Lực lượng “Các thiên thần của biển”
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc trên Biển Đông, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã huấn luyện một đơn vị gồm 81 nữ nhân viên vận hành radio mới, được mệnh danh là “Các thiên thần của biển”, hy vọng sẽ góp phần ngăn tàu nước ngoài vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Giới chức Philippines cho rằng, giọng nói của nữ giới sẽ dễ làm giảm căng thẳng với các thủy thủ đoàn nước ngoài hơn so với giọng nói của nam giới, đồng thời có thể mang lại lợi thế khi gợi nhớ đến hình ảnh những người mẹ, người vợ trong văn hóa châu Á.
Chiến thuật này được cho là bắt nguồn từ vụ việc hôm 27/4 vừa qua: 7 tàu Trung Quốc đã rút khỏi một bãi cạn ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền sau khi nghe lời cảnh cáo từ nữ sỹ quan cảnh sát biển Gretch Mary Acuario của Philippines.
“Tôi đã ở trên tàu khi đó và mọi người bảo tôi thực hiện một thử thách qua radio. Lúc đầu tôi lo lắng rằng sẽ nói lắp. Nhưng đó là công việc tôi phải làm, là trách nhiệm của tôi”, Gretch Mary Acuario chia sẻ.
Gretch Mary Acuario cảnh báo các tàu Trung Quốc không đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đồng thời yêu cầu những con tàu này nói rõ mục đích hoạt động. Acuario đã lặp lại cảnh báo này trong 20 phút tiếp theo và đáp lại cô là một sự im lặng. Sau đó, từng con tàu trên nổ máy, nhổ neo và rút khỏi bãi cạn. Kể từ đó, Acuario đã được báo chí Philippines gọi là “giọng nói khiến tàu Trung Quốc sợ hãi”.
Acuario chia sẻ rằng, cô không nghĩ giọng nói của mình lại khiến tàu Trung Quốc có thể rút lui. “Đó là một thử thách thực sự trên đài phát thanh. Điều đó cho thấy nữ giới có đủ độ tin cậy để thực hiện các nhiệm vụ khó khăn và có vai trò bình đẳng như nam giới”.
Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, làm dấy lên lo ngại rằng nước này đang theo đuổi kế hoạch giành quyền kiểm soát các tuyến vận tải quan trọng trên toàn cầu và mở rộng yêu sách lãnh thổ phi pháp.
Người phát ngôn của Lực lượng cảnh sát biển Philippines Armando Balilo cho biết, đây là chiến thuật đánh vào tâm lý. “Giọng nói của các nữ nhân viên vận hành vô tuyến điện giống như giọng của một người mẹ nói với đứa con, hoặc giọng của người vợ hay bạn gái nhằm trấn an một người thân yêu đang đối mặt với nguy hiểm”.
Theo ông Balilo, lực lượng “Các thiên thần của biển” sẽ được triển khai đến Biển Tây Philippines (thuật ngữ Manila dùng để gọi Biển Đông). Khi các nhân viên nữ kết thúc khóa đào tạo kéo dài 2 tuần, Phó đô đốc Leopoldo Laroya của PCG nhấn mạnh rằng “nhiệm vụ quan trọng duy nhất” mà họ phải thực hiện là “giao tiếp với các tàu nước ngoài để tránh làm gia tăng căng thẳng”.
Ông Leopoldo Laroya nói thêm: “Bộ chỉ huy công nhận tầm quan trọng của việc triển khai các nhân viên nữ vận hành radio trên tàu của lực lượng tuần duyên và các đơn vị trên bờ để không làm gia tăng căng thẳng”.
Chúng tôi muốn “Các thiên thần của biển” trở thành tiếng nói của hòa bình và trật tự dựa trên luật lệ, đặc biệt là ở các biên giới hàng hải nhạy cảm của đất nước”, quan chức này nói với Washington Post. Theo ông Laroy, việc thành lập lực lượng “Các thiên thần của biển” được coi là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm trao quyền cho nữ giới và giảm tình trạng phân biệt giới tính.
Trước khi lực lượng này được thành lập, Philippines cũng đã triển khai các nữ nhân viên vận hành radio tại những khu vực được nhận định là khó khăn nhất, như Sibutu Passage, một eo biển nằm giữa quần đảo Sulu ở miền Nam Philippines hay đảo Borneo – nơi thường diễn ra nạn cướp biển và bắt cóc.
Có thực sự hiệu quả?
Tuy vậy, việc triển khai ý tưởng thành lập lực lượng “Các thiên thần của biển” đã vấp phải sự phản đối của một số chuyên gia.
Tiến sĩ Sylvia Estrada-Claudio, cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ và Giới tính thuộc Đại học Philippines cho biết: “Nếu mục tiêu là để giảm căng thẳng và trấn an những người gặp nạn thì theo một số nghiên cứu, kế hoạch trên có thể mang lại ảnh hưởng tích cực. Nhưng ngoài điều này, tôi không nhận thấy, lực lượng bảo vệ bờ biển có thể thực hiện được thêm các mục tiêu nào khác ở Biển Tây Philippines vì có rất nhiều yếu tố mà tàu thuyền Trung Quốc phải cân nhắc khi họ quyết định ở lại hay rời đi”.
“Nếu muốn xua đuổi những tàu thuyền vi phạm các quy tắc của luật biển thì tôi cho rằng, giọng nói của nhân viên điều hành radio, dù là nam giới hay nữ giới, cũng sẽ khó tạo ra sự khác biệt”, bà Estrada-Claudio lưu ý.
Chuyên gia này khẳng định: “Việc theo đuổi lập trường ngoại giao cứng rắn hơn, phân tích rõ ràng hơn về tình hình địa chính trị và hiểu rõ hơn về cán cân quyền lực trong khu vực sẽ giúp phục vụ tốt hơn cho các lợi ích của chúng ta, thay vì lầm tưởng rằng giọng nói của nam giới và nữ giới sẽ mang lại hiệu quả khác biệt”./.