l-1645609006.jpeg

Hàng trăm con trâu bò của người dân các huyện miền núi tỉnh Nghệ An chết vì đợt rét đậm, rét hại sẽ được hỗ trợ theo quy định. Ảnh: Cảnh Thắng

Sáng ngày 23/2, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Trước tình trạng hàng trăm con trâu bò của người dân bị chết vì rét đậm, rét hại, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương tuyên truyền cho người dân tăng cường phòng chống rét, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. 

"Người dân nào bị ảnh hưởng, thiệt hại khi gia súc, gia cầm bị chết báo cáo kịp thời lên chính quyền địa phương để thống kê, sau đó tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ" - ông Hiếu khẳng định.

Ông Hiếu cũng khuyến cáo người dân trong thời tiết khắc nghiệt này không nên thả rông trâu, bò; nếu thả rông trâu bò mà bị chết thì không thuộc diện nằm trong chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An cho hay: "Theo Quyết định 48/2017/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì những trường hợp trâu bò, gia cầm chết vì đợt rét đậm, rét hại vừa qua sẽ nằm trong chính sách hỗ trợ của tỉnh".

"Hiện, chúng tôi đang yêu cầu các huyện báo cáo tình hình thiệt hại do gia súc, gia cầm bị chết rét và thống kê gửi về tỉnh, từ đó hỗ trợ người dân sớm nhất để phục hồi sản xuất trong thời gian tới...", ông Đệ cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Từ ngày 22/2, UBND huyện đã thành lập nhiều tổ công tác, trực tiếp xuống các xã kiểm tra tình hình thiệt hại của người dân, hướng dẫn bà con cách phòng chống rét cho trâu, bò. 

ll-1645609037.jpeg

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nếu trâu bò thả rông chết trong rừng, trên rẫy sẽ không nằm trong chính sách hỗ trợ của tỉnh. Ảnh: Cảnh Thắng

Huyện chỉ đạo các xã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên giúp dân vào rừng tìm trâu bò đưa về nhà chống rét.

Theo chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An, gia súc gia cầm thả rông sẽ không được xem xét hỗ trợ, còn những người nuôi nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng trại được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh. 

"Do vậy, huyện đang yêu cầu các xã thống kê đầy đủ, không được báo cáo sai lệch và đặc biệt là kê khai khống nhằm hưởng lợi bất chính...", ông Vũ cho biết thêm.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành công điện khẩn "phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm". 

Yêu cầu các huyện cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói, rét, đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét.

Kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô (rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. 

Liên tục cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi.

Theo thống kê chưa đầy đủ , tính đến thời điểm này, các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An có tới gần 800 con trâu, bò bị chết rét trong rừng và trong chuồng trại của người dân. Đây được coi là thiệt hại rất lớn của người dân trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua.

lll-1645609061.jpeg

Do thời tiết bất thường người dân phải đốt củi sưởi ấm cho gia súc của gia đình mình. Ảnh: Cảnh Thắng

Theo Quyết định 48/2017/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm như sau:

Thiệt hại do thiên tai: Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 35.000 đồng/con.

Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi hỗ trợ: 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;

Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi hỗ trợ 10.000.000 đồng/con;

Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi hỗ trợ 6.000.000 đồng/con.

Hươu, nai, cừu, dê: Hươu nai hỗ trợ: 2.500.000 đồng/con; Cừu dê hỗ trợ 1.000.000 đồng/con./.