Thiên tai gây thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng
Ngày 4/6, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn biến hết sức phức tạp, dị thường với tổng số gần 500 đợt quy mô quốc gia và khu vực; số lượng bão hoạt động trên Đại Tây Dương trong năm vượt mức kỷ lục với 30 cơn; mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 8.200 người chết, mất tích; tổng thiệt về kinh tế trên 210 tỷ USD.
Ở trong nước, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và một ATNĐ; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển.
Trong năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, dông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông bắc, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến hết tháng 5-2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4.300 nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32.000ha lúa, hoa màu; 6.583m đường giao thông sạt lở; 15.945 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Hoài, mặc dù thiên tai năm qua diễn ra hết sức nghiêm trọng cùng với diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.
Ông Trần Quang Hoài cho biết, thiệt hại do thiên tai tuy đã giảm thiểu, song vẫn còn lớn kể cả người và tài sản, nhất là thiệt hại về người do sạt lở đất, lũ quét.
Công tác ứng phó thiên tai là nhóm nhiệm vụ được quan tâm chỉ đạo sát sao và hiệu quả, song cũng còn bộc lộ một số tồn tại như thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất còn rất khó khăn; công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, chỉ huy cứu nạn từ trung ương đến các địa phương còn thiếu cơ sở dữ liệu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng…
Do hậu quả của thiên tai trong năm để lại rất nặng nề, nhất là khu vực miền Trung, bên cạnh những nỗ lực của toàn xã hội nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phục hồi tái thiết sau thiên tai song bộc lộ nhiều tồn tại như tốc độ triển khai chậm, hoạt động quyên góp cứu trợ tự phát gây dư luận trái chiều, sự quan tâm giải quyết các vấn đề sau thiên tai còn hạn chế.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó, có 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam đã thay mặt LHQ tại Việt Nam, đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Quản lý thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm và Cứu nạn (VINASARCOM) và Ủy ban Nhân dân các tỉnh ở cả trung ương và địa phương, đã hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều rủi ro trong năm 2020, hậu quả của thiên tai và đại dịch COVID-19.
Theo ông Kamal Malhotra, những năm qua LHQ đã hỗ trợ các sáng kiến để tăng cường nhận thức của người dân Việt Nam. LHQ và các đối tác phát triển khác đã hỗ trợ kịp thời và có giá trị bằng cách huy động các nguồn lực quan trọng và cấp thiết và thực hiện các chương trình cứu sinh và phục hồi.
Đặc biệt, đã huy động các nguồn lực quốc tế, bao gồm từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương để giải quyết lũ lụt và bão năm 2020 cũng như các nguồn lực cho hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với COVID-19. Để xây dựng khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương, LHQ thông qua UNDP, đã huy động hơn 60 triệu USD từ Quỹ Khí hậu xanh để tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lũ và nhằm xây dựng năng lực và khả năng phục hồi của những người nông dân xản xuất nhỏ lẻ dễ bị tổn thương đối phó với tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu gây ra ở các vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Trong thời gian tới, ông Kamal Malhotra cho rằng, cần nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng, tăng cường năng lực và cải thiện công tác lập kế hoạch, đặc biệt là ở cấp tỉnh và địa phương, sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam; Thu thập và quản lý các chỉ số và dữ liệu chính về tính dễ bị tổn thương để tạo điều kiện xác định các biện pháp giảm nhẹ rủi ro dài hạn được thúc đẩy thông qua truyền thông rõ ràng và có thể hành động.
Việt Nam cần kiên định với Chương trình nghị sự 2030, Thỏa thuận Paris và đặc biệt là Khung Sendai, mối quan hệ đối tác nâng cao giữa Chính phủ và các bên liên quan chính, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các cơ quan truyền thông và cộng đồng. Đây sẽ là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, xanh và có đầy đủ thông về tin rủi ro của Việt Nam, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mới (2021-2025), cũng như Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm mới (2021-2030).
Thước đo về hoạt động phòng chống thiên tai là bảo vệ tính mạng người dân
Phát biểu Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong những năm vừa qua, nhất là năm 2020 thiên tai xảy ra dồn dập, liên tiếp gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đối với công tác PCTT&TKCN luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ nên đã giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra. Góp phần trong nỗ lực ấy có sự tham gia tích cực của lực lượng quân đội, công an, các cơ quan thông tấn báo chí và chính quyền và nhân dân các địa phương.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng bày tỏ chia sẻ về những đau thương mất mát, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra đối với các địa phương và nhân dân cả nước trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ rõ nguồn lực đầu tư cho công tác PCTT&TKCN còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác PCTT&TKCN. Công tác phục hồi tái thiết sau thiên tai ở một số địa phương vẫn còn chậm...
“Công tác lãnh đạo chỉ đạo trong PCTT còn chưa cương quyết, một số nơi chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCTT, còn lơ là, chủ quan, lúng túng, chậm phản ứng khi thiên tai đến; công tác dự báo còn hạn chế, có những dự báo đi sau, đi chệch. Những dự báo chưa chính xác, nhiều lần di cư, sơ tán người dân nhưng không có bão,…ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng ngừa, ứng phó”, Phó Thủ tướng cho hay.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, công tác dự báo cần tiếp tục được nâng cao chất lượng hơn nữa để phục vụ cho công tác ứng phó hiệu quả, trong đó, cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo KTTV, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai đảm bảo được chính xác. Ưu tiên bố trí ngân sách xử lý dứt điểm các trọng điểm về đê điều nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bố dân cư ở các khu vực có nguy cơ. Từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở khu vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó cần phát triển kho học công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Ưu tiên, cho nghiên cứu đầu tư trang thiết bị công nghệ quan trắc, theo dõi giám sát chỉ đạo điều hành ứng phó với nhân tai, ứng dụng công nghệ thông tin tự động hóa, vận hành công cụ hỗ trợ trong chỉ đạo điều hành.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ban ngành có liên quan sẵn sàng các kịch bản đề kịp thời ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức PCTT và TKCN, tiếp tục phát huy tối đa phương trâm 4 tại chỗ, ứng phó kịp thời, hiệu quả đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Các Bộ, ngành T.Ư cho rà soát lại các thủ tục liên quan đến tái thiết các địa bàn, khu vực do ảnh hưởng của thiên tai được ngân sách hỗ trợ, thanh toán cho các đối tượng chịu ảnh hưởng. Cần đầu tư trang thiết bị đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ trong dự báo mà cả trong công tác cứu hộ cứu nạn.
“Qua thực tế cho thấy thiết bị của chúng ta chưa đảm bảo yêu cầu, mặc dù đã đầu tư rất lớn. Trong thời gian tới cần tổng kết, đánh giá, so sánh với các nước trong khu vực xem trang thiết bị được đầu tư cứu hộ cứu nạn ra sao. Không chỉ lĩnh vực phòng chống thiên tai mà ở các lĩnh vực khác của TKCN như cứu hỏa,…một số thiết bị của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, do ngân sách còn hạn chế,…Đối với nhiệm vụ PCTT, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo đúng tình hình; Chỉ đạo, ứng phó thật kịp thời; Khắc phục khẩn trương, có hiệu quả, với mục tiêu giảm thiệt hại về người. Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động của phòng chống thiên tai. Các hoạt động của PCTT suy cho cùng là lấy thước đo bảo vệ tính mạng người dân lên hàng đầu ngoài cải vật chất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.