Nhiều người ngỡ ngàng khi đã trót tin vào một câu chuyện mà ban đầu khi tiếp nhận, họ nghĩ đây chính là “hạt giống tâm hồn”, đầy nhân văn.

Với không ít người, “fake news” có thể là một thuật ngữ khá mới.

Thật ra, nó đơn thuần là “tin giả”, thông tin sai sự thật hoặc không có thật mà người ta hay gọi nôm na là tin vịt, tin đồn nhảm, tin dựng chuyện.

Phát tán “fake news” và hệ lụy khôn lường
Tin giả là một vấn nạn, đặc biệt là trong thời gian xảy ra dịch bệnh (Ảnh minh họa)

Và với sự phát triển của mạng xã hội như ngày nay, fake news ngày càng nhiều, được tung lên mạng với nhiều mục đích, động cơ khác nhau.

Với chỉ một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, bất kể ai cũng có thể thể trở thành một “nhà báo công dân”, đưa tin mọi lúc, mọi nơi, dù thông tin đó có thật hay không, đã được kiểm chứng hay chưa.

Vì thế mà tin giả ngày càng nguy hiểm, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.

Nguy hiểm bởi thông tin mà nhiều người phát tán không hề được kiểm chứng, trong khi chính họ cũng không thể lường được những tác hại có thể gây ra. Đã có quá nhiều trường hợp bị xử phạt, nhưng vấn nạn này vẫn đang tiếp diễn.

Đặc biệt, nếu fake news được phát tán bởi những người có uy tín trên mạng xã hội, hệ lụy của nó sẽ lớn gấp nhiều lần một người dân bình thường.

Trên thực tế, tài khoản mạng xã hội của họ có lượng người theo dõi lớn, thông tin mà họ đưa ra được nhiều người cho là đáng tin cậy.

Và trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp như hiện nay, mỗi một tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin không có thật sẽ gây ra hệ lụy rất lớn.

Điển hình là câu chuyện của “anh ship ga gặp anh nhà đòn đi ship lọ tro cốt”, với lời văn trơn tru của một văn sĩ.

Sau khi một số người có uy tín trên mạng xã hội chia sẻ, ngay lập tức mạng xã hội tràn ngập thông tin người nhà đòn mang 27 hũ tro cốt của người nhiễm Covid-19 đi... ship trả người thân.

Câu chuyện ngoài việc nói lên sự bi thương (tro cốt mà ship như ship rau) mà còn khẳng định người chết vì Covid-19 rất nhiều (đi có một đoạn đường mà ship hết nửa sọt tro cốt).

Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thì sực thật khác xa với những gì nội dung đã được phát tán. Sau đó, những người đã chia sẻ nội dung này vội vàng rút bài, xin lỗi rồi... coi như chưa có gì xảy ra!

Và đến đêm 7/8, mạng xã hội lại chấn động trước thông tin “bác sĩ rút ống thở của mẹ mình để cứu sản phụ sinh đôi” trên tài khoản facebook của một bác sĩ có tên “Trần Khoa”.

Thông tin rúng động, gây cảm xúc mạnh với hàng vạn người, thậm chí gây hoang mang tột độ và gần như lập tức phát tán tràn ngập mạng xã hội.

Nhưng rồi cũng rất nhanh chóng, sự việc đã được làm sáng tỏ ngay vào sáng hôm sau: Thông tin trên hoàn toàn không có thật.

Nhiều người ngỡ ngàng, khi đã trót tin vào một câu chuyện mà ban đầu khi tiếp nhận, họ nghĩ đây chính là “hạt giống tâm hồn”, đầy nhân văn.

Nhưng nguy hiểm hơn, đằng sau câu chuyện đó còn là thông tin không chính xác về việc thiếu máy thở cho bệnh nhân Covid-19; là việc bác sĩ có quyền rút ống thở của bất kỳ ai - một việc làm mà cả pháp luật lẫn đạo đức ngành Y đều không cho phép.

Cuộc chiến chống dịch như chống giặc của cả hệ thống chính trị hiện đang rất căng thẳng.

Đáng lẽ ra, dư luận hay ngành chức năng, các y bác sĩ đã không phải mất thời gian đi xác minh, tìm hiểu, giải thích về một thông tin không đáng có, dành sức để chống dịch. Nhưng chỉ vì fake news trên, họ lại thêm mệt mỏi.

Và trong lúc cả nước đang dốc toàn lực để chống dịch như hiện nay, mong rằng câu chuyện này sẽ không một lần nào lặp lại nữa. Bởi mỗi thông tin giả, sai sự thật, không có thật lúc này đều rất nguy hiểm, có thể gây hệ lụy khôn lường.

Và mỗi người dân, hãy nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội. Không loại trừ những tin giả được tung ra bởi những động cơ, mục đích của thế lực xấu, những phần tử phá hoại./.