Đến thăm Làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An), du khách không chỉ được thăm quan và nghe về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn được khám phá về Sen - một loại cây trồng quen thuộc ở địa phương này, cùng những sản phẩm từ sen.
 
Đổi thay từ sen
 
Để Kim Liên (Nam Đàn) trở thành “Làng sen”, chính quyền nơi đây đang vận động người dân mang sen về trồng trang trí sân, vườn nhà như các loại cây cảnh khác. Với định hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), xã Kim Liên đã định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trong đó chú trọng mở rộng diện tích trồng sen, vừa nâng cao thu nhập vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp gần gũi, thân thiện, giữ gìn phát huy nét đẹp truyền thống của làng Sen quê Bác.
 
 
Các thành viên HTX sơ chế sen để làm các chế phẩm từ sen
 
Kim Liên là xã có diện tích ao hồ tương đối lớn với 123,5ha, trong đó có khoảng hơn 20ha thuộc hệ thống ao làng được hình thành từ trước đến nay. Cuộc vận động dồn điền đổi thửa đất lúa bạc màu và ao cá thành những hồ sen được người dân đồng tình ủng hộ vì sen rất dễ trồng và hơn hết sen đã gắn liền với cuộc sống của con người Kim kiên. Năm 2010 xã Kim Liên đã chuyển ao cá thành ao sen được 3,9ha ở các xóm Sen 2, Sen 3, Hồng 2, Mậu 2, Mậu 3, Trù 2, cho thấy bước chuyển dịch hiệu quả cho bà con thu nhập cao hơn hẳn so với nuôi cá, đồng thời tạo cảnh quan môi trường để về lâu về dài kết hợp làm du lịch.
 
Ông Nguyễn Quang Lộc - Chủ tịch UBND xã Kim Liên - cho biết, làng quê nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra không phải ngẫu nhiên được gọi là Làng Sen, từ ngày xưa hoa sen được trồng nhiều tại làng Kim liên - Nam Đàn. Đặc biệt ở quê nội, quê ngoại của Bác Hồ có những hồ sen rất lớn được người dân gìn giữ rất cẩn thận. Sen hồng Kim Liên hội tụ đầy đủ như những loài sen nơi khác nhưng có điểm đặc biệt là luôn nở đúng dịp tháng 5 và dịp 2/9.
 
Để gìn giữ và phát triển “thương hiệu sen quê Bác”, năm 2018, HTX Sen quê Bác ra đời với 7 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen, chế biến sâu các sản phẩm về sen. Trong đó đã có 3 sản phẩm đạt OCOP của huyện Nam Đàn, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà ướp bông sen.
 

Anh Phạm Kim Tiến (bên phải) - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sen quê Bác - giới thiệu các sản phẩm làm từ sen
 
Gặp lại anh Phạm Kim Tiến - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sen quê Bác - khi anh vừa được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của 2020. Anh Tiến chia sẻ, không chỉ là đơn vị đi đầu trong việc trồng, chăm sóc bảo tồn và phát triển cây sen trên địa bàn tỉnh Nghệ An, HTX Sen quê Bác đang dần khẳng định giá trị của mình ở trong nước. Sau một thời gian dài mày mò nghiên cứu, anh Tiến đã mang được 52 giống sen quý khắp nơi về ươm trên vùng ruộng thấp trũng mà dân trong làng bỏ trống. Như những nông dân thực thụ, anh trở thành người chủ của một điểm du lịch ngay trên cánh đồng của mình. Anh Tiến chia sẻ, làm du lịch tưởng rằng khó nhưng hóa ra lại dễ. Nhưng có lúc tưởng dễ lại khó trăm bề.
 
"Nghề làm dịch vụ như "làm dâu trăm họ" vậy! Và rồi khi sen rộ mùa, bắt đầu xuất hiện những chuyện đáng lo, nỗi lo của chính bà con làm du lịch. Những ngày này, sen hồng đã nở đầy ở các ao đầm. Các trang mạng xã hội chia sẻ cảm xúc, báo đài đưa nhiều tin bài về sen Kim Liên, khách tìm đến mua hoa, mua trà và chụp ảnh cũng nhiều… hồ hởi cũng có, băn khoăn cũng nhiều, có khen, có chê…", anh Tiến nói.
 
Tận dụng tiềm năng sẵn có
 
Đã mấy mùa sen, mỗi ngày đầm sen của HTX sen quê Bác thu hút từ 2 - 3 đoàn khách, chủ yếu là du khách từ Vinh lên, từ Hà Tĩnh sang. Năm nay, do dịch bệnh nên du khách có vãn hơn và không có đoàn khách đông từ các tỉnh khác đến. Tới đây, du khách được thưởng ngoạn không gian yên bình, thưởng thức các chế phẩm từ sen. Cây sen đã mang đến cơ hội phát triển kinh tế du lịch cho địa phương khi nơi đây đang trở thành địa điểm hấp dẫn du khách tới tham quan, thưởng ngoạn. Không chỉ với hoa sen, du khách còn được trải nghiệm, thăm quan và chụp ảnh với những thành viên HTX trực tiếp làm các chế phẩm từ sen.
 
Nói về định hướng phát triển du lịch tại quê hương, ông Nguyễn Quang Lộc - Chủ tịch UBND xã Kim Liên - cho biết: Người dân Kim Liên chưa có nhiều kinh nghiệm, hầu hết quy mô còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, sản phẩm du lịch còn đơn giản, về lâu dài sẽ khó thu hút du khách. Vì vậy, để khai thác phát triển du lịch, Kim Liên rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đào tạo kỹ năng phục vụ du khách cho người dân…
 
Ông Nguyễn Sinh Lạc - Tổ trưởng tổ hợp tác (gồm 4 gia đình triển khai làm du lịch 'homestay' ở Kim Liên) cho biết: Khi làm 'Homestay' ở quê Bác, bên cạnh những di tích nổi tiếng như nhà quê nội, quê ngoại, hay đền Chung Sơn… nơi đây còn có những di tích gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ và nhiều điểm phong cảnh làng quê Kim Liên rất hấp dẫn, du khách hẳn sẽ rất thú vị. Với việc đầu tư phát triển du lịch xanh tại vùng trồng sen kỳ vọng nơi đây sẽ sớm trở thành khu du lịch sinh thái và là điểm đến trong tour du lịch kết nối các địa phương của tỉnh Nghệ An…
 
Nhiều người ví von, cái "bờ bao" xung quanh cần cho ruộng sen du lịch. Nhưng chính con người trong đê bao mới quyết định cho sự phát triển bền vững của cánh đồng sen. Với lợi thế của mình, Kim Liên - Nam Đàn bao năm trở thành điểm đến của du khách thập phương. Nhiều cuộc hội thảo được đưa ra mà ở đó, nông dân trao đổi với nhau, cùng ngồi với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp…

Chính từ những diễn đàn như vậy, nhiều nông dân đã mạnh dạn khởi nghiệp, đã làm du lịch, hướng đến làm du lịch cộng đồng. Sắp tới, tận dụng tiềm năng sẵn có, huyện sẽ huy động rộng rãi hơn việc trồng sen làm du lịch để bà con cùng chia sẻ, hợp tác, cùng làm dịch vụ du lịch tốt hơn. Để Kim Liên sớm trở thành một “Làng sen” đúng nghĩa, UBND xã đã quyết định những năm đầu sẽ miễn, giảm tiền thuê đất và hàng loạt ưu đãi khác cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
 
Theo chia sẻ của anh Phan Kim Tiến, với ưu thế sản xuất ngay trên chính quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, lượng khách đến với quê Bác hàng năm rất lớn, tận dụng lợi thế đó bên cạnh những sản phẩm chế biến, HTX còn đa dạng hóa bằng cách sản xuất các mặt hàng lưu niệm từ sen. Bởi sen đâu chỉ để ngắm, còn biết bao giá trị tinh túy từ hoa, thân, lá, hạt, tim sen, củ sen.... Phải làm sao để khách thích thú trải nghiệm quy trình chế biến các món ăn, thức uống từ sen rồi còn mua mang về làm quà. Hiện, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội, một số thị trường châu Á, và sắp tới xuất qua tận Mỹ.
 
Ngoài phát triển kinh tế, anh Tiến cùng cộng sự của HTX Sen quê Bác đã ký cam kết bảo trì, đón khách, khai thác công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” hiệu quả. Đây là công trình gồm 4 hồ sen, 2 nhà dừng nghỉ, đường hoa, hàng rào, điện chiếu sáng và hai bia đá, cùng hệ thống tiểu cảnh, hàng rào bao quanh... Mong muốn của anh Tiến là góp sức mình vào giữ gìn cảnh quan Nam Đàn, kết hợp giữa tham quan di tích lịch sử với du lịch sinh thái cho du khách về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh./.