Trong những năm qua, các đơn vị chủ rừng ở tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, rừng được quản lý bảo vệ và đang từng bước phục hồi, phát triển. Cùng với đó cuộc sống của người làm nghề rừng cũng ngày càng được cải thiện.

Ngày nào cũng vậy nhóm cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Rẫy, trực tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 1, thuộc xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy cũng vào rừng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích được giao. Nếu như trước đây để kiểm tra được một sườn đồi, thung lũng xem có bị lâm tặc khai thác gỗ trộm, hay người dân phát đốt làm nương rẫy hay không chỉ có cách duy nhất là đi bộ, ít thì vài tiếng, có khi mất cả nửa ngày mới tiếp cận được hiện trường.

Phát huy hiệu quả chính sách trong quản lý bảo vệ rừng ở Kon Tum
Sử dụng flycam để quản lý bảo vệ rừng ở Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Rẫy.

Nay thì đã khác, nhờ được trang bị flycam, nhóm tuần tra chỉ cần chọn vị trí thuận lợi rồi điều khiển thiết bị hướng đến vị trí cần quan sát. Anh Trần Văn Tiệp vừa nhắc anh em điều khiển flycam trở về, vừa vui vẻ cho biết, nhờ được đơn vị đầu tư mua sắm trang thiết bị nên việc quản lý bảo vệ rừng ngoài thực địa đỡ vất vả hơn rất nhiều.

“Bây giờ, chúng tôi có trang thiết bị như flycam, đã giúp ích rất nhiều. Thứ nhất, về công tác phát hiện nương rẫy. Trước đây, trong rừng khe sâu, xa mình đi có thể không thể tới được. Bây giờ, bay một vòng flycam là có thể quay được hết trong đó. Nếu có dấu hiệu mình sẽ phát hiện và ngăn chặn kịp thời”, anh Tiệp nói.

Từ năm 2011 trở về trước, thời điểm chưa có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhất là khi Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Rẫy không còn thực hiện việc khai thác gỗ, cuộc sống của người lao động vô cùng khó khăn. Cùng với đó kinh phí cho việc quản lý bảo vệ rừng hàng năm cực kỳ eo hẹp. Đây chính là nguyên nhân khiến rừng liên tục cháy vào mùa khô và bị lâm tặc triệt hạ quanh năm.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Rẫy cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tiếp thêm động lực cho người làm nghề rừng và thổi luồng sinh khí mới vào những cánh rừng: “Từ năm 2011 đến năm 2020, bình quân một năm, Công ty thu từ nguồn dịch vụ môi trường rừng khoảng trên dưới 13 tỷ. Từ nguồn thu này Công ty đã tổ chức triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng. Từ chính sách đó đã làm thay đổi nhận thức của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần. Hai nữa là Công ty thực hiện tự quản lý bảo vệ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty để trả lương cho cán bộ nhân viên bình quân từ 8 đến 9 triệu một người/tháng”.

Phát huy hiệu quả chính sách trong quản lý bảo vệ rừng ở Kon Tum
Tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hiện tại trong 29.000ha rừng và đất rừng mà Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý bảo vệ có hơn 27.000ha được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, khoảng 17.000ha hưởng dịch vụ được đơn vị tự quản lý bảo vệ, 10.000ha còn lại được giao cho 14 cộng đồng.

Từ số tiền với đơn giá trung bình khoảng 570.000 đồng một ha, hàng năm Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Rẫy và các cộng đồng có nguồn kinh phí ổn định cho công tác quản lý bảo vệ rừng và cải thiện cuộc sống người làm nghề rừng.

Phát huy hiệu quả chính sách trong quản lý bảo vệ rừng ở Kon Tum
Kiểm tra hiện trạng diện tích rừng được chi trả dịch vụ.

Anh Lê Hữu Diễn, công tác tại Phòng kỹ thuật Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Rẫy, có 21 năm gắn bó với nghề rừng, bản thân đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm cùng những cánh rừng, cho biết: “Có tiền dịch vụ môi trường rừng thì đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động chúng tôi được nâng lên. Các chế độ được lãnh đạo quan tâm đáp ứng đầy đủ hơn. Thu nhập từ khi có dịch vụ môi trường rừng đến nay tăng khoảng 3-4 lần so với trước. Chúng tôi cảm thấy yên tâm công tác hơn và gắn bó với công việc nhiều hơn”.

Thực tế việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Rẫy cho thấy, đây là chính sách vàng để các đơn vị chủ rừng ở Kon Tum quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn./.