Theo hãng tin Reuters, bản dự thảo sửa đổi do Hạ nghị sĩ đến từ đảng Dân chủ Marcy Kaptur đứng sau và đã nhận được sự nhất trí của một uỷ ban Hạ viện.
Nội dung bản sửa đổi sẽ cho phép Quốc hội kháng cáo những quyết định miễn lệnh trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) trong năm tài khoá 2022.
Song, để thành luật, dự thảo này còn một chặng đường dài phía trước, phải qua một uỷ ban Hạ viện khác, bỏ phiếu tại toàn bộ Hạ viện, Thượng viện và được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua. Trong khi đó, dự án Nord Stream 2 đã hoàn thành tới 95% .
Sau quyết định trên của hội đồng Hạ viện, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục xem xét các thực thể liên quan về hành vi có thể bị trừng phạt và sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội.
Trước đó, hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình lên Quốc hội một báo cáo với kết luận tập đoàn Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành Matthias Warnig, đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã tham gia thực hiện hành vi có thể bị trừng phạt.
Nhưng sau đó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lập tức miễn các lệnh trừng phạt liên quan tới Nord Stream 2 AG (công ty Thuỵ Điển) và ông Matthias Warnig (người Đức) với lý do đó là vì lợi ích quốc gia Mỹ.
Phản ứng của Nga
Cùng ngày, sau khi biết động thái từ phía Mỹ, Chủ tịch Uỷ ban Các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia Nga - ông Leonid Slutsky - đã bày tỏ ý kiến trên kênh Telegram, chỉ trích hành động của Washington với dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 là bằng chứng cho thấy phương thức cạnh tranh thiếu công bằng của Mỹ.
Ông Slutsky lý giải: “Dự án này chỉ có bản chất kinh tế và đã hoàn thành hiệu quả. Phần ngoài biển của đường ống dẫn đầu tiên thuộc Nord Stream 2, về kỹ thuật, là đã hoàn thành. Hiện tại, quá trình xây dựng đường ống dẫn thứ 2 đang được thực hiện tích cực”.
Nghị sĩ cấp cao của Nga cũng nhấn mạnh, Nord Stream 2 có lợi cho Châu Âu trong đó có những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ nhưng Washington lại không quan tâm tới nhu cầu của các đồng minh tại Châu Âu-Đại Tây Dương dù họ luôn nói về tình đoàn kết.
Theo Nghị sĩ Nga, trong vài năm qua, Mỹ luôn tìm cách làm sạch thị trường EU để bán khí đốt tự nhiên hoá lỏng của họ – một nguồn năng lượng đắt đỏ và khó vận chuyển hơn - thông qua tất cả các phương thức có thể. Và, Ukraine chính là một công cụ gây áp lực của Mỹ.
Washington đang ủng hộ Kiev và cáo buộc, dự án Nord Stream 2 sẽ cho phép Nga gây áp lực lên Kiev bằng cách bỏ qua tuyến đường trung chuyển năng lượng của nước này.
Nghị sĩ Nga cho rằng, tất cả những hành động đó đơn giản đã chứng minh phương thức cạnh tranh thiếu công bằng của Mỹ trên thị trường khí đốt mà Washington sớm muộn cũng thất bại.
Cuối bài viết, ông Slutsky đặt câu hỏi: "Liệu bao giờ những đối tác Châu Âu của chúng tôi mới thực sự sáng mắt?".
Đọc thêm: Toàn cảnh dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2)