“Vững vàng chuyên môn, nắm chắc nghiệp vụ, hết lòng vì người bệnh; tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc được giao; luôn vui vẻ hòa đồng với đồng nghiệp”. Đó là nhận xét của các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Vinh dành cho nữ bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Thủy người đã cùng đoàn công tác Sở Y tế Nghệ An tham gia chi viện chống dịch.
Khi nghe thông tin về các chiến sĩ áo trắng đẫm mồ hôi với những vết hằn trên da thịt trong bộ đồ bảo hộ, quên ăn quên ngủ, có người kiệt sức đến ngất xỉu đang đương đầu với đại dịch, tràn ngập khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó đã thôi thúc bác sĩ Thủy viết đơn xin lên tuyến đầu hỗ trợ các đồng nghiệp để chống dịch. Sau 3 lần đăng kí tình nguyện, bác sĩ Thủy được chấp thuận theo đoàn bác sĩ tình nguyện của Sở Y tế Nghệ An chi viện cho tâm dịch Tp Hồ Chí Minh, nơi được xem là "biển lửa" của làn sóng dịch.
“Khi đang chuẩn bị đồ đạc thì tôi cũng được thông báo là lịch thi tuyển viên chức của Sở Y tế Nghệ An sắp tới trùng với thời gian đoàn đi chống dịch. Kỳ thi này tôi đã mong chờ từ lâu, là cơ hội để được chính thức trở thành viên chức của Bệnh viện ĐKTP Vinh. Nhờ có sự động viên của Ban giám đốc Bệnh viện và lãnh đạo Khoa Nội Tổng hợp, sự ủng hộ của gia đình, tôi đã mạnh dạn với lựa chọn của mình. Tuổi đời mình còn trẻ, không được thi lần này thì thi lần sau vậy , “Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình” Vậy là tôi không do dự mà khăn gói chuẩn bị lên đường”. Th.S BS Thủy chia sẻ.
Đoàn chi viện nhận nhiệm vụ thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13, quận Bình Chánh. Những ca trực đã cuốn họ vào guồng quay của một cuộc chiến thực sự để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19, hạn chế các biến chứng, sớm giúp người bệnh khỏe mạnh về với gia đình.
“Để đảm bảo hiệu quả công việc, đoàn đã chủ động phân công thành 3 ca: 7h-14h, 14h-22h, 22h-7h. Vậy nhưng, quá tải là điều khó tránh khỏi. Những bữa cơm trưa lúc 4h chiều và những bữa cơm tối lúc 23h không phải là chuyện hiếm. Có những ngày làm 7 tiếng trong bộ đồ bảo hộ, không ăn uống, không vệ sinh. Khái niệm về thời gian dường như bị quên lãng, chỉ còn tập trung vào bệnh nhân, ca trực, kíp trực. Hết ca trực, ai cũng tự nhủ phải tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức, sẵn sàng cho nhiệm vụ ca sắp tới, cũng như chủ động đề phòng các trường hợp bất ngờ cần thay ca.
Còn đó những cảm giác hồi hộp khi làm xét nghiệm thường quy (4 ngày/1 lần test), ai cũng mong sẽ nhận được kết quả âm tính để còn khả năng giúp đỡ nhân dân. Và rồi tất cả các kết quả đều âm tính, mọi người đều hạnh phúc, tôi lại thấy việc làm của mình thật ý nghĩa.
Đoàn Y tế Nghệ An nhận được quyết định rút quân khi tình hình dịch tại Tp Hồ Chí Minh cơ bản được kiểm soát. Chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân miền Nam đã giúp chũng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cũng vẫn nhớ lắm những nụ cười và lời cảm ơn của bệnh nhân ngày ra viện, nhất là những bệnh nhân nặng nhưng đã phục hồi ngoạn mục nhờ những nỗ lực về chuyên môn của toàn bộ nhân viên y tế tại bệnh viện và ý chí đấu tranh giành giật sự sống của bản thân bệnh nhân trước lưỡi hái tử thần. Những hình ảnh đó đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục cố gắng, và cũng là hành trang cho sự nghiệp cứu người của chúng tôi sau này. Tôi không hối hận về quyết định lên đường tình nguyện của mình. Còn gì ý nghĩa hơn khi mình được sống với con tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và đôi vai của người thầy thuốc phụng sự nhân dân. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.” BS Thủy xúc động chia sẻ./.