Phóng viên Anna Coren (47 tuổi) và nhà quay phim Daniel Hodge (34 tuổi) đã được đưa đến Sở Cảnh sát Na Klang (Thái Lan) ngày 9/10. Truyền thông Thái Lan cũng cáo buộc hai phóng viên này đã vi phạm đạo đức báo chí.

Thiếu tướng cảnh sát Thái Lan Surachate Hakparn hôm 9/10 tuyên bố rằng, các cơ quan chức năng tỉnh Nong Bua Lam Phu đang điều tra về phóng sự mà nhóm phóng viên đài CNN thực hiện tại hiện trường vụ xả súng nhà trẻ khiến hàng chục người thiệt mạng.

“Nhóm phóng viên đài CNN sẽ bị truy tố với tội danh xâm nhập trái phép vào cơ quan nhà nước và cả hành vi ‘có thể’ cố làm giả bằng chứng sử dụng trong vụ án, nếu cảnh sát tìm thấy đủ căn cứ để buộc tội họ”, ông Hakparn nói.

phong-vien-cnn-xam-pham-hien-truong-vu-xa-sung-o-thai-lan-1665389279.jpg
Phóng viên CNN từ bên trong hiện trường vụ xả súng trèo hàng rào ra bên ngoài. Ảnh: FCCThai/Twitter. 

Theo luật pháp Thái Lan, các phương tiện truyền thông đã bị cấm tiếp cận hiện trường tội phạm nghiêm trọng, trừ khi được phép. CNN khẳng định nhóm phóng viên của họ đã nhận được sự cho phép của giới chức Thái Lan để vào hiện trường vụ tấn công, song truyền thông nước này phủ nhận điều đó.

Cục Di trú Thái Lan cũng đã thu hồi thị thực du lịch của bà Coren và ông Hodge. Cơ quan này giải thích rằng việc đưa tin mà không có thị thực báo chí là một hành vi phạm tội.

Việc họ xâm phạm hiện trường vụ án có thể đã làm xáo trộn bằng chứng và làm gián đoạn công việc của các điều tra viên, cơ quan cho biết thêm.

Nhà chức trách cho hay nhóm phóng viên CNN sẽ bị truy tố vì xâm nhập trái phép và có thể cả tội danh làm giả bằng chứng nếu cảnh sát tìm thấy đủ căn cứ để xử lý. Chỉ riêng tội danh xâm nhập trái phép cũng có thể đối mặt án phạt 5 năm tù giam, theo Bangkok Post.

Bản tin của CNN đã lan truyền rộng rãi trên mạng giữa lúc xuất hiện tranh luận về cách hãng tin này tiếp cận hiện trường để phát những hình ảnh, bao gồm các vết máu và đồ đạc của nạn nhân nhỏ tuổi.

CNN cho biết họ rất lấy làm tiếc về việc đã gây ra đau khổ cho người nhà nạn nhân qua bản tin về vụ xả súng tại nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lamphu, Đông Bắc Thái Lan.

Trong một tuyên bố, Phó chủ tịch điều hành kiêm Tổng giám đốc CNN Mike McCarthy cho biết: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về bất kỳ sự đau khổ hoặc xúc phạm nào mà bản tin của chúng tôi có thể đã gây ra, và về bất kỳ sự bất tiện nào cho cảnh sát Thái Lan vào thời điểm đau buồn như thế này”, theo Guardian.

Cơ quan truyền thông này cũng nói rằng phóng viên của họ vào hiện trường là để “có hình ảnh đầy đủ hơn về những gì diễn ra bên trong và để nhân đạo hóa quy mô của thảm kịch”./.