Green Banana là một trong những lỗ xanh sâu nhất từng được phát hiện trên Trái Đất.
 
Xuyên qua đáy đại dương thế giới, không thể thấy được từ mặt nước biển, là hàng trăm thậm chí có thể hàng nghìn hố sụt. Giới khoa học gọi chúng là những "lỗ xanh - blue holes".
 
Không giống như 'người anh em' lỗ đen khổng lồ ngoài vũ trụ, lỗ xanh trong đại dương Trái Đất không nuốt chửng những thứ không có khả năng chống lại lực hấp dẫn của chúng. Nhưng đối với giới nghiên cứu, bí ẩn bên trong lòng lỗ xanh cũng hấp dẫn không hề kém cạnh.
 
Noaa thực hiện cuộckhám phá quy mô
 
Mới đây nhất, các nhà khoa học vừa khám phá một trong những lỗ xanh sâu nhất từng được phát hiện trên Trái Đất - Lỗ xanh Green Banana ở ngoài khơi bờ biển Florida, Mỹ.
 
Green Banana đủ hấp dẫn để thu hút các bộ óc ưa tò mò của các nhà khoa học trên mặt đất. Câu hỏi họ cần giải đáp đó là: Chính xác thì những lỗ xanh bí ẩn dưới đáy đại dương này là gì?
 
"Green Banana là một trong những lỗ xanh sâu nhất từng được phát hiện, và nó đang được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) nghiên cứu một cách toàn diện nhất." - Jim Culter, một nhà khoa học cấp cao tại Phòng thí nghiệm Mote Marine ở Sarasota, Florida nói.
 
Các nhà khoa học sẽ khám phá độ sâu của Green Banana trong thời gian tới và hy vọng sẽ trả lời được những câu hỏi lâu nay về việc liệu các lỗ xanh có kết nối với các hố sụt khác hay không và liệu nước ngọt có chảy vào trong chúng hay không.
 
"Bạn đang ở giữa Vịnh Mexico và bạn không nhìn thấy gì xung quanh, nhưng rồi sau đó, sau một thời gian lặn, lỗ xanh bí ẩn này mở ra, và nó bùng nổ với sự sống" - Emily Hall nói.
 
 
Nước bên trong lòng hố xanh cũng trong một cách kỳ lạ, điều này càng thu hút các tay thợ lặn chuyên nghiệp ưa mạo hiểm. Ảnh: Changing Seas TV
 
Tại sao lại nói lỗ xanh 'bùng nổ sự sống'? Theo kết quả xét nghiệm nước tại lỗ xanh ban đầu, các nhà khoa học phát hiện thành phần hóa học bất thường trong các lỗ xanh, và chúng đặc biệt lý tưởng cho việc tạo điều kiện cho sự sống phát triển. Nước bên trong lòng hố xanh cũng trong một cách kỳ lạ, điều này càng thu hút các tay thợ lặn chuyên nghiệp ưa mạo hiểm.
 
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), một lý do mà người ta biết rất ít về lỗ xanh là các điểm vào của chúng thường hẹp - trước khi chúng mở rộng ra - khiến tàu lặn tự động không thể đi vào.
 
Trong nhiệm vụ tháng 8/2020 do NOAA tài trợ này, kế hoạch là hạ một tàu đổ bộ nặng 272 kg vào bên trong lỗ xanh một cách cẩn thận. Emily Hall cho biết, tàu đổ bộ có hình dạng như một lăng kính tam giác và các thợ lặn sẽ thu thập các mẫu nước và trầm tích và hoàn thành một cuộc khảo sát sinh học.
 
Thực chất, đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học nghe về cái tên Green Banana. Theo Larry Borden, một ngư dân lâu năm đã biết về Green Banana trong nhiều thập kỷ, cái tên này nổi lên vào giữa những năm 1970 sau khi một thuyền trưởng nọ nhìn thấy khoảng nước khổng lồ kỳ lạ và gọi chúng là hố sụt dưới nước.
 
Mãi đến năm 1993, thợ lặn Curt Bowen trở thành một trong những người đầu tiên lặn xuống đáy và lập bản đồ lỗ xanh Green Banana. Tất cả chỉ dừng ở đó... Gần 30 năm sau, các nhà khoa học vẫn chưa biết bí ẩn thực sự bên trong lỗ xanh là gì.
 
Hiện nay, các nhà khoa học Mỹ đã xác minh được khoảng 20 lỗ xanh chỉ riêng ở bờ biển phía tây Florida, nhưng có lẽ con số đó gấp đôi. Emily Hall, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Mote Marine đứng đầu sứ mệnh, cho biết: Lỗ xanh rất khó để quan sát và phát hiện từ trên cao. Việc nó khó phát hiện càng hấp dẫn sự tò mò của giới nghiên cứu đại dương.
 
 
Ảnh: Changing Seas TV
 
"Sự phấn khích đến từ ý tưởng rằng đây là cuộc khám phá bí ẩn của lòng đại dương. Chúng tôi không biết chúng tôi sẽ thấy gì ở dưới đó, về mặt sinh học và hóa học. Ở trên cạn, chúng tôi đều có một ý tưởng khám phá nhưng mỗi khi xuống đó, chúng tôi lại tìm thấy một điều gì đó mới mẻ, ngoài kế hoạch... Thực sự điều này rất thú vị..." - Emily Hall nói.
 
Nhóm nghiên cứu gần đây đã khám phá một hố xanh gần đó, sâu khoảng 107 mét, được gọi là Amberjack. Họ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra hai con cá răng cưa, một loài có nguy cơ tuyệt chủng, đã chết ở tầng đáy!