Ông Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc lợi dụng, tạo cơ hội làm ăn cho công ty gia đình

Hôm nay (12/12), Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đang tiến hành nghị án ở vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", liên quan đến cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm.

Ông Chung và 2 bị cáo Võ Tiến Hùng – cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước, Nguyễn Trường Giang – Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty Arktic bị đưa ra xét xử về cùng tội danh nêu trên.

Đánh giá vai trò, hành vi của từng bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 10 đến 12 năm tù.

Sau khi gia đình ông này nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh việc thi hành án, Viện Kiểm sát đã đề nghị giảm án cho ông này, xuống từ 8 đến 10 năm. Với 2 bị cáo còn lại, cả 2 người đều bị đề nghị từ 6 đến 7 năm tù. 

Theo thông báo từ HĐXX, chiều 13/12, HĐXX sẽ tuyên án sơ thẩm vụ án này.

nguyen-duc-chung-9-16391880567931443220334-1639276498.jpg
Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc tạo cơ hội làm ăn cho công ty gia đình. Ảnh: PH

Trở lại diễn biến tranh tụng trước đó, ông Nguyễn Đức Chung bị Viện Kiểm sát cáo buộc có nhiều hành vi vi phạm liên quan việc mua bán, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C.

Ông Chung bị cáo buộc đã chỉ đạo, quyết định việc mua Redoxy 3C trái pháp luật, qua công ty gia đình để hưởng lợi, gây ra thiệt hại hơn 36,1 tỷ đồng.

Vị đại diện Viện Kiểm sát phân tích, bị cáo Chung với chức vụ Chủ tịch UBND thành phố của mình đã chỉ định để Công ty Thoát nước tiếp cận việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến môi trường đô thị, thông qua việc chỉ đạo Nguyễn Trường Giang đi theo đoàn công tác của UBND thành phố ra nước ngoài, cử Giang tham gia các buổi thử nghiệm, hội thảo để tạo cơ hội kinh doanh cho gia đình.

"Tôi khẳng định cử Giang là giám đốc công ty gia đình đi sang để tiếp cận, tạo lợi ích kinh doanh cho gia đình. Cử đi như thế là trái quy định. Đoàn công tác đi có 10 người, đề xuất của Sở Ngoại vụ là "theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Chung", thành lập đoàn, kinh phí… 10 người đi thì không có Nguyễn Trường Giang" – đại diện Viện Kiểm sát nhận định.

Theo cơ quan công tố, trước khi đoàn đi xuất hiện Nguyễn Trường Giang, ông này lại là Giám đốc Công ty Arktic chứ không phải một giám đốc doanh nghiệp khác.

"Căn cứ vào tất cả lời khai của những người tham gia đoàn công tác là theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung cho Nguyễn Trường Giang đi theo cùng đoàn.

Đi cùng đoàn để làm gì, đi để phiên dịch. Trong đoàn đã có phiên dịch, tiền phiên dịch của đoàn đấy Nhà nước đã quyết toán 50 triệu… đã có 2 phiên dịch, đi để làm gì?" – đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đặt vấn đề.

nguyen-duc-chung-redoxy-3c-99-1639248605313982063905-1639276527.jpeg
Vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Chung đã có chuỗi vi phạm trong vụ mua bán, sử dụng Redoxy 3C. Ảnh: NH

Sai phạm tiếp theo mà ông Chung bị quy kết liên quan đến việc có thư mời ông Deepak Chopra – Tổng giám đốc Công ty Watch Water (đơn vị sản xuất Redoxy 3C) sang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Đơn vị giữ quyền công tố tại tòa cho biết, qua điều tra, xác minh, theo quy trình thì phải có tờ trình nhưng không xác định được nguồn gốc ở chỗ nào, ai là người trình mời người nước ngoài sang Việt Nam thăm và làm việc.

Ông Chung cũng bị cáo buộc chỉ đạo Nguyễn Trường Giang nhập Redoxy 3C mang tính cá nhân, không có tính tập thể bởi đây là hoạt động dịch vụ công.

Tiếp theo, cựu lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cũng bị quy kết cho Nguyễn Trường Giang tham gia vào một số hoạt động của UBND thành phố như một nhân viên của UBND, mặc dù anh này không có tư cách gì.

"Đó là một chuỗi thể hiện bị cáo Chung chỉ đạo có tính chất cá nhân, không tuân thủ theo quy chế làm việc. Đối tượng ông Chung chỉ đạo là Giang – Tổng Giám đốc Công ty Arktic, là công ty gia đình của ông Chung" – đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đức Chung nói làm lợi cho Nhà nước

Trước những cáo buộc này, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tranh luận:

"Cãi đi cãi lại, cùng là đồng nghiệp mà cứ đổ cho nhau thì nó không hay. Nhưng tôi khẳng định, kể cả tôi cho Nguyễn Trường Giang đi (đi cùng đoàn của TP.Hà Nội sang Châu Âu – PV) không sai quy chế làm việc của UBND, không sai thẩm quyền, với góc độ Giang nếu là giám đốc doanh nghiệp thì được đi cùng đoàn tiếp cận" – ông Chung nói.

Bị cáo Chung phân tích, từ năm 2017 đến 2020, TP.Hà Nội đã tổ chức cho khoảng trên 400 doanh nghiệp đi với đoàn của UBND. 

Sau mỗi lần tiếp xúc với doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và Hà Nội đều đề xuất tự bỏ tiền để được đi cùng đoàn, để được tìm hiểu thông tin mới, biết được thành phố cần cái gì sau đó cùng đồng hành.

"Đây là anh Giang tự nguyện, anh bỏ tiền của anh ấy đi mà anh ấy phiên dịch là điều tốt. Tôi nghĩ một doanh nghiệp đi tiếp cận… chúng ta phải tôn trọng anh Giang… Việc này hoàn toàn không phải vì Redoxy 3C" – bị cáo Nguyễn Đức Chung tranh luận.

nguyen-truong-giang-redoxy-3c-16392269637211622395293-1639276790.jpg
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói có cử Nguyễn Trường Giang (ảnh) đi Châu Âu cùng đoàn của UBND thành phố là đúng quy định, quy chế. Ảnh: TTXVN

Về cáo buộc vi phạm liên quan đến thư mời ông Chopra, bị cáo Chung khẳng định ký khi có đề xuất của Sở Nội vụ. Nguyễn Thế Hùng – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội (người dẫn đầu đoàn công tác của UBND TP.Hà Nội đi Châu Âu) về cũng khai đoàn về ông Chopra thông qua một người nói sẽ sang.

"Anh Hùng có mời trước rồi. Anh chuyển báo cáo qua văn phòng, văn phòng chuyển đến tôi. Anh Hùng có nói với tôi là Chủ tịch, Bí thư mời cho trân trọng. Tôi ký mời một doanh nghiệp vào để họ thuyết trình sản phẩm của họ là hoàn toàn đúng thẩm quyền, đúng quy chế về đối ngoại" – ông Chung khẳng định.

Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch Hà Nội cũng nói không dùng ngân sách thành phố để tiếp ông Chopra và cảm thấy mình hoàn toàn đúng ở việc này.

Với cáo buộc đã chỉ đạo cho Nguyễn Trường Giang tham gia tất cả hoạt động của UBND TP.Hà Nội mặc dù không phải nhân viên của UBND, ông Chung nói chắc chắn không có một lần nào đi cùng Giang, mời Giang ra hội thảo.

"Tại phiên tòa này Giang khai được ông Chopra mời, thuê Giang phiên dịch… Theo quy chế đối ngoại thì ông Chopra đến phải có phiên dịch của ông ấy, tôi có phiên dịch của tôi, và anh Giang là phiên dịch cho ông Chopra" – cựu Chủ tịch Hà Nội trình bày.

Kết thúc phần tranh luận của mình, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bày tỏ sự tâm tư khi tài sản bị kê biên.

"Tôi phải gánh trực tiếp tù đầy nhưng tôi còn có bố mẹ già, còn có 2 con. Tài sản làm được gì tôi đều khai báo trung thực trong hồ sơ khai báo tài sản, không giấu một cái gì. Hiện nay làm lợi cho Nhà nước vậy nhưng lại thu, kê biên nhà tôi… Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình… luận tội của Viện Kiểm sát là oan cho tôi, mong muốn HĐXX xem xét" – ông Nguyễn Đức Chung nói tối 11/12 trước tòa.

Ngày 10/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh kê biên tài sản của bị can Nguyễn Đức Chung.

Tài sản thứ nhất là quyền sử dụng 102,7m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số vào sổ CS45366, ngày 7/10/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội tại 88, phố Trung Liệt, phường Trung Liệt (Đống Đa, TP.Hà Nội).

Tài sản thứ 2 ông Chung bị kê biên là quyền sở hữu 175,7m2 căn hộ chung cư số 12B12A theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số vào sổ CS04811 ngày 10/2/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội tại nhà R3, số 72A Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình (Thanh Xuân, TP.Hà Nội).

Tài sản thứ 3 là quyền sở hữu 175,7m2 căn hộ chung cư số 12B15 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số vào sổ CS02846, ngày 25/1/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, tại nhà R3, số 72A Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình./.