"Đãi vàng" là cách những người phụ nữ già nua này ví von về công việc của mình. Điểm chung của họ là tuổi tác, cảnh nghèo và chịu khó bươn chải.
 
4h, bà Hồ Thị Loan (SN 1945, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An) đã dậy, sửa soạn "đồ nghề" ra cảng mót cá. Hôm nay trời chuyển gió mùa, hai khớp đầu gối bà đau ê ẩm. Chui vào cái áo mưa rách nát, đi đôi ủng nhựa, bà kẹp chiếc rổ nhựa, nhét nắm túi bóng vào ủng, nhẹ nhàng mở cửa lách ra ngoài. Tối qua trở trời, chồng bà không ngủ được, mới thiếp đi lúc gần sáng.
 
Gần 3 năm nay, bà ra cảng mót cá. Tầm 4h sáng, những chuyến tàu đầu tiên cập cảng. Cá được chuyển từ các khoang lên bờ, thương lái đến tại chỗ mua luôn. Quá trình vận chuyển, không thể tránh khỏi việc rơi vãi, hoặc những nắm cá, tép đã bị dập nát, tàu đổ xuống bờ. Đó là nguồn thu nhập chính của bà Loan.
 

"Đãi vàng" là cách họ trào lộng về nghề mót cá vụn của mình 
 
"Hai vợ chồng tôi có 5 đứa con, 3 trai, 2 gái. Chúng nó thành gia lập thất, ra riêng hết, đứa nào cũng vất vả. Ông nhà tôi năm nay 80 tuổi, sức yếu lắm rồi. Chúng nó chẳng muốn tôi ra cảng mót cá thế này đâu nhưng tôi còn sức, còn gắng được, không muốn làm gánh nặng cho các con.
 
Mỗi ngày may mắn thì kiếm được 50.000 đồng, ít thì vài ba chục, đủ hai ông bà sống tằn tiện. Sống bằng sức mình là vui, đừng ăn cắp, đừng làm "trò bẩn" là được", bà Loan tâm sự.
 
Đồng nghiệp của bà Loan tại cảng cá là bà Vũ Thị Lai (SN 1947). Hốt đống cá vụn các thuyền vứt dưới chân cầu cảng, bà Lai nhúng cả rổ xuống nước, thò bàn tay chai sạn nhăn nhúm vào khoắng. "Đãi vàng đấy!", bà hài hước về công việc của mình.
 

Những con cá to thì dành để bán kiếm vài ba chục mỗi ngày... 
 
Sau động tác khoắng tay theo hình trôn ốc trong chiếc rổ, những con cá chết rữa và rác rưởi đọng lại một chỗ, bà Lai vớt ra. Tiếp đó, bà nâng rổ lên, lựa con cá còn tươi, dẫu bé xíu, bỏ vào riêng một túi bóng. Phần tôm, tép không thể bán được bà cho vào túi bóng khác).
 
"Cá tươi hơn 1 chút thì bán, ngày kiếm vài ba chục nghìn, còn phần này thì mang về cho lợn, gà. Cũng tiết kiệm được ít đồng tiền mua cám", bà Lai nói.
 

Cá vụn hoặc tôm tép dập nát, không thể dùng được thì đãi sạch, mang về làm thức ăn cho lợn, gà
 
Bà Lai sinh được 5 cô con gái, đã lập gia đình. Chồng bà bị lao phổi "cứ một tháng đi viện 15 ngày, ra viện được 7 đến 10 ngày lại nhập viện. Bệnh viện là nhà, nhà là quán trọ của ông ấy thôi", bà Lai thở dài.
 
Các con gái, con rể của bà phần thì phải mưu sinh, lo cho con cái, phần thì thay nhau đưa ông đi viện, túc trực ở đó, thành thử bà Lai cũng không dám phiền các con.
 
"Hai ông bà rau cháo nuôi nhau, kiếm ngày 2 bữa cơm phụ con cháu thôi con ạ. Trời đang cho cái sức khỏe, chưa phải nằm một chỗ thì phải làm thôi", bà Lai chống tay vào đầu gối đứng lên, đến chỗ tàu cá khác vừa đổ cá vụn xuống cầu cảng, tiếp tục công việc "đãi vàng" của mình.
 

Bà Vũ Thị Lai: "Trời đang cho sức khỏe, chưa phải nằm một chỗ thì làm để đỡ đần con cái" 
 
Tiếng là "mót" nhưng phần lớn số cá có thể bán được của bà Lai, bà Loan là từ các tàu mới cập bến cho. Cứ mỗi thuyền cho 1 nắm, mỗi ngày hai bà cũng gom được tầm 4-5kg cá. Hôm nào may mắn thì được nhiều hơn. Gặp hôm mưa gió, biển động, tàu nằm bờ, hai người phụ nữ này cũng chỉ biết ngồi ở bến nhìn ra phía biển.
 
Trẻ hơn một xíu, bà Cao Thị Dậu (SN 1956) chọn công việc đập trôn ốc thuê. Sáng sớm bà cắp cái ghế và búa đinh ra cảng, nhận ốc vặn để đập. Những con ốc vặn sau khi loại bỏ phần trôn, được các nhà hàng, quán nhậu trong vùng chế biến thành món ốc xào trứ danh. Tiền công đập trôn ốc tính theo cân, cứ mỗi cân 2.000 đồng.
 
 
Bà Cao Thị Dậu gắn bó với công việc đập trôn ốc thuê. Công việc này mang lại cho bà khoảng 40.000 đồng/ngày, đủ để sống một cách tằn tiện 
 
Mỗi ngày chăm chỉ, bà Dậu có thể kiếm được 40.000 đồng tiền công. Với người phụ nữ đơn thân như bà, số tiền đó cũng đủ sống một cách tằn tiện.
 
Cả ngày ngồi một chỗ, lưng tê dại, đầu gối đau nhức, cánh tay cầm búa mỏi nhừ nhưng bà Dậu không dám nghỉ lấy một ngày, trừ những hôm không có người thuê.
 
Với bà Lai, bà Loan hay bà Dậu, mong ước lớn nhất là sức khỏe để có thể tự nuôi chính mình, không phiền hà đến con cháu./.