Các luật sư cho rằng, hành vi đầu độc cháu nội của nữ Phó khoa Sản là hành động vô nhân tính, tạo sự phẫn nộ trong công chúng.
 
Cuối ngày 5/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình phát đi thông báo chính thức, đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969, trú xã Tân Bình, huyện Vũ Thư) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Giết người" quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015. Các Quyết định và Lệnh đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
 
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Chử Thị Mỹ Lệ thừa nhận hai lần bơm chất độc (là thuốc chuột) vào sữa cho đứa cháu nội mới 11 tháng tuổi của mình uống. Quá trình khám xét nhà riêng của Lệ, cơ quan Công an thu giữ một lọ thuốc chuột dạng nước, đang sử dụng dang dở.
 
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, những vụ đầu độc thời gian gần đây thì hai vụ gây rúng động dư luận đều xảy ra tại Thái Bình, trước đó là vụ việc do Lại Thị Kiều Trang thực hiện, đầu độc chị họ vì tình ái.
 
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, hành vi và hậu quả Lệ gây ra để xử lý theo quy định.
 
Ông nhận xét bà Chử Thị Mỹ Lệ là người làm nghề y, là bác sĩ, lại là lãnh đạo khoa Sản một bệnh viện, bị hại là cháu nội của mình nhưng người đàn bà này quá vô cảm, nhẫn tâm vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội.
 
 
Phòng khám của bà Lệ
 
"Cơ quan điều tra phải làm rõ nguyên nhân người phụ nữ này sát hại cháu bé vì mâu thuẫn, thù hằn gì trong gia đình hay vì muốn trút bỏ trách nhiệm, gánh nặng trong việc chữa trị, chăm sóc cháu bé. 
 
Dù là nguyên nhân gì đi nữa, việc đầu độc đứa trẻ 11 tháng tuổi bằng thuốc diệt chuột cũng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hành vi này cũng không phù hợp với y đức của người theo nghề y. Bởi vậy, ngoài sự trừng phạt của pháp luật thì người vi phạm còn chịu sự lên án của xã hội", luật sư Cường nêu.
 
Còn luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, nạn nhân ở đây trẻ em - đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ. 
 
Dù hậu quả chưa khiến cháu bé tử vong nhưng với tính chất và mức độ nguy hiểm của sự việc, cơ quan công an cần sớm khởi tố bị can để điều tra, xử lý bà Lệ nghiêm khắc.
 
"Kết quả điều tra ban đầu thể hiện, cháu bé chịu nhiều thiệt thòi khi sinh ra như bị bại não, hở hàm ếch, lẽ ra cháu phải nhận được sự yêu thương yêu, chăm sóc của bà nội và người thân trong gia đình nhưng người bà lại làm điều ngược lại. Đây là hành động vô nhân tính, tạo sự phẫn nộ trong xã hội, cộng đồng", luật sư Bình bày tỏ.
 
Theo luật sư, vụ việc này nạn nhân là trẻ em (dưới 1 tuổi) nên nghi phạm sẽ phải đối diện với án phạt có tình tiết tăng nặng theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.
 
Trước đó vào ngày 13/7, Bệnh viện Nhi Thái Bình tiếp nhận bệnh nhân Lê Trần Dương M. (SN 2019) ở xã Tân Bình, thành phố Thái Bình được gia đình chuyển đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
 
Qua hai ngày theo dõi điều trị, Bệnh viện Nhi Thái Bình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để cấp cứu vì bệnh tiến triển nặng hơn.
 
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong quá trình cấp cứu và làm xét nghiệm cho cháu M., bác sĩ thấy trong mẫu xét nghiệm của bệnh nhân có chất độc (ban đầu được xác định là thuốc diệt chuột) nên báo cáo Công an quận Đống Đa.
 
Sau khi xác minh Cơ quan điều tra đã triệu tập Chử Thị Mỹ Lệ (bà nội của bệnh nhân) đến làm việc thì Lệ đã thừa nhận 2 lần bơm chất độc vào sữa cho cháu uống.
 
Chính quyền xã Tân Bình cho biết, cháu M. sinh non, bị bại não, hở hàm ếch và không phát triển bình thường.