Ngày 25-4, TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân đối với bị cáo Phạm Thanh Hải (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phong tỏa 133 tỉ đồng trong tài khoản

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Hải là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhiều người, cần có bản án thích đáng để răn đe, phòng ngừa.

Về trách nhiệm dân sự, tại phiên tòa, 31 bị hại không yêu cầu tòa giải quyết phần bồi thường dân sự, tổng số tiền của họ là hơn 16 tỉ đồng. Do đó, tòa xác định có hơn 500 bị hại bị chiếm đoạt số tiền 572 tỉ đồng.

Theo HĐXX, nguồn tiền bị cáo ủy quyền cho một số cá nhân góp vốn mua cổ phiếu một số công ty là từ phạm tội mà có, cần kê biên số cổ phần, cổ phiếu này để đảm bảo thi hành án.

o-1682469803.jpg
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại tòa. Ảnh: BT

Số tiền bị cáo mở tài khoản tại Công ty VNDIRECT để đầu tư chứng khoán có nguồn gốc từ phạm tội mà có. Tài khoản hiện có số tiền mặt là 91 triệu đồng, tổng giá trị cổ phiếu hơn 21 tỉ đồng.

Bị cáo đã ủy quyền giao dịch cho một người khác và tài khoản vẫn đang giao dịch, có sự biến động hằng ngày. Căn cứ vào đề nghị của bị cáo, tòa tách phần này để bị cáo tự giải quyết với Công ty VNDIRECT, thu hồi tài sản để trả cho bị hại.

Có 133 tỉ đồng nằm trong các tài khoản ngân hàng đã bị phong tỏa, đây là tiền do phạm tội mà có, HĐXX quyết định tiếp tục phong tỏa đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo.

Phiên tòa sơ thẩm lần hai được mở từ ngày 19-4. HĐXX triệu tập hơn 570 bị hại nhưng chỉ 88 người có mặt.

Quá trình xét xử, bị cáo Hải cho rằng bản thân không phạm tội, không có hành vi gian dối, các dự án đầu tư đều có thật.

Về phía bị hại, nhiều người yêu cầu bị cáo trả lại tiền trong khi một số khác cho rằng họ không bị lừa và đề nghị trả tự do cho bị cáo.

Tung lãi suất 50%, huy động 2.725 tỉ đồng

Theo cáo buộc, năm 2007, Hải thành lập Công ty IDT hoạt động kinh doanh trên mạng Internet nhưng không hiệu quả.

Do cần tiền chi phí và phục vụ mục đích cá nhân, từ năm 2008, Hải bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội “hoclamgiau.vn” và tự giới thiệu là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm, có tài đầu tư kinh doanh. Công ty IDT đang triển khai các dự án lớn, có lợi nhuận cao, làm giàu từ cây mắc ca…

Để thu hút các nhà đầu tư, bị cáo Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất 40%-50%, cắt lãi ngay khi nộp tiền dù chưa có hoạt động kinh doanh. Bị cáo cũng khuyến khích việc mở rộng mạng lưới, chi 2%-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới. Việc huy động vốn được thực hiện bằng tư cách pháp nhân của Công ty IDT.

Với cách thức này, từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015, Phạm Thanh Hải huy động được 2.725 tỉ đồng từ 2.574 nhà đầu tư theo 8.303 hợp đồng.

Số tiền thu được, bị cáo không quản lý thu chi theo sổ sách kế toán, không nắm được số tiền đã huy động, số nhà đầu tư góp vốn. Càng về sau, số lượng người đến nộp tiền càng lớn, số tiền gốc, lãi chi phí hằng tháng lên tới hàng trăm tỉ đồng. Bị cáo phải liên tục huy động vốn để thanh toán đúng hẹn, tránh đổ vỡ.

Hải khai số tiền nhận được từ các nhà đầu tư, bị cáo đầu tư gần 99 tỉ đồng vào một số doanh nghiệp khác nhưng đến nay chưa phát sinh lợi nhuận. Việc sử dụng tiền như thế nào, bị cáo không thông báo cho các nhà đầu tư biết. Phần còn lại, bị cáo dùng để trả tiền gốc, lãi cho các hợp đồng đến hạn, một phần chi thưởng kết nối, hoa hồng, một phần cho vay.

Vụ án được khởi tố từ năm 2015, đã xét xử sơ thẩm lần đầu vào năm 2018. Phiên tòa lúc ấy, ngoài bản án tù chung thân cho Phạm Thanh Hải còn có diễn biến đặc biệt là nhiều bị hại kêu oan thay cho bị cáo. Bản án sau đó bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy để điều tra lại.

Vì sao không tố cáo vẫn là bị hại?

Vụ án thu hút sự chú ý bởi các quan điểm trái chiều trong các bị hại. Cơ quan điều tra đã xác minh, ghi lời khai của 574 bị hại. Trong đó, gần 300 người yêu cầu bồi thường dân sự, đề nghị xử lý theo quy định pháp luật. Một số không khiếu kiện, tố cáo, yêu cầu trả tự do cho bị cáo nhưng vẫn yêu cầu bồi thường dân sự.

Một số khác thay đổi lời khai, không khiếu kiện, tố cáo, không yêu cầu bồi thường. Nhóm này cho rằng không bị lừa đảo, đề nghị trả tự do cho bị cáo và để tự giải quyết với bị cáo.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), pháp luật có quy định chín trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại gồm các tội như cố ý gây thương tích, cưỡng dâm, hiếp dâm, làm nhục người khác…

Tội lừa đảo không nằm trong nhóm tội khởi tố chỉ theo yêu cầu của bị hại nói trên. Việc xác định dấu hiệu phạm tội lừa đảo có thể dựa trên căn cứ tố giác của cá nhân, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm, người phạm tội tự thú.

Khi thấy có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can, xác định bị hại. Việc xác định bị hại căn cứ vào các hành vi trên cơ sở tài liệu, hồ sơ vụ án, không căn cứ vào đơn tố giác của họ.

Theo Bùi Trang - plo.vn