Công trình nước không có nước
Mặc dù lo sợ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nhưng ông Đoàn Minh Đình (60 tuổi, khu tái định cư Đồng Bến Sứ, thôn Tăng Long, xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) vẫn phải dùng nước ở giếng cho mọi sinh hoạt của gia đình. Theo ông Đình, hiện không còn cách nào khác khả thi hơn vì công trình nước sạch, cung cấp nước cho người dân khu vực này đã ngừng hoạt động từ lâu.
“Gia đình phải đóng giếng rồi mua máy lọc nước về dùng. Tuy nhiên, vùng này trước kia là khu nghĩa địa nên rất lo nguồn nước không đảm bảo. Trong khi đó, công trình cấp nước sạch xây rất quy mô, hơn chục tỷ đồng mà giờ lại bỏ không”, ông Đoàn Minh Đình phàn nàn.
Không chỉ ông Đoàn Minh Đình mà rất nhiều hộ dân ở xã Tịnh Long cũng bức xúc vì công trình nước sạch được đầu tư quy mô khá hoành tráng, "ngốn" rất nhiều tiền đầu tư nhưng bỏ hoang, trong khi người dân không có nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày.
“Hồi mới đưa vào sử dụng, mỗi khối nước 5.500 đồng, giá thì cao mà nước cũng không đảm bảo. Rồi giờ là không có nước luôn. Đầu tư xong rồi, họ đi là chỉ vài năm sau đó, công trình cũng… đi theo”, ông Ngô Mộng Đạt (67 tuổi, khu tái định cư Đồng Bến Sứ, thôn Tăng Long) cho biết.
Đáng chú ý, trên địa bàn thôn Tăng Long, ngoài công trình trên còn một công trình cấp nước sạch khác, phục vụ khu tái định cư Cây Sến với mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng cũng không hoạt động từ nhiều năm nay. Việc 2 công trình lớn với tổng mức đầu tư không hề nhỏ, lên đến gần 15 tỷ đồng đều bỏ hoang trong suốt thời gian dài khiến người dân rất bức xúc.
Cung- cầu không phù hợp?
Chủ tịch UBND xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong 2 năm 2011 và 2013, trên địa bàn xã có hai công trình nước sạch được đầu tư xây dựng, cung cấp nước cho người dân tại các khu tái định cư di dời dân vùng sạt lở và vùng bị ảnh hưởng của dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh là Cây Sến, Đồng Bến Sứ, Ruộng Ngõ, Gò Dện. Theo ông Tuấn, vì nhiều nguyên nhân, hiện các công trình cấp nước sinh hoạt này dừng hoạt động, bỏ hoang.
“Công trình hơn 11 tỷ đồng phục vụ cho người dân các khu tái định cư dự án đường Dung Quất- Sa Huỳnh. Năm 2013, các khu tái định cư hoàn thành, hộ dân đã vào làm nhà, đóng giếng, trong khi đó công trình cấp nước sinh hoạt do dự án xây dựng được thực hiện năm 2015, dẫn đến nhu cầu sử dụng nước chỉ còn khoảng hơn 50 hộ. Không những thế, khi công trình hoàn thành, hệ thống đường ống có chất bẩn và chất hữu cơ, UBND xã kiến nghị chủ đầu tư xả đường ống, mặc dù đã làm sạch nhưng người dân cũng không dám sử dụng lại”, ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích.
Đối với công trình nước sạch hơn 3 tỷ đồng ở đồng Cây Sến, phục vụ di dân vùng sạt lở, theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, người dân vào định cư năm 2003, nhưng đến năm 2011, công trình cấp nước sinh hoạt mới thực hiện. UBND xã vận động người dân tham gia, trừ các hộ đã đóng giếng thì còn lại rất ít người dân tham gia đấu nối đường ống.
“Công trình sau khi hoàn thành giao xã quản lý, nhưng xã không có chuyên môn, dân lại ít sử dụng nên không có nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng hằng năm. Lượng nước thất thoát quá lớn trong thời gian dài nhưng không khắc phục được, dẫn đến thua lỗ. Trong 3 năm qua, địa phương phải bù lỗ hơn 17 triệu đồng. Từ cuối năm 2019, công trình ngưng hoạt động”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khu vực xã Tịnh Long hầu hết có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Trước kia, đơn vị chủ đầu tư đã lựa chọn địa điểm xây dựng công trình cấp nước có mức độ ô nhiễm ít nhất và xây dựng công trình lọc lắng đảm bảo an toàn, nhưng công trình không sử dụng, bỏ phí nhiều năm là điều rất đáng tiếc.
“Địa phương không đủ khả năng tiếp tục vận hành nên đã nhiều lần làm văn bản xin chuyển giao TP Quảng Ngãi quản lý cả 2 công trình cấp nước trên nhưng vẫn chưa được đồng ý”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay..
Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Nguyễn Lâm cho biết, tình trạng hai công trình nước sạch ở xã Tịnh Long bỏ không, gây lãng phí là có thật.
“Đây là các công trình được tỉnh đầu tư để phục vụ người dân vùng tái định cư. Tuy nhiên, khu vực này người dân tự khoan giếng sử dụng, ít có nhu cầu sử dụng nước từ công trình nên công trình nước sạch không phát huy hiệu quả, dẫn đến không đủ kinh phí vận hành, sửa chữa. Thành phố cũng đã kiến nghị lên sở, ngành chức năng của tỉnh để có hướng xử lý phù hợp”, ông Nguyễn Lâm thông tin./.