Trong phiên thảo luận các đại biểu cho ý kiến về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác. Những vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Làm rõ những ổn định của hệ thống tín dụng, thực trạng thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản…

Đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng.

1229-271020220916-nguyeyyn-thiy-kim-bey-kieyn-giang-1666927201.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)

Nêu lên những khó khăn thách thức của một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch vốn đã khó khăn, tuy nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng hiện vẫn chưa thoát nghèo, thoát được rất khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều thách thức…

Bên cạnh đó, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự… Đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023”.

Nêu lên một số vấn đề trong công tác quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, trong đó có vấn đề tạm ứng thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, và mối liên hệ đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho rằng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Do đó, phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hoàn thiện quy trình tạm ứng, thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế, giám định bảo hiểm y tế, quy trình, phác đồ điều trị…

“Cần thu hẹp khoảng cách giữa chi phí các cơ sở y tế dùng để khám, chữa bệnh với số chi thanh toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, rút ngắn thời gian thanh toán, quyết toán; phát huy vai trò của Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, hoàn thiện quy trình hoạt động để bảo đảm Hội đồng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xử lý kịp thời các vấn đề tài chính bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền; bố trí nguồn chi với các cơ sở y tế mất cân đối thu chi, giúp các đơn vị chủ động được phương án tài chính, duy trì hoạt động ổn định”, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị biện pháp tháo gỡ.

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt về một số chỉ tiêu, nhiệm vụ hiệu quả hơn. Qua đó, phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đến nay, tiến độ triển khai gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch còn chậm, không đảm bảo được hiệu quả thực tế và ý nghĩa sâu sắc, quan trọng như lúc đề ra.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), bối cảnh năm 2022 triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia cùng với đó là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là tồn tại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Phân tích một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công từ thực tế tại các địa phương, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023./.