Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp và Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Nữ lãnh đạo trên chính trường Việt Nam: Phái yếu... nhưng không yếu chút nào!”.

1-1667912567.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan.

- Từ báo cáo của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương cho thấy, tỉ lệ phụ nữ là lãnh đạo ngày càng cao. Phụ nữ tham gia làm kinh tế ngày càng nhiều…

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Số liệu thống kê cho thấy vai trò của phụ nữ hiện nay rất quan trọng. Trong hệ thống chính trị, phụ nữ đã tham gia quản lý xã hội, quản lý nhà nước, giữ nhiều vị trí cương vị lãnh đạo.

Trong phát triển kinh tế xã hội, nhiều phụ nữ đã là những doanh nhân thành đạt, làm chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, giám đốc các loại hình kinh tế tư nhân, đóng góp cho xã hội không ít về ngân sách cũng như về mặt an sinh xã hội.

Tôi đánh giá rất cao vai trò của người phụ nữ hiện tại và thời gian tới, tin rằng với đà phát triển đào tạo học vấn, nguồn nhân lực, hoạt động sản xuất kinh doanh, người phụ nữ sẽ dần nắm quyền chủ của đất nước và đạo của gia đình.

Báo cáo mới đây của Chính phủ, tính đến tháng 7/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 14/30, đạt 46,6%. Trong đó có 4 nữ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 11 nữ Thứ trưởng và tương đương. Tỉ lệ UBND cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm gần 37,7%; ở cấp huyện là gần 31,8%, cấp xã là gần 25%. Bên cạnh đó, những số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ nữ giới có học vấn cao ngày càng lớn, làm kinh tế ngày càng nhiều…
2-1667913887.png
Đại biểu Phạm Văn Hòa.

- Điều đó cho thấy, phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, lãnh đạo trên chính trường không “yếu” chút nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Những con số minh chứng, tỷ lệ phụ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII 9,5% (có 19 người nữ), Quốc hội khóa XV đạt tỉ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay… đã cho thấy điều đó. Họ là những nữ chính trị gia luôn tận tâm, tận lực, năng động, sáng tạo cống hiến, phụng sự đất nước, nhân dân.

Tỷ lệ nữ giới có học vấn cao ngày càng lớn

Theo số liệu thống kê năm 2021, tổng số học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp gần 1.571.000 người, trong đó nữ là hơn 542.000 người, chiếm 34,5% (tăng 2,9% so với năm 2020). Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đặt ra mục tiêu tỉ lệ nữ thạc sĩ không dưới 50% (từ năm 2025 trở đi), tỉ lệ nữ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. Bộ LĐ-TB&XH nhận định khả năng các chỉ tiêu này sẽ đạt mục tiêu vào năm 2025 và 2030.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị là xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 30,26% đại biểu là nữ cho thấy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động quan trọng của Quốc hội đã được thể hiện rõ ràng.

Trong nhiều phiên thảo luận, ý kiến của nữ đại biểu rất sâu sắc, sát với thực tiễn của cuộc sống, đóng góp quan trọng vào các hoạt động chung của Quốc hội, không chỉ đem lại những thông điệp liên quan trực tiếp đến nữ giới, mà còn là thông điệp liên quan đến đất nước, công việc quan trọng xuất phát từ cách tiếp cận của phụ nữ. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của phụ nữ, uy tín của phụ nữ, đặc biệt khẳng định thế mạnh của phụ nữ trong việc xây dựng đất nước. 

- Điều đó cho thấy những chính sách về công tác nữ, bình đẳng giới như Nghị quyết số 28 về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030…đã phát huy hiệu quả?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến chính sách đối với công tác nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Từ các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã xây dựng, ban hành hệ thống tương đối đầy đủ các cơ chế, chính sách, từ Hiến pháp, pháp luật cho đến các văn bản dưới luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.

Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đề ra 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể, chỉ sau 1,5 năm thực hiện, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đánh giá chung về kết quả, Chính phủ nhận định khoảng cách giới trong các lĩnh vực nói chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận. Phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đều có kết quả tốt hơn so với năm 2020, trong đó có 6/20 chỉ tiêu cơ bản đã đạt mục tiêu đến năm 2025; 1/20 chỉ tiêu đã đạt một phần và 13/20 chỉ tiêu phấn đấu đạt vào năm 2025.

Phụ nữ làm kinh tế ngày càng nhiều

Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số liệu tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 27,2%. Con số này đã vượt qua mục tiêu Chiến lược quốc gia đến năm 2025 (27%). Báo cáo chỉ số nữ doanh nhân do Mastercard công bố năm 2021 cũng cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đạt 26,5%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (nơi chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 40% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động) là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ.

Để phụ nữ phát huy hết vai trò của mình, thời gian tới cần tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ bình đẳng tham gia đóng góp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của đất nước, cũng như thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

3 nữ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bà Phạm Thị Thanh Trà sinh năm 1964, tại Nghệ An, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Đại biểu Quốc hội khóa XV. Bà Phạm Thị Thanh Trà từng trải qua các chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê Hải Dương, là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII (Dự khuyết), Khóa XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XV. Bà từng đảm nhận các vị trí Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1968 tại TP Hà Nội, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hồng từng trải qua các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.