Mặc dù bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4, Pháp đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất là tái phong toả đất nước nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine đại trà trong toàn dân.
Phát biểu trong buổi họp báo, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết, làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại nước này bắt đầu từ giữa tháng 7, do tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Tuy nhiên, Pháp đã bước qua mùa Hè mà không phải phong tỏa đất nước nhờ mạng lưới các trung tâm xét nghiệm Covid-19 rộng khắp, việc kiểm tra giấy thông hành y tế mang tính bắt buộc và nhất là chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 được thúc đẩy mạnh.
“Nếu chúng ta không tin tưởng vaccine, nếu chúng ta không đẩy mạnh việc tiêm phòng toàn dân, làn sóng lây nhiễm thứ 4 sẽ là tồi tệ nhất từ trước đến nay. Sẽ có hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày, các ca nguy kịch sẽ tràn ngập và các bệnh viện sẽ rơi vào tình trạng quá tải chỉ trong vài tuần, và có thể đã buộc chúng ta phải phong toả đất nước trong mùa Hè”.
Ông Olivier Veran cũng nhấn mạnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 vẫn chưa kết thúc dù số ca mắc mới đang giảm dần, ổn định ở mức khoảng 20.000 mỗi ngày, tức là thấp hơn 3 lần so với làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 này, virus chủ yếu lây nhiễm và lấy đi sinh mạng của những người chưa đi tiêm phòng vaccine. Trên toàn nước Pháp, hiện vẫn có khoảng hơn 11.000 ca mắc Covid-19 phải nhập viện, 2.200 ca trong tình trạng nguy kịch hoặc phải điều trị tích cực.
Quan chức này tiếp tục cảnh báo tâm lý chủ quan của người dân trong kỳ nghỉ Hè và nguy cơ gia tăng ca nhiễm khi học sinh chuẩn bị quay trở lại trường học vào ngày 2/9 tới. Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục kéo dài thời gian kiểm tra giấy thông hành y tế sau thời hạn là 15/11, nếu dịch bệnh vẫn chưa được khống chế. Bắt đầu từ đầu tuần tới, Pháp sẽ bắt buộc nhân viên trong tất cả công ty trên cả nước phải có giấy thông hành y tế mới có thể đi làm.
Mục tiêu tới đây của Pháp là đạt con số 50 triệu người tiêm mũi vaccine thứ nhất vào đầu tháng 9, tiêm phòng cho 40% học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 17 và triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người trên 65 tuổi từ giữa tháng 9. Tuy vậy, theo giáo sư truyền nhiễm học, đồng thời là thành viên Hội đồng vaccine Covid-19 của Pháp, Odile Launay, việc mở rộng tiêm mũi vaccine thứ 3 sẽ chưa thực hiện trong toàn dân và cần thời gian để tính toán chính xác khoảng cách giữa các mũi tiêm đối với từng độ tuổi.
Trong khi đó, theo Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok – BMA (Thái Lan), gần 90% người dân thủ đô này đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19.
Người phát ngôn BMA Pongsakorn Kwanmuang cho biết, có tổng cộng gần 6,72 triệu người sống ở Bangkok đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, chiếm 87% dân số. Trong đó, đã có gần 1,6 triệu người đã đã được tiêm chủng đầy đủ, đạt tỷ lệ 27%.
Tình hình dịch Covid-19 ở thủ đô Bangkok đang có dấu hiệu được cải thiện do tỷ lệ tiêm chủng cao, chính quyền chủ động sàng lọc và cách ly bệnh nhân nhiễm virus khỏi cộng đồng. Người dân thủ đô cũng đã hiểu rõ hơn về chương trình cách ly tại gia đình, cách ly tại cộng đồng và có thể tiếp cận nhanh hơn với dịch vụ chăm sóc và điều trị thông qua chương trình.
Trong nhiều ngày nay, Bangkok có tỷ lệ lây nhiễm ổn định ở mức 4.000 ca một ngày, trong khi tỷ lệ tiêm chủng đang tăng lên, tuần tới, chính quyền thành phố cũng sẽ triển khai đơn vị tiêm vaccine lưu động cho người dân chưa đăng ký tiêm trên hệ thống quản lý quốc gia.
Đại diện chính quyền Bangkok cũng kỳ vọng thành phố sẽ được nới nỏng một số hạn chế sau cuộc họp của Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19 ngày hôm nay.
Về tình hình Covid-19 tại Thái Lan, ngày 27/8, giới chức y tế nước này đã xác nhận 18.702 trường hợp mắc mới và 273 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên gần 1,14 triệu trường hợp, trong đó có 10.587 người tử vong./.