Truyền thừa võ tướng công thần Nguyễn Xí

123 năm trước, từ ngôi làng nhỏ tên là Mỹ Quan, thuộc tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, Nghệ An, có một cậu bé ra đời trong gia đình nông dân chân chất, được đặt tên là Nguyễn Vỹ. Tuy cậu bé Nguyễn Vỹ sinh ra và lớn lên trong mái tranh nghèo đơn sơ, nhưng lại là hậu duệ của bậc anh hùng – khai quốc công thần Nguyễn Xí. Cương Quốc Công Nguyễn Xí sinh năm 1397 tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cụ tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống lại sự xâm lược của giặc Minh. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, cụ làm quan cho nhà hậu Lê trải 4 triều vua, là công thần được sắc ban “Thượng đẳng phúc thần, Hiển uy chính nghị anh kiệt trung trinh Đại vương”.

cx-1726368894.jpg

Kế thừa dòng máu võ hùng ấy, con cháu cụ Nguyễn Xí đời sau đều theo nghiệp phù trợ quốc gia phồn thịnh, làm quan cho nhà Lê, gây dựng nên một trong những dòng họ lớn và dánh giá bậc nhất Việt Nam: họ Nguyễn Đình. Trong thời kỳ phong kiến, đã có hàng ngàn người con của dòng họ Nguyễn Đình được phong tước Công, hầu, bá, hàng ngàn người được triều đình phong sắc. Riêng ở nhà Thờ Chi 5 ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đã có tổng cộng hơn 20 sắc phong. Một số nhân vật nổi tiếng của dòng họ Nguyễn Đình qua các thời kỳ lịch sử có thể kể đến như: Thái úy Nguyễn Sư Hồi, Phó tướng Nguyễn Đình Đắc, Long sơn Nguyễn Đình Hồ, Nguyễn Phong Sắc (bí thư xứ ủy trung kì), Nguyễn Duy Trinh (nguyên bộ trưởng bộ Ngoại giao), giáo sư Nguyễn Đình Tứ, giáo sư NGND Nguyễn Đình Chú...

Điều đặc biệt nhất, là người Nguyễn Đình mang gen võ tướng, đời trước truyền đời sau, đàn ông trong họ đều có dáng hình cao lớn, phương phi, khỏe mạnh, giọng nói hào sảng, tính cách khoáng đạt, giao hảo. Bởi vậy, trong mỗi thời kỳ gắn liền với vận mệnh của dân tộc, đất nước, nhiều thế hệ cháu con của dòng họ đã không ngại hy sinh, hòa mình vào từng tấc đất, tấc nước, vì độc lập tự do cho đồng bào mình. Sinh ra là hậu duệ của Cương Quốc Công Nguyễn Xí, là đã tự mang trong mình những tâm niệm chính trực, chính nghĩa, sống xứng đáng với thủy tổ dòng dõi, cả đến khi chết đi cũng không được phép làm hổ danh là truyền thừa của võ tướng công thần.

Cậu bé Nguyễn Vỹ được sinh trưởng với dòng máu ấy, với tinh thần ấy, được mẹ cha cho đi học sớm dù gia cảnh nghèo khó. Được học hành, được lớn lên từ cội nguồn khai quốc công thần, tổ tông vinh hiển, nên nghĩa khí vững như đá, ý chí vững như vàng; chỉ chờ ngọn đuốc rực sáng soi đường, tôi luyện.

Ngọn đuốc ấy đã được thắp lên vào những năm 1926-1927, đúng vào thời kỳ thanh xuân nhiệt huyết nhất của Nguyễn Vỹ: Cách mạng!

Bước chân vào con đường cách mạng

Năm 1925, Nguyễn Vỹ làm thuê cho một thương nhân người Hoa ở ga Yên Lý, thuộc huyện Diễn Châu, nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn. Chính tại đây, ông đã gặp Hội viên Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) về Nghệ Tĩnh hoạt động và được nhen nhóm ngọn lửa cách mạng trong bối cảnh xã hội Việt Nam giữa thập kỷ 1920 đang ở giai đoạn chuyển mình, khởi dậy. Dân chúng “tỏ ra sẵn sàng nổi dậy nhưng hoàn toàn không biết phương pháp. Họ muốn tự giải phóng nhưng lại không biết làm như thế nào”. Giới trí thức bồn chồn bởi cái thiếu nhất là một tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Chính vì thế, khi có ánh sáng dẫn dắt, Nguyễn Vỹ cũng như nhiều thanh niên tri thức, học sinh khác đã tiếp thu rất nhanh chóng. Tháng 10 năm 1926, Nguyễn Vỹ cùng một số Hội viên được giới thiệu sang Quảng Châu, dự lớp huấn luyện đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức rồi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Bắt đầu từ đây, anh đổi tên thành Phùng Chí Kiên, với ý nghĩa “là sự tương phùng hội ngộ, là sự gặp gỡ của chí khí và lòng kiên trung”. Trong khu phố cổ ở Quảng Châu, dưới sự dẫn dắt trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên đã cùng các thanh niên ưu tú của Việt Nam như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng tham gia lớp học bí mật. Sau những giờ học tập, những người học trò của Nguyễn Ái Quốc thường được đi cùng ông tới gò Hoàng Hoa Cương, thăm mộ liệt sĩ yêu nước Phạm Hồng Thái để đọc lại những lời thề thiêng liêng phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Ai cũng thấu hiểu rằng sức mạnh và uy tín của tổ chức mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang nỗ lực xây dựng không chỉ ở việc đứng ra nhận sứ mệnh cứu nước mà còn thể hiện ở đức hy sinh, đi đầu trong gian khổ, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ cao cả. Tư cách “Người cách mạng” của Phùng Chí Kiên được tôi luyện như thế, bằng chính ngọn đuốc thế kỷ mà Nguyễn Ái Quốc đã thắp lên!

e-1726368954.jpg
Mạnh Văn Liễu (Nguyễn Vỹ – Phùng Chí Kiên) trong hồ sơ của mật thám Pháp. Ảnh tư liệu

Sau khóa học, Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử vào học Trường Võ bị Hoàng Phố của Tôn Trung Sơn. Năm 1927, Tưởng Giới Thạch khủng bố cộng sản, nhà trường bị đóng cửa. Phùng Chí Kiên cùng với một số cán bộ Việt Nam gia nhập quân cộng sản và tham gia Khởi nghĩa Quảng Châu (ngày 12 tháng 12 năm 1927) do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, làm Đại đội trưởng Hồng quân công nông Trung Quốc. Cuộc bạo động thất bại, nhưng với cương vị Đại đội trưởng, Phùng Chí Kiên đã tỏ rõ bản lĩnh của người chỉ huy quân sự tinh tế, nhạy bén, ứng phó linh hoạt khi xử trí các tình huống chiến đấu. Sau đó, quân cách mạng rút về xây dựng khu Xô viết ở hai huyện Hải Phong và Lục Phong.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời tại Hương Cảng – Trung Quốc. Phùng Chí Kiên là một trong những Đảng viên sớm nhất gia nhập.

Theo chân Bác vượt gian lao, thử thách

Với tư cách là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (đã được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương để phù hợp với thực tiễn đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ), Tháng 2 năm 1931, được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên sang học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Đến Mãn Châu, ông bị phát xít Nhật bắt giam gần một năm. Ra tù, Phùng Chí Kiên đổi tên là Can rồi tiếp tục lên đường sang Liên Xô học. Từ năm 1933 đến năm 1934, ông học tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông ở Moskva. Với quyết tâm cao, ông ra sức học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của Nhân dân Liên Xô để sau này vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam.

Năm 1934, ông về Hương Cảng, tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, cùng Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất tổ chức tại Áo Môn (Trung Quốc) vào năm 1935; được Đại hội bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương phụ trách công tác Đảng ở nước ngoài.

Năm 1936, Phùng Chí Kiên về Sài Gòn hoạt động, cùng Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Đông Dương theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Quốc tế cộng sản và Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 16/7/1936, nhằm đấu tranh đòi tự do dân chủ, cơm áo và hoà bình.

Năm 1937, Phùng Chí Kiên sang Hương Cảng công tác với tấm thẻ căn cước mang tên Phùng Nguôn Vĩnh, bị cảnh sát Anh bắt và trục xuất.

Năm 1938, Phùng Chí Kiên tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương và xuất bản báo Đồng thanh ở Côn Minh (Trung Quốc).

Đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh. Đây là thời gian mà Phùng Chí Kiên được gần Bác, trực tiếp làm việc với Bác, được đưa Bác đến nhiều nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chi Thôn... thuộc tỉnh Vân Nam.

Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng Đức trong cuộc Đại chiến thế gới II, Nhật nhảy vào Đông Dương. Thực hiện chỉ thị của Bác, Phùng Chí Kiên họp Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài bàn việc vận động thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh, rồi cùng với Bác chuyển tới Tĩnh Tây, một thị trấn thuộc tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Trung Quốc - Việt Nam, chuẩn bị về nước khi có thời cơ. Tại đây, ông đã tham gia huấn luyện 40 cán bộ cốt cán của Việt Nam, tạo nguồn cách mạng.

Hành trình theo chân Bác trên con đường cách mạng của Phùng Chí Kiên không ít lần nếm mật nằm gai, nhưng bản lĩnh của người cộng sản kiên trung và tinh thần của dòng họ Nguyễn Đình xứ Nghệ luôn là kim chỉ nam đưa ông vượt qua mọi gian lao, thử thách.

Vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 28 tháng 01 năm 1941, Phùng Chí Kiên theo Bác về Pác Bó, Cao Bằng. Ông tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ khu căn cứ. Đến tháng 5 năm 1941, ông tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; được cử trực tiếp tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn- cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang lớn trong cả nước, làm thực dân Pháp điên đầu, ra sức tìm cách đối phó.

Cuối tháng 6 năm 1941, chính quyền thực dân Pháp huy động tới 4.000 quân tổ chức thành ba mũi tấn công mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang mới hình thành. Các cơ sở bí mật của Trung ương Đảng và Cứu quốc quân bị uy hiếp nghiêm trọng. Trong cuộc họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), Ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định cử một tổ bảo vệ và dẫn các cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản qua Tràng Xá về xuôi an toàn.

Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp. Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn đối phương, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng.

ii-1726368988.jpg
Khu nhà thờ tại Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

Ngày 19 tháng 8 năm 1941, cánh quân của Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri qua Pò Kép (châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị giặc phục kích nhưng thoát được.

Ngày 21 tháng 8 năm 1941, đơn vị lại bị phục kích và bị bao vây tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Lương Văn Tri bị thương rồi hy sinh. Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn bắn chặn quân đối phương để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, ông bị giặc bắt. Mặc dù đang bị kẻ địch hành hung, ông vẫn bình tĩnh kêu gọi lính dõng: “Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp, đuổi Nhật để giải phóng đồng bào. Chúng ta là người Việt Nam, cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung”.

Hòng chặt đứt khí thế cách mạng và uy hiếp tinh thần cán bộ, Nhân dân địa phương, ngày 22 tháng 8 năm 1941, kẻ địch đã chặt đầu ông đem cắm ở cầu Ngân Sơn.

Người cộng sản kiên cường Phùng Chí Kiên ngã xuống khi tròn 40 tuổi. Cả cuộc đời ông chỉ dành cho cách mạng, đấu tranh giải phóng vì tự do cho Nhân dân, đồng bào Việt Nam. Sự dấn thân và những cống hiến của ông đã được đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận trên báo Cờ Đỏ năm 1943: “Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ… Cái chết của anh là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất, nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ. Chúng ta càng nhớ đến anh, càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta”.

Ngày 23 tháng 9 năm 1947, ông được phong hàm tướng theo Sắc lệnh 89/SL do Chủ tich Hồ Chí Minh ký.  Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Việt Nam và Phùng Chí Kiên trở thành vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1990, một phần hài cốt của ông được đưa từ Bắc Kạn về Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.

Năm 1994, liệt sĩ Phùng Chí Kiên được truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Hơn 62 năm sau ngày mất, tháng 11 năm 2003, ông được Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam ra quyết định phong là Sĩ quan quân đội cấp tướng.

Tên của ông đã được đặt cho các con đường ở Hà Nội, Nghệ An, Đồng Hới, Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Hải Dương, Lào Cai và Lạng Sơn.

Năm 2010, Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên đã được xây dựng tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và đến ngày 23 tháng 8 năm 2011 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

mn-1726369011.png