Chúng ta từng biết đến Phan Bội Châu là một nhà yêu nước kiệt xuất của nửa đầu thế kỷ XX, ông như một Thiên sứ, một đấng xả thân cho nền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam.

Ông là một  nhà bác học với nhiều trứ tác về khoa học xã hội và nhân văn, mà tác phẩm của ông vẫn còn tỏa sáng muôn đời, vẫn còn đó những giá trị thời sự nóng hổi, vẫn như những dẫn đường cho sự kiến tạo và tăng trưởng của Tổ quốc Việt Nam, cho dù thể chế là thế nào đi chăng nữa! Nhưng trước khi ông là Phan Tiên sinh, Phan Bội Châu... thì ông là Phan Sào Nam., một con người của xứ Nghệ, một chàng trai Nghệ đa tài đa tình và đầy ắp những tài hoa dân gian nơi ruộng đồng, dân giã và nghịch ngợm.
 
Thời trai trẻ, Phan tiên sinh rất mê hát ví dặm, hát phường vải. Trong các cuộc hát, nhờ học rộng biết nhiều và trí thông minh sắc sảo hiếm có, chàng thanh niên tuấn tú họ Phan, đã khiến cho những người trong cuộc khâm phục, ngưỡng mộ từ những ngỡ ngàng  nọ đến những ngạc nhiên kia! Các cuộc hát ví thường được chia làm hai phe: nam và nữ, đầu tiên là hát chào, tiếp sau là hát đối đáp thử tài nhau, cuối cùng là hát từ biệt quen gọi là hát giã bạn. Quan trọng nhất là hát đối đáp. Một phe ra câu hát đối, còn gọi là hát đố, để  phe kia đáp lại. Muốn có câu hát đố hay và khó phải hiểu biết nhiều và rất thông minh, song câu đáp mới tài hơn vì người ra câu đó có đủ thời gian hơn, suy nghĩ trước; còn người đáp  thường phải trả lời ngay tức thì. Rất nhiều câu hát đối đấp tài tình không những được tán thưởng ngay tại nơi hát, mà còn được truyền tụng vang xa và lâu dài lưu truyền trong  dân gian mãi mãi. Thường thì phe nữ ra câu hát đố, để phe nam đáp lại. Không ít trường hợp câu đố khó quá, phe đáp lâm vào thế bí, không đáp lại được, đành lặng lẽ rút lui, hoặc thành thật nhận thua cuộc rồi  chào khéo để ra về. Và tứ đó không bao giờ trở lại cuộc chơi! Với Phan Sào Nam thì  chưa bao giờ có chuyện như vậy!
 
Tương truyền có một cuộc hát diễn ra ở vùng Thanh Chương, nơi giáp giới với Nam Đàn quê Phan Tiên sinh. Bạn hát đến nhà rủ Phan đi cùng  phòng lúc bí có người tháo gỡ; nhưng đang bận việc nhà, Phan bảo vời các bạn đi trước rồi sẽ đến sau. Khi Phan đến nơi, thì cũng là lúc các bạn đang gặp bí, định lặng lẽ chuồn. Thấy Phan đến các bạn rất mừng quýnh lên, vây lại kể đầu đuôi câu đố mà chưa biết đấp ra làm sao! Câu đối: Nghe chàng kinh sử đạ tài/ Cha thầy Mạnh Tử là ai hỡi chàng? Sử sách Trung Quốc ghi Mạnh Tử mồ côi cha, nhưng cũng không ghi tên người cha đó. Không chỉ có Tàu và Ta, mà ngay cả người Pháp, với thói quen, khi viết về ai, họ tìm đến tận ngọn nguồn cha sinh mẹ đẻ, nhưng với Mạnh Tử, với đề mục: Người học trò kiên chí (L’ecolier pérsévérant) cũng chỉ viết: Ngày xưa ở nước Tàu, một người đàn ông qua đời để lại duy nhất một người vợ và một cậu con trai nhỏ gọi là Mạnh Tử. Nghe xong Phan biết câu này chắc chắn không phải do các cô gái phường vải nghĩ ra; hẵn là do một nhà nho nào đó ở Thanh Chương bày cho để con trai Nam Đàn thua cuộc, để không bao giờ dám đến ve vãn con gái Thanh Chương nữa. Nghĩ ngay được ra câu đối, Phan bày cho các bạn trẻ: Thầy Mạnh cụ Mạnh sinh ra/ Trả lời câu đố Tổ cha thằng bày!
 
Một lần khác, chuyện cũng đang xẩy ra tương tự, anh Phan đến chậm, các bạn hát đang bí bởi câu đố: Vua Nghiêu có chín con trai? Đan Chu là một còn những ai tám người? Vua Nghiêu là một trong 5 vị trong lịch sử Trung Quốc vào thời Ngũ Đế, tiếp theo là thời Tam Hoàng; là một bậc đại hiền. Vua sinh 9 con trai, song sử sách Trung Quốc chỉ ghi tên một người con trai ngỗ ngược nhất là Đan Chu mà thôi! Làm sao trả lời được câu hỏi này? Chờ lâu, không thấy phe nam có câu trả lời, phe nữ lại hát tiếp: Phường ơi thắp đuốc cho nhờ/ Kẻo mà tối chỉ mối rờ không ra! Qua câu hát trên, chúng ta hiểu thêm và vì sao lại gọi là hát phường vải. Thì hay! Các cô gái dệt vải, tập hợp lại một nơi, lập thành phường hội, vừa dệt vải vừa hát cho vui vào ban đêm - Còn ban ngày lại làm những công việc khác, kể cả làm nông và buôn bán. Thời đó chưa có điện, chỉ toàn bằng đèn dầu, mà dầu đèn cũng đắt đỏ, nên phải dùng đuốc bằng tre nứa khô, một bó đuốc có thể soi sáng cả nhà cho đến tận nghẹc, soi rõ từng khung cửi. Câu hát thắp đuốc cho nhờ để thấy chỉ mà dệt; song thực tình là trêu chọc mấy chàng trai đang trong cơn rối trí. May thay anh Phan đến kịp và có ngay câu đáp: Em là phận gái nữ nhi/ Một Đan Chu cũng đủ, đòi hỏi chi tám người.
 
Theo lời kể của cố Gs Đăng Thai Mai, thì con gái Thanh Chương, quê của Gs, thường cày ruộng thay nam giới; gặt chiêm xong là họ tranh thủ cày ải. Để tránh bóng nắng hè gay gắt, thường phải đi cày từ rất sớm (khoảng 3h sáng), chưa kịp ăn sáng, phải mang ngô ra ruộng. Giữa buiir cày, họ chụm nhau lại bên bờ ruộng vừa ăn ngô vừa chuyện trò vui vẻ. Một buổi sáng nọ, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi chân trời đàng đông, Phan Sào Nam có dịp đi qua, một cô gái nhận diện được chàng trai mà mình rất hâm mộ trong các cuộc hát đối đáp., liền đưa ra câu hát đố: Đưa chàng một hột ngô rang/ Trồng nơi mô moọc được thiếp theo chàng về ngay! Ra được một câu đố khó mà hiểm hóc, tường làm cho chàng trai  rảo bước nhanh chuồn thẳng; nào ngờ cô gái nhận được câu đáp còn sâu hiểm hơn và tinh nghịch hơn: Nơi mô trời nắng không khô/ Trời mưa không ướt , trồng vô moọc liền. Khiến các cô gái phải tâm phục khẩu phục hơn tài ứng đáp của anh Phan.  Nhân đây xin nói thêm rằng về giai thoại này, lâu nay trên sàn diễn dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, người ta đã sân khấu hóa cuộc chơi và lời ca có khác đi nhiều. Đại thể, lời đố: Đưa chàng một nắm ngô rang/  Đúc nơi mô cho mọc, thiếp theo chàng về ngay. Lời đáp: Nơi mô mà nắng nỏ vô/ Mưa không nhỏ giọt bần đúc vô thì mọc liền.
 
Cũng bởi sự tài ba và giọng hát của Phan, mà những cuộc hát đối đáp không có anh đến ai cũng cảm thấy buồn và nhờ. Về sau này, Phan dấn thân trên con đường cứu dân cứu nước, không có điều kiện tham gia các cuộc hát đối đáp; nhưng hễ có dịp về lại quê hương, thì ông Phan hết sức tranh thủ đến với cuộc chơi, tất nhiên không còn là anh Phan thời trai trẻ mà là một ông Phan lẫy lừng những lời ca yêu nước cháy bỏng. Một lần bạn hát gặp lại ông Phan, thì mừng đến mức lời nói phát ra thành thơ: Ầm ầm nghe tiếng ông San/ Rủ nhau cất gánh lên ngàn tìm hoa. Vào thời gian ông Phan dự kỳ thi Hương trường Nghệ và đậu Giải nguyên (đỗ đầu xứ), mà dân chúng gọi ông là Giải San, mặc dầu ông từng tuyên bố: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/ Lạp thân tối hạ thị văn chương (Mỗi bữa không quên ghi sử sách/ Lập thân hèn nhất ấy văn chương!). Nhưng vì cần có địa vị danh dự và uy tín trong xã hội, để tìm đường giải phóng dân tộc. Phan chỉ thi có một khoa thi Hương, nếu tiếp tục thi Hội, thi Đình thì Phan đâu có thua ai, cũng bảng vàng bia đá như ai! Nghe xong câu hát chào, San hát đáp và kêu gọi: Chị em cất gánh sơn hà/ Làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam
 
Trong hầu hết những cuộc thi tài đối đáp, đấu trí văn chương, bậc đại tài đất Nghệ, luôn luôn ở vào thế thượng phong; song một lần nọ, thật là bất ngờ. Đó là vào một buổi chiều tà, gió Lào  thổi cồn cột, trên một chuyến đò dọc từ Sa Nam (thị trấn huyenj Nam Đàn) ngược Lường (tức là bến sông Đô Lương-thị trấn huyện Đô Lương), cô lái đò ngồi ở cuối thuyền chèo ngược gió, bị một luồng gió mạnh thổi tốc váy. Đò đông người ai cũng trông thấy và cười ầm lên. Riêng cụ Phan, bỗng nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều của Tố Như, tả cảnh Kiều đang tắm, bèn đọc to cho cả thuyền nghe: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày san đúc một tòa thiên nhiên.

Nào ngờ! Cô lái đò cũng thuộc Kiều, và để chữa thẹn cho mình, co hát: Mười lăm năm em mới một lần/ Hé gương cho khách hồng trần thử soi! Thật là thông minh! Cô lái đò lẫy một lúc những cả hai câu Kiều, nguyên văn: Mười lăm năm, bấy nhiêu lần/ Làm gương cho khách hồng quần thử sọi. Cô gái  thay : Bấy nhiêu lần bằng mới một lần, Làm gương thành ra Hé gương và khách hồng quần bằng khách hồng trần (khách hồng quần là chỉ nữ, còn khách hồng trần là cả nam cả nữ).  Hóa ra tất cả mọi người vừa được soi vào gương mà cô gái mới chỉ có hé một lần trong ròng rã 15 năm ấy! Người đời ghi nhận rằng, trong trường đời cách mạng, Phan Tiên sinh không ít lần thua cuộc; nhưng trong các cuộc chơi đây chỉ là lần duy nhất, chịu thua cuộc cô lái đò ngược bến sông Lường. (Theo tài liệu do cụ Đinh Chí cung cấp)