Phản ứng khác nhau trong nội bộ Pakistan về vấn đề Taliban
Pakistan đã từ lâu đóng vai trò quan trọng đặc biệt ở Afghanistan. Pakistan là một trong các đồng minh mạnh nhất của Mỹ trong cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố. Tuy nhiên Pakistan cũng bị cho là đã bí mật hậu thuẫn cho Taliban trong cuộc chiến với lực lượng đồng minh do Mỹ lãnh đạo trong nhiều năm.
Nghịch lý trên vẫn thấy rõ sau khi quân Taliban tràn vào thủ đô Kabul vào ngày 15/8/2021.
Phản ứng chính thức của Ngoại trưởng Pakistan là "hy vọng" về một giải pháp hòa bình ở Afghanistan thông qua một chính phủ chuyển tiếp có tính bao trùm theo sau các tham vấn rộng rãi với tất cả các nhóm dân tộc và các bên liên quan.
Ngoài ra, trong một phát biểu trên truyền hình, người đứng đầu quân đội Pakistan đã hối thúc ban lãnh đạo Taliban hoàn thành lời hứa của họ đối với cộng đồng quốc tế liên quan đến việc tôn trọng quyền phụ nữ và nhân quyền.
Hai tuyên bố trên đều phù hợp với mong muốn của Mỹ. Nhưng trái lại, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố rằng người Afghanistan vừa phá vỡ "xiềng xích nô lệ", có lẽ là ám chỉ đến Mỹ.
Phản ứng của các nước trong khu vực
Bất chấp việc giới lãnh đạo Pakistan có các thông điệp khác nhau liên quan đến Taliban, khu vực quanh Afghanistan dường như đang hình thành một phản ứng chung.
Trong khi các nước phương Tây đang tạm thời tránh công nhận chính quyền mới ở Afghanistan thì các nước trong khu vực như Nga, Trung Quốc, Iran, và Pakistan vẫn duy trì đại sứ quán của họ hoạt động ở Kabul và bày tỏ sẵn lòng làm việc với Taliban.
Theo một nhà báo chuyên mảng an ninh ở Pakistan, cả Nga và Iran đều ủng hộ Taliban chiến đấu chống lại chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn, nhằm khống chế mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Có thể đo lường được mức độ ảnh hưởng của Iran đối với Taliban thông qua thực tế ban lãnh đạo của Taliban đã tham dự Shia Majilis (một hội đồng tôn giáo chuyên thuyết giảng) ở Kabul ngay sau khi họ nắm chính quyền - điều này là rất bất thường đối với nhóm Taliban theo dòng Hồi giáo cực đoan Sunni.
Bên cạnh đó, Iran và Nga đã liên quan sâu đậm đến Afghanistan và chính trị Pakistgan. Khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump hủy một cuộc họp đã lên kế hoạch trước này với các thủ lĩnh Taliban vào cuối năm 2019, nhóm Taliban liền sang thẳng hai nước Nga và Iran để xin ý kiến của lãnh đạo các nước đó về cách phản ứng.
Pakistan từng hỗ trợ Taliban ở Afghanistan như thế nào?
Kể từ đầu thập niên 1970, Pakistan đã cung cấp hỗ trợ chính trị và quân sự cho các phái khác nhau bên trong Afghanistan. Trong thập niên 1980, Pakistan là bên hậu thuẫn chính cho các chiến binh thánh chiến mujahideen của Afghanistan chiến đấu chống lại quân Liên Xô đồn trú ở Afghanistan, đồng thời đón nhận hàng triệu người Afghanistan tị nạn chạy trốn chiến tranh.
Pakistan cũng là một đồng minh chính của Mỹ lúc đó. Thông qua Pakistan, Mỹ cung cấp viện trợ ngầm trị giá 2-3 tỷ USD cho các mujahideen, và huấn luyện hơn 80.000 chiến binh thánh chiến.
Ngay cả sau khi quân Liên Xô đã rút khỏi Afghanistan vào năm 1989, các sĩ quan quân đội Pakistan vẫn tiếp tục huấn luyện và hướng dẫn các mujahideen và cuối cùng là các lực lượng Taliban chống lại kẻ thù của họ.
Bên cạnh đó, các nhân vật cấp cao trong quân đội và cơ quan tình báo Pakistan còn bị tố là giúp đỡ Taliban xây dựng các kế hoạch tác chiến lớn chống lại chính phủ trong giai đoạn nội chiến Afghanistan trong thập niên 1990. Sự ủng hộ của Pakistan dành cho nhóm Taliban đã vấp phải sự chỉ trích rộng khắp của quốc tế, bao gồm cả Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi đó là Kofi Annan, người đã gọi sự hỗ trợ kia là "gây lo lắng sâu sắc".
Khi Taliban giành được chính quyền vào năm 1996, Pakistan là một trong ba nước duy nhất lúc đó chính thức công nhận chính phủ mới của Taliban.
Tướng Hamid Gul - cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên quân chủng (ISI) của Pakistan, thừa nhận vào năm 2014 rằng Pakistan thậm chí đã sử dụng viện trợ của Mỹ để tiếp tục bơm tiền cho Taliban sau loạt tấn công khủng bố 11/9/2001.
Tướng Gul nói với khán giả truyền hình như sau: Khi viết sử, người ta tuyên bố rằng ISI đánh bại Liên Xô ở Afghanistan với sự giúp đỡ của Mỹ. Khi đó cần phải có tiếp một câu nữa. ISI, với sự giúp đỡ của Mỹ, đã đánh bại chính Mỹ.
Có khả năng Pakistan vẫn tiếp tục cung cấp các hỗ trợ về chính trị và hậu cần cho các thủ lĩnh mới của Taliban ở Afghanistan hiện nay.
Trong quá khứ, giới lãnh đạo của Taliban có 3 hội đồng tham vấn, gọi là shura, đặt trụ sở ở Pakistan. Ít nhất một trong 3 shura này đặt tại Quetta (Pakistan) và dường như vẫn đang hoạt động. Taliban cũng hoạt động ở Pakistan trong suốt thời gian Mỹ đóng quân ở Afghanistan, dù rằng chính phủ Pakistan phủ nhận ủng hộ nhóm Taliban và phủ nhận sự tồn tại của shura ở Quetta.
Trong bối cảnh lịch sử đó, dễ hiểu là trên thế giới có nhiều người quy trách nhiệm cho Pakistan về thắng lợi quân sự gần đây của Taliban.
VOV.VN - Trước việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, giới phân tích Trung Quốc cho rằng nước này có thể đề xuất trợ giúp nông dân Afghanistan chuyển đổi sang các vụ mùa khác thay cho trồng thuốc phiện nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa của hoạt động buôn lậu ma túy đối với an ninh của Trung Quốc.
Như vậy Pakistan được hay là mất trong vấn đề Afghanistan?
Cái lợi lớn nhất cho Pakistan là việc Ấn Độ đánh mất ảnh hưởng của họ ở Afghanistan - điều mà Pakistan xem là mối đe dọa đối với an ninh của mình. Việc Taliban lên nắm quyền cũng cho phép Pakistan tăng cường thương mại song phương với Afghanistan và có được tuyến thương mại không hạn chế tới các nước vùng Trung Á.
Tuy nhiên, đồng thời Pakistan có thể mất một số thứ. Nếu Taliban không bảo đảm được ổn định, điều này có thể kích hoạt một làn sóng người tị nạn vượt biên giới sang Pakistan. Việc Taliban - một tổ chức Hồi giáo cực đoan, nắm quyền cũng khích lệ các nhóm khủng bố Hồi giáo trong chính lãnh thổ của Pakistan.
Kết quả là, sự cai trị của Taliban ở Afghanistan có thể gây ra những tác động ngược về mặt an ninh bất lợi cho Pakistan, đặc biệt là liên quan đến nhóm Taliban của chính Pakistan (gọi tắt là nhóm TTP). Lực lượng TTP này xem thực tế nắm quyền của lực lượng Taliban ở Afghanistan là một thắng lợi lớn về hệ tư tưởng (Hồi giáo cực đoan).
TTP đã tiến hành một số cuộc tấn công dữ dội ở Pakistan trong các năm qua, bao gồm cuộc tấn công vào một trường học ở Peshawar vào năm 2014 khiến hơn 150 người, phần lớn là trẻ em, thiệt mạng.
Có thông tin cho hay, trong các ngày gần đây, các chiến binh Taliban ở Afghanistan đã phóng thích một số thủ lĩnh TTP khỏi các nhà tù trên lãnh thổ Afghanistan.
Một cựu nghị sĩ quốc hội Pakistan từng chia sẻ với tờ Financial Times của Anh như sau: "Một Afghanistan ổn định sẽ có lợi cho Pakistan".
Chìa khóa cho việc tạo ra hòa bình và ổn định ở Afghanistan sẽ là sự hợp tác chiến lược của Pakistan với tất cả các nước trong khu vực cũng như với Mỹ. Tuy nhiên, sự hợp tác như vậy có thể gặp trở ngại do các xung đột lợi ích tồn tại trong thời gian dài ở Afghanistan./.