pfizer-muon-ban-thuoc-cho-cac-nuoc-ngheo-voi-muc-gia-phi-loi-nhuan-1653554794.png

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 25/5, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nói đã đến lúc thu hẹp khoảng cách giữa những người được tiếp cận phương pháp điều trị mới nhất và người không được.

Do đó, hãng dược Mỹ triển khai sáng kiến "An Accord for a Healthier World" (tạm dịch: Thỏa ước vì thế giới khỏe mạnh hơn), tập trung vào 5 lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, ung thư, viêm nhiễm, bệnh hiếm gặp và sức khỏe phụ nữ.

Sáng kiến này sẽ cung cấp các loại thuốc mà Pfizer có bằng sáng chế cho các nước nghèo nhất thế giới theo hình thức phi lợi nhuận.

Phát biểu với báo giới, bà Angela Hwang, Chủ tịch Pfizer cho biết, cam kết mang tính đột phá này sẽ tăng cường khả năng tiếp cận của gần 1,2 tỷ người với các loại thuốc và vắc-xin đã được cấp bằng sáng chế của Pfizer hiện đang được lưu hành tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo AFP, các nước đang phát triển đang chịu 70% gánh nặng bệnh tật của thế giới nhưng chỉ nhận được 15% chi tiêu y tế toàn cầu, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Khắp khu vực châu Phi cận Sahara, cứ 13 trẻ có một trẻ chết trước sinh nhật lần thứ 5, so với tỉ lệ 1/199 ở các nước có thu nhập cao. Tỉ lệ tử vong liên quan đến ung thư tại châu Phi cũng cao hơn nhiều so với các nước thu nhập thấp hay trung bình và cao hơn số ca tử vong do sốt rét ở khu vực này mỗi năm, do việc tiếp cận với các loại thuốc mới bị hạn chế.

Thời gian để các loại thuốc và vắc-xin thiết yếu đến được các nước nghèo nhất lâu hơn từ 4-7 năm và các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như hệ thống y tế yếu kém khiến người bệnh khó nhận được thuốc sau khi đã được phê chuẩn. Và đại dịch Covid-19 càng làm phức tạp thêm những vấn đề này.

“Chúng tôi biết có một loạt rào cản mà các nước đang phải tìm cách vượt qua để được tiếp cận với thuốc của chúng tôi. Vì vậy, ban đầu Pfizer chọn ra 5 nước để xác định và tìm giải pháp thích hợp, sau đó sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm với các nước còn lại”, bà Hwang cho biết.

Năm quốc gia Rwanda, Ghana, Malawi, Senegal và Uganda đã cam kết tham gia cùng khoảng 40 quốc gia khác (27 quốc gia có thu nhập thấp và 18 quốc gia có thu nhập trung bình thấp) đủ điều kiện để ký kết các thỏa thuận song phương để tham gia.

Mức giá "phi lợi nhuận" bao gồm cả chi phí sản xuất và vận chuyển từng sản phẩm đến tận nước tiếp nhận. Như vậy, thực tế các nước vẫn sẽ phải bỏ tiền ra mua thuốc nhưng với mức giá rẻ hơn.

Nếu một quốc gia đang sử dụng sản phẩm với mức giá thấp hơn, ví dụ như vắc-xin do Liên minh vắc-xin quốc tế (GAVI) cung cấp, thì mức giá đó sẽ được duy trì.

Ông Amesh Adalja, thuộc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các nước tiếp cận với một số loại thuốc quan trọng và giúp kiểm soát tốt hơn các loại bệnh như Covid-19, kháng thuốc kháng sinh, não mô cầu, viêm não và phế cầu khuẩn./.