Sau hơn 6 năm điều tra, cơ quan tư pháp Pháp sẽ chính thức mở phiên tòa lịch sử vào ngày 8/9 xét xử các bị can liên quan đến loạt tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris và thành phố ngoại ô Saint-Denis trong đêm thứ Sáu, ngày 13/11/2015.
Để chuẩn bị cho phiên tòa được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử tư pháp nước Pháp, công việc chuẩn bị đã được tiến hành từ tháng 1/2020. Một phòng xử đặc biệt rộng 750m2, có sức chứa 550 người, 10 phòng truyền hình trực tiếp, các camera và thiết bị an ninh đặc biệt đã được lắp đặt tại Cung tư pháp của thành phố Paris.
20 bị can liên quan đến chuỗi tấn công khủng bố, trong đó có 14 bị can có mặt trực tiếp tại tòa, sẽ phải đối mặt với các quan tòa cùng hơn 1.700 đơn sự, đại diện cho các gia đình nạn nhân, các hiệp hội dân sự. 6 bị can sẽ bị xét xử vắng mặt, một số bị can trong số này vẫn chưa bị bắt giữ hoặc được cho là đã thiệt mạng trong các vụ oanh kích của quân đội Pháp tại Syria hoặc Iraq.
Trong số các bị can xuất hiện trước tòa, nhân vật trung tâm là Salah Abdeslam, thành viên duy nhất còn sống sót trong nhóm những kẻ đã trực tiếp nã súng và đánh bom tự sát nhằm vào một loạt các nhà hàng, quán café, nhà hát Bataclan trong quận 10 thủ đô Paris cũng như trước cửa sân vận động Stade de France ở thành phố Saint-Denis, ngoại ô phía Bắc Paris.
Salah Abdeslam bị bắt sau 125 ngày lẩn trốn sau khi tham gia vào một vụ tấn công khủng bố khác tại Bỉ vào tháng 3/2016. Tên này sau đó đã được dẫn độ về Pháp để giam giữ từ tháng 4/2016 để chờ đợi phiên tòa xét xử.
Trong quá trình điều tra trong gần 6 năm qua, nhà chức trách Pháp đã xây dựng được một kho hồ sơ cao đến 53m, dày 1 triệu trang. 5 thẩm phán được giao chức trách xét xử vụ án và quá trình điều trần sẽ diễn ra trong ít nhất là 145 ngày.
Là luật sư đại diện cho 43 đơn nguyên trong vụ xét xử, bà Samia Maktouf cho rằng, phiên tòa lịch sử này sẽ giúp cho toàn bộ xã hội Pháp nhìn nhận một cách đúng đắn và đúng mức hơn những người là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố.
“Từ năm 2012 khi diễn ra vụ khủng bố do tên Merah gây ra ở Toulouse, nhiều phiên tòa quan trọng đã diễn ra và nước Pháp đã tiến một bước trong việc thấu hiểu thêm thế nào là một nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Nhưng “nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố” vẫn là một khái niệm tách rời. Dù đó là những người đã bị tổn thương cả thể xác, tâm lý, tinh thần lẫn vật chất do nước Pháp bị chủ nghĩa khủng bố nhằm vào nhưng nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa được xem xét, chăm sóc và theo dõi một cách đúng đắn”.
Diễn ra trong đêm 13/11/2015, loạt tấn công khủng bố tại thủ đô Paris và thành phố ngoại ô Saint-Denis là sự kiện khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại và là một trong những vụ khủng bố kinh hoàng nhất tại châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Các vụ xả súng và đánh bom tự sát trong đêm 13/11/2015 đã khiến 130 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Sự kiện đẫm máu nhất diễn ra trong nhà hát Bataclan, nơi tổ chức một buổi biểu diễn ca nhạc, khiến 90 người thiệt mạng.
Là người trực tiếp có mặt trong đêm khủng bố ở nhà hát Bataclan nhưng may mắn sống sót, ông Christophe Naudin, một giáo viên lịch sử ở ngoại ô thủ đô Paris thì cho rằng, bên cạnh ý nghĩa của việc trả lại công lý cho các nạn nhân, giúp xã hội nhìn nhận đúng hơn nỗi đau của những nạn nhân khủng bố, phiên tòa sắp diễn ra cũng sẽ mang đến những bài học cảnh báo cho tương lai.
“Một khía cạnh khác, mà tôi không lạc quan lắm, đó là tôi hy vọng tầm vóc lịch sử của phiên tòa này đó có tác dụng giáo dục, sẽ giải thích rõ được tại sao lại có thảm kịch này, quá trình đó diễn ra như thế nào và qua đó cũng có thể làm nhẹ bớt căng thẳng, để tránh việc bị chính trị hóa trong thời điểm này”./.