Hàng ngàn người đã thiệt mạng, hàng tỷ USD bị cuốn trôi, Mỹ và đồng minh còn chưa hoàn toàn rời khỏi Afghanistan, quốc gia Nam Á này lại trở về với thời điểm 20 năm trước.

Afghanistan là hồ sơ chính của hai tờ báo Le Figaro và Libération số ra ngày 30/07/2021 qua hàng loạt những chủ đề khác nhau: « Phương Tây bại hoại », « Thất bại trên ba phương diện », « Không gì ngăn chận đà tiến của Taliban ». Vào lúc liên quân quốc tế rút lui sau 20 năm hiện diện tại quốc gia Nam Á này, « Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng lấp vào chỗ trống », «Cái bẫy Afghanistan đe dọa Ấn Độ » còn «Pakistan, gậy ông đập lưng ông».

Ổ kiến lửa Afghanistan
Các binh sĩ Afghanistan chật vật đối phó Taliban. Ảnh: NY Times

Công dã tràng để rồi nhường chỗ cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Hàng ngàn người đã thiệt mạng, hàng tỷ USD bị cuốn trôi, Mỹ và đồng minh còn chưa hoàn toàn rời khỏi Afghanistan, quốc gia Nam Á này lại trở về với thời điểm 20 năm trước: Taliban lại ở trước cửa quyền lực, quân đội Afghanistan do liên quân quốc tế gầy dựng có nguy cơ tan rã, cơ chế chính trị của Afghanistan « ngàn cân treo sợi tóc ».

Xã luận của Le Figaro nói đến một sự «tụt hậu» trên ba mặt trận: Trước hết là đối với người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên bị Taliban áp bức trở lại. Kế tới là thất bại trong mục đích chống khủng bố: Al Qaida thân với Taliban đang hồi sinh. Sau cùng về phương diện địa chính trị, liên quân quốc tế chưa quay gót, « Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thế chỗ ».

Moscow «nóng lòng trở lại Trung Á» còn Ankara thì muốn hiện diện tại Kabul, nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát sân bay quốc tế, ngõ thoát hiểm duy nhất cho khoảng 500 lính liên quân quốc tế cuối cùng còn hiện diện tại Afghanistan.

«Sau khi đã đẩy phương Tây khỏi Syria, Libya và Thượng Karabakh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại tay trong tay sửa soạn lấp vào chỗ của Mỹ ở Kabul». Nhà báo Isabelle Lasserre của tờ Le Figaro giải thích về những mục tiêu mà Ankara và Moscow đang nhắm tới và những bước chuẩn bị của mỗi bên. Nga lo ngại một khi quân Hồi Giáo cực đoan Taliban trở lại nắm quyền, làn sóng người Afghanistan tị nạn sẽ tràn qua các nước sát cạnh, lo ngại các quốc gia lân cận với Afghanistan có nguy trở thành sào huyệt của quân thánh chiến, đe dọa ảnh hưởng và quyền lợi của Moscow tại Trung Á.

Nga và Trung Quốc trong tình trạng báo động

Bên cạnh tham vọng quay lại Trung Á, Libération ghi nhận: Nga lo sợ không kém về tình hình Afghanistan. Trong phần cuối bài phân tích dài chủ yếu nói về nội tình Afghanistan, nhà báo Luc Mathieu lưu ý độc giả «Nga và Trung Quốc trong tình trạng báo động». Moscow huy động thêm 20.000 quân dọc biên giới, chuẩn bị tập trận chung với Uzbekistan vào đầu tháng 8/2021, tăng cường khả năng phòng thủ cho Tadjikistan, đề cao cảnh giác quân thánh chiến trà trộn vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Trong khi đó quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh là vùng Tân Cương tự trị. Ngoại trưởng Vương Nghị cách nay hai ngày tiếp nhân vật số 2 của Taliban Abdul Ghani Barada tại Thiên Tân. Ông đã «vạch ra lằn ranh đỏ» đòi Taliban không yểm trợ Phong Trào Hồi Giáo Cực Đoan Đông Turkestan, một tổ chức ly khai người Duy Ngô Nhĩ.

Ấn Độ và Pakistan cũng đang ngồi trên ổ kiến lửa

«Pakistan, gậy ông đập lưng ông » Libération chú ý đến thế kẹt của chính quyền Islamabad trước nguy cơ Taliban mở rộng ảnh hưởng với các nhóm nổi dậy Pakistan.

«Chưa đến nỗi cuống lên, nhưng hai trong số các nhân vật thế lực nhất tại Islamabad, là giám đốc tình báo và lãnh đạo bộ Tổng tham mưu quân đội Pakistan, hôm 01/07/2021 trước Hạ Viện đã khẳng định cố gắng tìm kiếm một giải pháp chính trị, giảm thiểu ảnh hưởng của Taliban đối với các nhóm nổi dậy tại Pakistan ».

Tác giả bài báo nhắc lại Islamabad luôn là «điểm tựa chính» từ khi Taliban được hình thành năm 1994 thậm chí Pakistan đã giúp phong trào Hồi giáo cực đoan Afghanistan này chinh phục quyền lực. Cũng Pakistan đã cùng với Saudi Arabia, các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất công nhận nhà nước Taliban.

Thế còn trong trường hợp của Ấn Độ? Lý do báo Le Figaro đưa ra khá dễ hiểu : «New Delhi lo ngại Ấn Độ trở thành sân sau của các nhóm thánh chiến. New Delhi cũng biết rõ Taliban là đồng minh của Pakistan», kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ. Điều thú vị không kém là để giải tỏa bớt đe dọa Taliban, thủ tướng Modi đã liên kết với một số nước lớn trong khu vực, đứng đầu là Nga và Iran./.