hệ lụy đến từ phương án tái định cư… nửa vời. Dễ thấy rằng phần lớn chủ đầu tư và chính quyền không giải quyết ngọn ngành vấn đề này, giữa lý thuyết và thực tiễn là khoảng cách xa vời vợi. Bằng chứng có những công trình đưa vào sử dụng từ rất nhiều năm nhưng lời hứa hẹn thì xa xỉ như mây gió, chờ đợi mỏi mòn hết lần này lượt khác khiến niềm tin của người dân trôi tuột theo thời gian.
 
Phải nói thêm, để nhường đất cho các nhà máy thủy điện không dưới 5.000 hộ buộc phải tiến hành di dời, chưa kể cơ man những trường hợp khác bỗng chốc bị đẩy vào cảnh khốn cùng do không hòa nhập được với guồng quay, nhịp sống tại nơi ở mới.


 
Hậu xả lũ, nhiều vùng màu ven sông bị biến dạng. Ảnh: Việt Khánh.
 
“Quy hoạch lộn xộn, mạnh ai nấy làm” là nhận định chung của phần đa cử tri khi được hỏi, lập luận này có cơ sở nếu dựa trên những điều mắt thấy tai nghe. Lấy Quế Phong làm ví dụ, đây là huyện “sở hữu” nhiều dự án thủy điện nhất trên địa bàn với tổng cộng 11 công trình, trong đó Hủa Na lớn nhất với công suất 180 MW.
 
Thủy điện mọc lên dày đặc như nấm sau mưa, đồng nghĩa đất đai, nhà cửa bị bó hẹp lại, chung quy cuộc sống của đồng bào chắc chắn bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Nghiêm trọng là vậy nhưng xem ra chừng đó chưa thấm tháp vào đâu, bằng chứng trước khi lãnh đạo tỉnh Nghệ An thật sự cương quyết thì các bên liên quan vẫn tích cực… khảo sát, qua đó đề nghị bổ sung vào quy hoạch chung một số dự án khác.
 
Nước đến chân mới nhảy
 
Dù cam kết tuân thủ đúng các quy định pháp luật nhưng trên thực tế quá trình vận hành của các nhà máy thủy điện xuất hiện đầy rẫy vấn đề, nghiêm trọng đến mức có trường hợp xấu số phải bỏ mạng từ sự tắc trách này.
 
Trong số hàng chục dự án đang án ngữ dày đặc trên các lòng sông, duy chỉ thủy điện Bản Vẽ và Hủa Na có chức năng điều tiết, cắt lũ. Tất cả các hồ còn lại vận hành theo chế độ điều tiết ngày đêm, cơ bản không đảm bảo dung tích phòng lũ, không có chức năng cắt, giảm lũ cho hạ du.
 
Vì lý do này, để tránh nguy cơ vỡ đập trong trường hợp cấp bách phần nhiều chủ đầu tư lựa chọn phương án xả lũ cật lực cốt để giảm thiểu thiệt hại cho chính họ, điều này vô hình chung khiến người dân lãnh đủ.


 
Mất đất, mất nhà, cuộc sống bị đảo lộn tứ tung nhưng gia đình bà Vinh chỉ được hỗ trợ số tiền bèo bọt 180 triệu đồng. Ảnh: Việt Khánh.
 
Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng đến nay diễn biến của trận thiên tai kinh hoàng vào tháng 8/2018 vẫn hiện rõ mồn một trong trí nhớ của người dân 2 huyện Con Cuông và Tương Dương. Thời điểm này, nước từ thượng nguồn đổ về dồn dập, kết hợp với quá trình xả lũ của thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố tức thì nhấn chìm tất thảy, chỉ sau 1 đêm nhiều nhà mất trắng, nhiều phận đời phải sống cảnh vất vưởng, khốn khó vô cùng.
 
Mức thiệt hại 130 tỷ đồng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, đằng sau đó là những hệ lụy tiềm tàng mà đồng bào phải chịu đựng dai dẳng. Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh, trú tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương là trường hợp điển hình. Giãi bày cùng NNVN, bà Vinh buồn rười rượi:
 
2 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in, hôm đó mưa gió bão bùng, nước trên cao trút xuống không ngớt, căn nhà bị rung lắc dữ dội và ập xuống dòng Nậm Nơn sau đó không lâu. Trong tích tắc mẹ con tôi lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất, phải ăn nhờ ở đậu hàng tháng trời. Hậu quả do quá trình vận hành của các nhà máy thủy điện nhưng cách họ khắc phục chẳng đến đầu đến đũa, thiếu trách nhiệm và bất hợp lý.
 
Qua theo dõi tình hình, dường như  từ trách nhiệm đã dễ dàng bị đánh tráo. Là tác nhân chính nhưng xuyên suốt quá trình làm việc, các đơn vị đều cố tình lờ đi nội dung “bồi thường”, thay vào đó là “hỗ trợ”, bằng cách này đã cắt bớt nguồn kinh phí phải chi ra.
 
Nói có sách mách có chứng, gia đình bà Vinh chỉ nhận được 120 triệu đồng từ thủy điện Khe Bố (6 khẩu, mỗi khẩu 20 triệu), thêm 60 triệu nữa từ huyện Tương Dương, vị chi chưa đến 200 triệu đồng, quá rẻ mạt cho việc mất đất, mất nhà, sau nữa là mất cả niềm tin.
 
Hệ lụy của thủy điện là vấn đề “nóng”, được cử tri toàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Nếu làm một cuộc khảo sát thực tế để đánh giá mức độ hài lòng, dám chắc tỷ lệ ủng hộ vô cùng nhỏ giọt.
 
Mới đây trên cơ sở đánh giá tác động, đồng thời lắng nghe, tiếp thu tâm tư, nguyện vọng của số đông đồng bào, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chính thức truyền tải đông điệp: Thống nhất không bổ sung mới quy hoạch thủy điện trên địa bàn.
 
Dù khá chậm nhưng chủ trương trên nhận được sự tán thành của số đông. Thôi thì, muộn còn hơn không!