Nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt, sinh: 01/01/1947 tại xóm Bình Minh, xã Thạch Bình, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là người được thừa hưởng giọng ca ngọt ngào từ chính người mẹ của mình là bà Trần Thị Xin – người phụ nữ khéo tay chăm tằm, dệt lụa và nổi tiếng hát hay, múa dẻo ở xã Thạch Bình. Bà là tấm gương đam mê, tận tụy thực hành và trao truyền dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh cho thế hệ trẻ noi theo.

Thuở nhỏ, Đặng Thị Minh Nguyệt nghe mẹ hát ru, hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh rồi yêu, rồi nhớ và trở thành niềm đam mê mãnh liệt, ăn sâu vào mạch máu của bà. Gia đình có điều kiện, cha bà là lương y giỏi, nên bà cùng các anh chị em trong nhà đều được học hành chu đáo. Tốt nghiệp trường Y, bà về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, một thời gian sau được điều lên làm việc tại Sở Y tế. Công việc chuyên môn chiếm nhiều thời gian và đầy áp lực, bà tìm đến niềm vui với những câu hò, điệu ví sau những giờ làm việc mệt nhọc. Khi niềm đam mê ngấm vào máu thịt của mình, dành dụm được đồng nào bà đều đầu tư hết cho việc ghi âm, làm đĩa, in ấn tác phẩm của mình. Ngoài ra, một phần còn để “nuôi” câu lạc bộ khi gặp khó khăn hoặc không có nguồn thu để hoạt động.

Từ những ngày đầu hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương và cơ quan ngành Y tế, cho đến bây giờ là Chủ nhiệm Câu lạc Dân ca Ví, Giặm phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt đã dành trọn đời mình cho hoạt động nghệ thuật không chuyên này. Bà đã lặn lội khắp nơi để sưu tầm các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh từ các bậc cao niên ở quê nội, quê ngoại của mình. Bên cạnh việc sưu tầm các làn điệu dân ca lời cổ, nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt còn rất chú trọng việc cải biên, sáng tác lời mới, cải biên dân ca Nghệ Tĩnh. Đến nay, bà đã biên soạn 30 tổ khúc dân ca, phản ảnh đa dạng mọi mặt của cuộc sống như ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, nếp sống văn minh, đô thị hóa….

Năm 2009, trong cuộc thi soạn lời dân ca Nghệ Tĩnh trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, tổ khúc dân ca Chúng con thấm sâu lời Bác dạy của bà giành được giải nhất. Ngoài ra, các tiết mục Di chúc Bác Hồ vang vọng mãi ngàn năm, Đôi bờ sông La, Sắt son lời hò hẹn, Đôi bờ Ví, Giặm…đều giành được giải cao tại các liên hoan, hội thi, hội diễn. Năm 2014, đón đầu sự kiện Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bà đã tham mưu cho phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh ra mắt Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của phường. Với cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt vừa là người tổng chỉ huy, vừa sáng tác, vừa dàn dựng tiết mục, lại vừa trực tiếp biểu diễn khi cần. Hiện nay Câu lạc bộ có 24 thành viên với đủ mọi lứa tuổi, trong đó có 9 cháu đang là học sinh các trường Tiểu học. Khi Câu lạc bộ vừa mới xuất quân lần đầu, đã giành được giải A trong liên hoan Văn nghệ quần chúng của thành phố năm 2015. Tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 toàn tỉnh tổ chức ở thị xã Hồng Lĩnh toàn đoàn đạt giải nhất và tổ khúc dân ca“Dâng người khúc hát quê hương” của nghệ nhân Minh Nguyệt đạt giải A. Tiếp đó, tham gia Liên hoan cấp liên tỉnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), Câu lạc bộ Dân ca Ví Giặm phường Tân Giang đã giành giải Nhì toàn đoàn với một giải A với tiết mục lời cổ “Duyên phường Vải”, 1 giải B “Hát giao duyên” và 1 giải C với bài hát “Khúc hát Tân Giang”.
 
 
Phát huy kết quả đã đạt được, Câu lạc bộ bắt tay xây dựng nhiều chương trình khác nhau đi phục vụ các hội nghị cấp thành phố, cấp phường, Bệnh viện Y học cổ truyền và Trại trẻ mồ côi…. Năm 2015, được sự giúp đỡ của Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh, Câu lạc bộ đã tham gia biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, có nhiều tiết mục phát sóng trên Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, gây được ấn tượng tốt đẹp. Sở dĩ Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh có được kết quả trên đây, là nhờ có một phần đóng góp đáng kể của nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt. Bà là người “thổi hồn” và “truyền lửa” đam mê Dân ca Ví, Giặm cho các thành viên Câu lạc bộ, nhất là lớp trẻ. Các thành viên trong Câu lạc bộ luôn xem người chủ nhiệm này như một người mẹ tần tảo, hết lòng chăm sóc các thành viên như con đẻ của mình. Ai ốm đau, bà đến tận nơi thăm hỏi, bắt mạch, kê dơn, bốc thuốc; ai có việc gia đình gặp khó khăn, bà đến nhà ân cần động viên giúp đỡ. Đối với các diễn viên “nhí”, bà cho rằng cần phải có sự ưu ái đặc biệt mới thu hút được các cháu chăm lo luyện tập. Ba năm trời ròng rã, những buổi tập của các cháu bà đều tự bỏ tiền túi của mình để bồi dưỡng động viên các cháu, khi thì que kem, khi thì gói bánh, khi thì tiền mặt. Dẫu là vô cùng ít ỏi, bình quân mỗi em từ 5-10 đồng cho một buổi tập, nhưng tính ra 3 năm trời cũng là tiền triệu. Rồi những diễn viên xuất sắc, khi được giải thưởng, bà đề nghị Ban chủ nhiệm trích tiền bồi dưỡng xứng đáng với sự cống hiến của họ, nhằm tạo ra sự hưng phấn cho các diễn viên.
 
 
NNC.Phan Thư Hiền – Chi hội VNDGVN tại Hà Tĩnh Tặng hoa cho CLB DCVG phường Tân Giang - Ảnh: Linh Châu 
 
Ngôi nhà nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình của bà tại số nhà 10 ngõ 24 đường Nguyễn Công Trứ đã trở thành nơi để anh em trong câu lạc bộ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và ngôi nhà này cũng chính là nơi tập luyện chủ yếu của câu lạc bộ. Sự tâm huyết, trách nhiệm và cách cư xử công bằng, tinh tế của bà khiến số lượng thành viên đăng ký tham gia câu lạc bộ ngày càng đông, trong đó có một số nghệ nhân “gạo cội” trong “làng hát dân ca” của tỉnh như Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thanh Minh (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ), nghệ nhân ưu tú Hồ Đức Trung, nghệ nhân  Lê Thị Phương Thảo (mới được bổ sung trọng trách phụ trách chuyên môn của câu lạc bộ) và các nghệ nhân dân gian: Trương Quang Bốn (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), Nguyễn Hoàng Hạnh, Trần Thị Mai Hoa, Võ Thị Kiều Thanh, Nguyễn Thị Hồng Hưởng, Đường Thị Hải Vân, Trần Thị Hương…
 
Nhiều người cho rằng: Chính Câu lạc bộ phường Tân Giang là địa chỉ ươm mầm tài năng cho nhiều câu lạc bộ khác trên địa bàn thành phố. Từ đây, một số nghệ nhân từng đăng kí tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ của bà Nguyệt, sau 5 năm họ đã đủ lông đủ cánh để về xây dựng câu lạc bộ tại địa bàn dân cư của mình, chẳng hạn như nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh, Nguyễn Thị Hồng Hưởng (về sinh hoạt tại câu lạc bộ phường Nam Hà); nghệ nhân Đường Thị Hải Vân (về sinh hoạt và làm chủ nhiệm câu lạc bộ phường Hà Huy Tập); nghệ nhân Đặng Thị Tuyết (về sinh hoạt tại phường Nguyễn Du)…
 
Nhìn các cháu, các em của mình đã thật sự trưởng thành, nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt cảm thấy vô cùng hạnh phúc về điều này. Ngược lại, các nghệ nhân khi chia tay với câu lạc bộ phường Tân Giang cũng bày tỏ sự luyến tiếc và họ không quên những “liền anh”, “liền chị” như Nguyễn Thanh Minh, Đặng Thị Minh Nguyệt, Trương Quang Tứ, Hồ Đức Trung… đã dìu dắt và đồng hành với mình trên con đường nghệ thuật.
 
Với những đóng góp tích cực của mình, năm 2014, nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian. Ngoài ra, được Sở VHTT&DL tặng Giấy khen cùng nhiều phần thưởng khác của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú. Năm nay, dù đã bước qua tuổi 70, nhưng tình yêu Dân ca Ví, Giặm vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn của người phụ nữ mảnh mai này. Nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt xứng đáng là tấm gương cần mẫn, tâm huyết để nhiều thế hệ con cháu học tập và noi theo.