"Ngay từ đầu, tôi đã nói rằng, không có điều gì về Ukraine mà không do Ukraine quyết định, nhưng không phải ai cũng đồng tình với tôi. Đó là lãnh thổ của họ. Tôi sẽ không nói họ nên hay không nên làm gì", Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời phỏng vấn báo giới hôm 3/6.
Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh thêm, ở thời điểm nhất định nào đó, Nga và Ukraine cần có sự "dàn xếp". Ông cũng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine đảm bảo năng lực phòng vệ trước các cuộc tấn công của Nga.
Xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2 sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, tấn công các mục tiêu ở Ukraine nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng.
Triển vọng chấm dứt xung đột vẫn rất mong manh khi các cuộc hòa đàm rơi vào bế tắc. Moscow tuyên bố chỉ ngừng chiến dịch khi đạt được mọi mục tiêu đề ra, trong khi đó, Kiev kiên quyết không nhượng bộ lãnh thổ.
Tháng trước, cựu Cố vấn an ninh quốc gia và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gợi ý, Ukraine nên chấp nhận từ bỏ một phần lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga, chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn 3 tháng giữa hai nước. Ngay lập tức, ý tưởng này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của giới chức Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nói một phần trong các điều kiện để đàm phán hòa bình với Nga sẽ bao gồm việc khôi phục các đường biên giới trước cuộc chiến và Ukraine sẽ lấy lại những phần lãnh thổ đã mất, kể cả bán đảo Crimea. Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, song Kiev và hầu hết cộng đồng quốc tế không công nhận. Tuy vậy, Nga tuyên bố, vấn đề Crimea là "không thể thương lượng".
Bình luận về ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ, Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska hôm 2/6 cũng cho rằng, điều này đồng nghĩa với nhượng bộ tự do và sẽ không khiến Nga chấm dứt xung đột. "Ngay cả khi chúng tôi nhượng bộ lãnh thổ của mình, đối phương cũng sẽ không dừng lại ở đó. Họ sẽ tiếp tục dồn ép, tiếp tục triển khai ngày càng nhiều cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ của chúng tôi", bà Zelenska nói.
Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, hay gần 125.000km2, tương đương diện tích của Hà Lan. Moscow bắt đầu chuyển sang phòng ngự ở miền Nam để giữ vững phòng tuyến ở khu vực đã kiểm soát, đặc biệt là vùng Kherson, đồng thời đẩy mạnh tấn công ở miền Đông nhằm kiểm soát hoàn toàn Donbass. Khoảng một tuần trở lại đây, quân đội Ukraine đã bắt đầu phản công mạnh ở Kherson trong bối cảnh quan chức Nga nói rằng Kherson có thể là một trong 4 tỉnh của Ukraine sẽ trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga trong mùa hè này./.