Nữ cử nhân mầm non ở Hà Tĩnh bị mất 2 chân sau vụ tai nạn, nhân vật trong chương trình Chạm vào ước mơ số 7 do Báo Thanh Niên tổ chức 3 năm trước giờ đã có việc làm để nuôi sống bản thân.
Hôm nay (23.9) là ngày đi làm chính thức đầu tiên của chị Nguyễn Thị Hoa (25 tuổi, trú tại xã Việt Xuyên, H.Thạch, Hà Tĩnh). Công việc của nữ cử nhân bị mất 2 chân sau vụ tai nạn xảy ra cách đây 3 năm trước là nhân viên kế toán tại một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch có tên Nàng dâu Order (địa chỉ tại 155A, đường Nguyễn Du, TP.Hà Tĩnh).
Chị Hoa cũng là nhân vật trong chương trình Chạm vào ước mơ số 7, do Báo Thanh Niên phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức hồi cuối năm 2017. Chương trình này đã giúp Hoa thỏa ước mơ là có được đôi chân giả và đặc biệt là một số trường mầm non trên địa bàn TP.Hà Tĩnh hứa nhận cô vào làm việc nếu sức khỏe đảm bảo.
Chị Hoa giới thiệu sản phẩm cho khách hàng
Sau chương trình, từ cô gái mặc cảm và tự ti với bản thân, Hoa đã mạnh dạn hơn, yêu đời hơn và quyết tâm chinh phục đôi chân giả mà chương trình trao tặng. Để không trở thành gánh nặng của gia đình, Hoa chăm chỉ và cố gắng nhiều hơn trong quá trình tập luyện. Đến nay, dù những bước đi trên đôi chân giả chưa thể linh hoạt như người bình thường nhưng đó là cả một quá trình dài mà Hoa đã không ngừng cố gắng.
Chị Hoa chia sẻ, ước mơ trở thành cô giáo mầm non đối với cô là khó thực hiện vì nhiều bất tiện trong quá trình đi lại và sức khỏe không đảm bảo để đứng lớp cả ngày. Vì thế sau chương trình, Hoa tự học kế toán trên máy tính tại nhà để đi tìm việc làm thích hợp cho mình sau này
Công việc chính của chi Hoa tính tiền thanh toán mua hàng cho khách
Thật may mắn khi chị Hoa được chị Nguyễn Thị Đài Trang, nhân vật được Ban tổ chức chương trình Chạm vào ước mơ số 7 mời đến để truyền cảm hứng về nghị lực, cũng là chủ cửa hàng Nàng dâu Order vừa mới khai trương nhận vào làm việc với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
“Công việc này rất phù hợp với sức khỏe của em hiện tại. Ngày đầu tiên đi làm, em cảm thấy rất vui vì đã không còn phụ thuộc vào gia đình, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Công việc của em đang làm là nhân viên tính tiền mua hàng cho khách, thống kê hàng hóa và tư vấn cho khách về nguồn gốc của thực phẩm có tại cửa hàng”, Hoa nói.
Chị Hoa được chủ cửa hàng hướng dẫn thêm về công việc phải làm tại cửa hàng
Theo chị Hoa, khi biết tin mình được tuyển dụng, cô cũng rất đắn đo vì cửa hàng tiếp nhận vào làm việc cách nhà khoảng 10 km. Tuy nhiên, sự lo lắng của chị Hoa đã được cởi bỏ khi chủ cửa hàng đã tạo điều kiện nhận thêm người anh họ của chị vào làm chung. Việc đi làm của chị Hoa vì thế được thuận lợi hơn khi có người anh họ cùng làm chung đảm nhận trọng trách chở đi, chở về.
Chị Nguyễn Thị Đài Trang, chủ cửa hàng Nàng dâu Order cho hay, mặc dù bận rộn với công việc tại chuỗi cửa hàng ăn uống tại TP.Hà Tĩnh, nhưng chị vẫn luôn ấp ủ sẽ mở một cửa hàng gì đó để tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. “Tôi cũng là người bị bại liệt 2 chân từ nhỏ nên rất thấu hiểu được những tâm tư, khát khao của những người khuyết tật như em Hoa. Sau bao nhiêu dự định, tôi cũng đã mở thêm được cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch này. Hiện tại, ngoài em Hoa, tôi cũng nhận thêm 1 bạn khuyết tật khác vào làm. Công việc giao cho 2 bạn ấy cũng tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng của các em”, chị Trang nói./.