Tính đến sáng 23/7, Việt Nam có tổng 78.269 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 74.570 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 13.421 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị IC là: 131 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 17 ca.
Trao đổi về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị COVID-19 cho biết: Bộ Y tế vừa tiếp tục cập nhật, đưa ra Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phiên bản số 5 để phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Bản cập nhật lần này gồm 4 điểm mới: Bổ sung các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân COVID-19; cập nhật thời gian diễn biến nặng; chia tiêu chuẩn xuất viện thành 3 mức; lưu ý vấn đề xử trí sớm các biểu hiện thần kinh và tâm thần ở người bệnh.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện nay việc điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, điều trị tại chỗ, nhân lực tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đặc biệt có sự phân tầng điều trị, cá thể hóa điều trị người bệnh COVID-19.
Cụ thể, người bệnh COVID-19 được phân loại theo hướng dẫn chẩn đoán và phân bố người bệnh vào cơ sở điều trị phù hợp như: Người bệnh không triệu chứng, người bệnh mức độ nhẹ vào các bệnh viện tuyến quận, huyện, các cơ sở thu dung điều trị ban đầu.
Người bệnh mức độ vừa và các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện truyền nhiễm, khoa truyền nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyển đổi thành bệnh viện điều trị COVID-19.
Người bệnh tình trạng nặng, nguy kịch đưa vào các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa huyện có ICU (hồi sức tích cực).
Nếu số người bệnh vượt quá khả năng, các cơ sở sẽ được hỗ trợ tại chỗ, từ xa, hoặc tiếp nhận điều trị của các bệnh viện được phân công phụ trách theo vùng, bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện truyền nhiễm Trung ương hoặc bệnh viện nhiệt đới TP.HCM...
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 cập nhật lần này của Bộ Y tế phần nào hỗ trợ được hệ thống y tế Việt Nam trong thời điểm số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh chóng.
BS Phúc cho biết, điểm mới đầu tiên của lần cập nhật này so với phiên bản trước là Bộ Y tế bổ sung các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân COVID-19 như đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp còn có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
“Thực tế, các triệu chứng này đã xuất hiện ở bệnh nhân COVID-19 trước đó. Đây là các biểu hiện lâm sàng thường gặp và triệu chứng nhẹ. Do đó, việc điều trị các triệu chứng trên không có quá nhiều thay đổi”- BS Phúc cho biết.
Tại bản cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 lần này cũng đã có sự thay đổi về thời gian từ khi có triệu chứng đến khi bệnh nhân diễn biến nặng được xác định là 5-8 ngày thay vì 7-8 ngày như trước. BS Phúc cho biết, điểm mới này sẽ giúp các bác sĩ chú ý sớm hơn tới những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, phân loại mức độ diễn biến chính xác, kịp thời, tránh phát hiện triệu chứng nặng muộn, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Qua hướng dẫn này, các bác sĩ có thể phát hiện sớm các bất thường, từ đó có phương án điều trị kịp thời, tránh tình trạng diễn biến nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19.
“Hướng dẫn mới cho phép giảm thời gian bệnh nhân nằm viện, bớt gánh nặng cho ngành y tế khi số lượng bệnh nhân đang liên tục gia tăng, đặc biệt ở những điểm nóng như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam”- BS Phúc cho hay.
Là bác sĩ đã tham gia ngay từ những ngày đầu của dịch và từng cấp cứu thành công nhiều ca mắc COVID-19 nguy kịch, diễn biến nặng, BS Phạm Văn Phúc chia sẻ, điều quan trọng khi chăm sóc các trường hợp mắc COVID -19 là bác sĩ cần tập trung phát hiện sớm bệnh nhân có biểu hiện hay yếu tố nguy cơ diễn biến nặng, từ đó kịp thời xử trí.
“Việc điều trị sớm các trường hợp này sẽ giúp chúng ta giảm lượng bệnh nhân cần can thiệp thở máy hay tim phổi nhân tạo (ECMO). Thông qua đó, việc phân tầng, điều trị chính xác các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ sẽ giúp giảm được số lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như hạn chế tỷ lệ tử vong”- BS Phúc nêu rõ./.