BQL Chợ TP Hà Tĩnh thường xuyên tăng cường tuần tra, tuyên truyền công tác phòng chống cháy nổ đến các khu vực kinh doanh tại chợ.
Có nhiều lý do khiến chợ TP Hà Tĩnh luôn đối mặt với mối lo bị “bà hỏa” ghé thăm vào những đợt nắng nóng. Đây là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh với khoảng 2.000 ki - ốt kinh doanh đủ các loại hàng hóa từ quần áo, dày dép, nông sản, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, vàng mã… Mỗi ngày, ở các đình chợ có ít nhất từ 1.400 - 1.500 bà con tiểu thương thường xuyên kinh doanh buôn bán
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của chợ xây dựng khá lâu, nhiều khu vực kinh doanh bị xuống cấp, quá tải và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Đặc biệt, những ngày qua, khi đợt nắng nóng diễn ra gay gắt, nhiệt độ trên địa bàn thường xuyên ở mức từ 39 - 40 độ C khiến công tác phòng chống cháy nổ (PCCN) ở chợ TP Hà Tĩnh vốn là nhiệm vụ thường trực lại căng thẳng hơn bao giờ hết.
Hệ thống báo cháy tự động giúp kiểm soát tình hình các khu vực của chợ.
Ông Võ Thái Hòa, Phó Trưởng BQL Chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Bắt đầu vào mùa nắng nóng, đơn vị đã triển khai tập huấn, thực tập các phương án PCCN đến tận mỗi cán bộ, công nhân viên. Theo đó, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện chế độ trực 24/24h, kích hoạt các kịch bản phòng cháy, chữa cháy (PCCC) từng khu vực với phương châm “không được bị động, bất ngờ”. Tăng tần suất tuần tra, giám sát và tuyên truyền để bà con tiểu thương nâng cao ý thức PCCN tại quầy hàng của mình”.
Hiện nay, lực lượng bảo vệ & PCCN tại chợ TP Hà Tĩnh có 55 người, được đào tạo nghiệp vụ bài bản, chuyên nghiệp. Những ngày qua, khi tình hình nắng nóng gia tăng, lực lượng này trở thành đội quân tinh nhuệ, liên tục thường trực và phản ứng nhanh với các tình huống.
Đội được chia thành 3 tổ bảo vệ, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra tình hình an ninh trật tự, PCCC các khu vực kinh doanh với 3 ca/ngày; kiểm tra, vận hành hệ thống điện, thiết bị PCCC, phân công lực lượng ứng cứu tận chốt và các khu vực để ứng phó chủ động với diễn biến nắng nóng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Tổ phó Tổ Bảo vệ số 1 (BQL Chợ TP Hà Tĩnh) phân công ca trực, vùng trực
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Tổ phó Tổ Bảo vệ số 1 (BQL Chợ TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hằng ngày, sau khi phân công ca trực, tôi cùng các thành viên chia thành từng tổ xuống tận các khu vực kinh doanh để kiểm tra, nhắc nhở bà con tiểu thương thực hiện chỉ giới kinh doanh, không lấn chiếm hành lang an toàn PCCC, không sử dụng các thiết bị dễ bắt lửa trong quầy hàng, sử dụng điện an toàn, ngắt tất cả các nguồn điện trước khi ra về…
Đặc biệt, vào các giờ cao điểm của nắng nóng (từ 10h trưa đến 3h chiều) và thời điểm ít người vào chập tối đến đêm khuya, chúng tôi phải cắt cử tổ trực có mặt tại các khu vực xung yếu như kinh doanh vàng mã, đình chợ 2 tầng, kinh doanh hàng khô… nhằm kiểm soát tình hình, cảnh giác cao nhất những tình huống cháy nổ có thể xảy ra”.
Các tổ bảo vệ tiến hành kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy trước và sau ca trực.
Bên cạnh đó, BQL chợ cũng tập trung tuyên truyền đến bà con tiểu thương theo phương châm “mưa dầm thấm đất”. Cứ vào khung giờ 10h trưa, 15h chiều và 18h giờ tối, hệ thống loa phát thanh của BQL Chợ TP Hà Tĩnh lại liên tục phát đi những cảnh báo về nguy cơ xảy ra cháy nổ trong khu vực đình chợ. Các tổ bảo vệ còn dùng loa cầm tay đến tận điểm chốt, quầy hàng để nhắc nhở bà con tiểu thương và người dân đi chợ nâng cao cảnh giác phòng chống cháy nổ tại chỗ.
Bà Trần Thị Tùng, tiểu thương quầy số 41, khu vực chợ tạp hóa, nông sản, thực phẩm khô cho biết: “Tôi kinh doanh mặt hàng vàng mã, vì thế chỉ cần một chút lơ là là không kịp trở tay. Tuân thủ quy định của BQL chợ, tôi nghiêm chỉnh thực hiện các điều kiện về chỉ giới kinh doanh, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, kiểm tra nguồn điện khi đến, trước khi ra về và không sử dụng các thiết bị tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ”.
Bà Trần Thị Tùng, quầy số 41, kinh doanh vàng mã sắp xếp hàng hóa gọn gàng, tuân thủ quy định PCCN.
Ở đình chợ 2 tầng, các khu vực hành lang, luồng đi lại cũng được sắp xếp gọn gàng, thông thoáng hơn. Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, hơn ai hết, bà con tiểu thương hiểu rằng nâng cao ý thức chung chính là bảo vệ an toàn cho tài sản của mình.
“Kinh doanh cả ngày ở chợ, thời tiết nắng nóng, khó chịu lắm nhưng tôi cũng chỉ sử dụng một chiếc quạt điện có công suất vừa để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ nhằm bảo vệ tài sản của mình và của tất cả mọi người” - chị Trần Thị Minh, quầy số 446, đình chợ 2 tầng cho biết./.