Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm năm 2005, cô Na Sa học lên đại học rồi lấy bằng thạc sĩ và gắn bó với nghề gõ đầu trẻ ở bậc tiểu học từ đó đến nay. Tròn 17 năm làm nghề “gõ đầu trẻ”, cô Sa luôn tâm niệm: “Mình đã chọn nghề, yêu nghề nên luôn tâm niệm sẽ cố gắng hết sức để học hỏi, hoàn thành công việc tốt nhất”.

Năm 2020-2021, năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng đổi mới chương trình, SGK, ngoài việc tập huấn đổi mới SGK còn đòi hỏi giáo viên phải tự học, tự đổi mới chính mình. Cô Sa là giáo viên cốt cán của Phòng GD-ĐT quận Ba Đình và Sở GD-ĐT Hà Nội nên có mặt trong tất cả các kỳ cuộc học tập, dự giờ trường bạn, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ.

“Dạy ngày 2 buổi trên lớp, về đến nhà chong điện soạn giáo án, nghiên cứu tài liệu đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng là bình thường. Đợt cao điểm của chương trình có khi làm đến 2 giờ sáng. Cũng may mắn là có chồng thấu hiểu và chia sẻ”- cô kể.

ui-1700296202.png
Cô giáo Na Sa

Cô đã dạy qua các lớp 1 đến lớp 5 và hiện là khối trưởng của khối 2. Lớp chừng 40 học sinh và năm học nào cũng có những em có hoàn cảnh đặc biệt, được cô tận tâm dạy bảo, động viên. Thương nhất là những em học sinh nhỏ tuổi nhưng thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ. Năm học trước, có em ở với ông bà rất nghịch ngợm, hay đánh bạn, nói tục. Cô tìm hiểu thấy, ông bà làm nghề bán hàng đêm nên em cũng thức xuyên đêm, vạ vật đi theo ở hàng quán. Hôm sau lên lớp, em luôn trong tình trạng mệt mỏi, nằm úp xuống bàn ngủ. Thương xót học sinh, cô đến tận nhà nói chuyện với ông bà. Ban đầu, ông bà của học sinh không nghe vì còn phải bán hàng mưu sinh nhưng bằng sự tận tâm, kiên trì trò chuyện, cuối cùng gia đình phải sắp xếp để cháu ở nhà học bài và đi ngủ đúng giờ. Phía cô giáo mỗi ngày cũng dành ít thời gian hướng dẫn con ôn bài, dần giúp con tiến bộ.

Hay có em bị tự kỷ thể nhẹ vẫn nắm được bài nhưng khi lên lớp không có nhu cầu giao tiếp với các bạn và cô giáo. Khi nhận lớp, cô hỏi gì con cũng không trả lời. Đối với những trẻ như vậy, cô lại phải có phương án riêng, đó là động viên, khích lệ từng ngày, không đòi hỏi con phải viết đẹp, đọc rõ ràng như bạn khác. Chỉ cần con tiến bộ hơn hôm qua, con chịu viết bài cô đã khen, con đọc được ít dòng cô cũng khen để động viên học sinh tìm được niềm vui trong học tập. Cuối năm, học sinh tiến bộ, đạt điểm khá trong bài kiểm tra. Đối với cô Sa, đó chính là trái ngọt trong nghề và cũng nhờ điều đó cô thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Ở lớp, để gần hơn và thấu hiểu nỗi niềm khó nói của học sinh, cô Sa đặt một chiếc hộp “thần kỳ” cạnh một hộp kẹo. Mỗi ngày lên lớp, học sinh nào có nỗi buồn, điều khó nói muốn chia sẻ cùng cô viết ra giấy thả vào chiếc hộp “thần kỳ” và lấy 1 chiếc kẹo. Hộp “thần kỳ” đã giúp cô nắm bắt được tâm tư của trẻ, kết nối với gia đình nhằm cùng tháo gỡ.

Cô quan niệm, dạy học sinh tiểu học không chỉ dạy các em biết đọc, biết viết mà còn dạy về lòng biết ơn, lẽ phải, việc tốt, việc xấu để các em có nhận thức đúng, hành xử đúng trong cuộc sống. Cô lập sổ theo dõi học sinh hằng ngày. Những tiến bộ của học sinh dù nhỏ nhất cũng được cô động viên, khích lệ và cuối tháng trẻ được nhận quà. Ngoài dạy chữ, cô dạy học sinh điều hay, lẽ phải và kỹ năng tự phục vụ. Ở độ tuổi tiểu học, học sinh không ỷ lại cha mẹ các việc trong gia đình. Trẻ được khuyến khích làm việc nhà như: Gập quần áo, vào bếp cùng cha mẹ...

Cô Lê Thị Na Sa từng giành giải Nhì cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học năm 2022 cấp Thành phố và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2021-2022 và nhiều giải thưởng cấp quận khác./.