Điều tàu ngầm hạt nhân áp sát Nga
Cho đến nay, Mỹ đã tránh xa bất cứ hành động nào có thể được Tổng thống Nga Vladimir Putin coi là gây hấn và dẫn đến leo thang. Thay vào đó, họ đã trang bị cho Ukraine các tên lửa phòng không và chống tăng như Javelin, Stinger, đồng thời gửi hơn 1 tỷ USD viện trợ cho đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh.
Logic của ông Biden rất đơn giản: Trang bị cho Kyvi các máy bay chiến đấu hạng nặng hoặc máy bay ném bom có thể gây ra hậu quả thảm khốc.
"Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ là Thế chiến III. Và đó là điều chúng ta phải cố gắng ngăn chặn" – Ông Biden viết trên Twitter.
Tuy nhiên, người tiền nhiệm của ông Biden – cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – mới đây gợi ý rằng Mỹ nên điều tàu ngầm hạt nhân tới Nga.
Hôm 21/3, hai ngày sau khi Nga tuyên bố sử dụng tên lửa siêu thanh để phá hủy một kho vũ khí ở Ukraine, ông Trump đã đề nghị Washington gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách điều động các tàu ngầm hạt nhân.
"Tôi nghe thấy ông ấy liên tục nhắc tới từ ‘hạt nhân’" – Ông Trump nói trong buổi giao lưu với Fox Business, đề cập tới cuộc nói chuyện với ông Putin trong thời gian ông còn là Tổng thống Mỹ.
"Và chúng tôi nói ‘Ồ, Nga là một cường quốc hạt nhân. Nhưng chúng tôi là một cường quốc hạt nhân còn lớn hơn. Chúng tôi có những tàu ngầm vĩ đại nhất thế giới, những cỗ máy mạnh nhất từng được chế tạo" – Ông Trump nói với người dẫn chương trình Stuart Varney.
"Lúc này, nước Mỹ nên nói ‘Này, nếu ông nhắc đến từ đó một lần nữa, chúng tôi sẽ điều chúng [ám chỉ các tàu ngầm hạt nhân Mỹ] qua và chúng tôi sẽ đi tới đi lui ở bờ biển của ông", ông Trump nói, "Không thể để bi kịch này tiếp diễn, không thể để hàng nghìn người thiệt mạng".
Trước đó, ông Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao vào ngày 27/2 để phản ứng trước điều mà ông gọi là "các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây" áp đặt lên Nga sau khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào Ukraine.
Trên thực tế, trước khi sự kiện này diễn ra, nhà lãnh đạo Nga cũng từng bóng gió về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu NATO can thiệp vào cuộc chiến.
Theo số liệu thống kê do Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cung cấp, Mỹ có 68 tàu ngầm đang hoạt động, 14 chiếc trong số đó trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Moscow có 11 tàu ngầm có khả năng triển khai tên lửa hạt nhân.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, ông Trump đã tăng đáng kể chi tiêu cho lực lượng hạt nhân. Theo một cuốn sách của các phóng viên Robert Costa và Bob Woodward (tờ Washington Post) xuất bản năm ngoái, ông Trump đã tỏ ra "thản nhiên" về việc sử dụng vũ khí hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống đến nỗi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã triệu tập các sĩ quan quân đội cấp cao để nhắc nhở họ rằng, bất cứ vụ phóng hạt nhân nào cũng cần có ý kiến đóng góp của một loạt các quan chức.
Ném bom Nga bằng F-22 gắn cờ Trung Quốc
Đây là lần thứ hai trong những ngày gần đây ông Trump nâng cao quan điểm chống Nga. Trước đó, ông đã gợi ý Mỹ triển khai các tiêm kích tàng hình F-22 Raptor tới chiến trường ở Ukraine.
Trong cuộc họp của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa ở New Orleans, ông Trump nói đùa rằng Mỹ nên "gắn cờ Trung Quốc" trên máy bay chiến đấu F-22 và "ném bom" Nga.
Theo cựu Tổng thống Mỹ, sau đó Washington có thể "đổ lỗi" cho Trung Quốc về cuộc tấn công và sau đó khoanh tay đứng nhìn hai nước này dấn vào xung đột với nhau. Nga và Trung Quốc là hai đối thủ lớn nhất của Mỹ và đang có mối quan hệ nồng ấm với nhau (Đọc chi tiết tại đây).
"Lời khuyến nghị" của ông Trump đã khiến tất cả mọi người trong khán phòng bật cười. Đáng nói, trước đây ông Trump từng mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin và "thông minh" và "hiểu biết".
Theo tờ EurAsian Times, một điều thú vị khác là trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump đã bị cáo buộc đã giữ lại [một cách bất hợp pháp] một khoản viện trợ quân sự cho Ukraine – điều vốn cần thiết để Kiev chống chọi với lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn ở Donbass.
Các đề xuất của ông Trump được dự đoán sẽ có rất ít ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ là không can thiệp vào cuộc chiến.
Hiện Mỹ và NATO vẫn tỏ ra rất rõ ràng trong quyết tâm không đối đầu quân sự với Nga. Theo giới chuyên gia, đây là một lập trường khó có thể thay đổi trong tương lai./.