Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch bạch hầu tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Kon Tum, 2 ca bệnh dương tính với bệnh bạch hầu được ghi nhận tại huyện Đắk Tô và thành phố Kon Tum. Trong đó, ca bệnh ở thành phố Kon Tum là người lành mang trùng. Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 7 ổ dịch bạch hầu đang hoạt động với 19 ca bệnh đang được điều trị cách ly.
Như vậy hiện tại tỉnh Kon Tum hiện có 7 ổ dịch bạch hầu đang hoạt động với 19 ca bệnh đang được điều trị cách ly. Trong đó huyện Sa Thầy có 12 trường hợp, huyện Đăk Tô 6 trường hợp và thành phố Kon Tum 1 trường hợp.
Ngoài ra tại hai huyện Đăk Tô, Sa Thầy cũng đang có 4 ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Tất cả các ca dương tính với bạch hầu và những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đều đang được ngành y tế địa phương cách ly điều trị.
Tại Đắk Nông, ca bệnh mới được phát hiện tại huyện Đăk G'long. Toàn tỉnh hiện ghi nhận 29 ca mắc bạch hầu, trong đó, huyện Krông Nô có 11 ca, huyện Đăk G'long có 15 ca, huyện Đăk R'Lấp có 3 ca.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.
Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên đến 40 tuổi tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vaccine chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn.
Dự kiến, sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vaccine 5 trong 1; 279.608 liều vaccine DPT; và 10.111.461 liều vaccine Td. Như vậy gần 4,7 triệu đối tượng tại 4 tỉnh này sẽ được tiêm các mũi vaccine khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.