Để chờ được máy gặt, nhiều nông dân ở huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) đã phải thức thâu đêm, thậm chí gói cơm ra tận ruộng ăn để chờ đến lượt. Trời nắng nóng gay gắt khiến việc gặt thủ công vô cùng vất vả.
 
Lúa chín rũ "chờ" máy gặt
 
Toàn xã Minh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) có 250ha lúa đã đến mùa thu hoạch, thế nhưng trên địa bàn chỉ có 6 chiếc máy gặt nên không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
 
 
Máy gặt khan hiếm khiến việc thu hoạch của người dân chậm trễ.
 
Bà Nguyễn Thị Mai (59 tuổi, ở thôn 5 xã Minh Thành) cho biết: “Gia đình tôi làm 5 sào ruộng, giờ lúa đã chín rũ rồi mà không có máy về để thuê gặt. Tôi đã gặt thủ công được một sào nhưng do thời tiết nóng quá nên không cam nổi, nếu trong 2 ngày tới không thuê được máy gặt thì diện tích còn lại không biết như thế nào nữa".
 
Cùng chung cảnh ngộ, bà Phan Thị Hồng (cùng thôn bà Mai) kể: "Tôi đã cất công đi gọi máy gặt nhiều lần rồi nhưng không được. Nhìn lúa chín rục nằm ngoài đồng nóng ruột lắm, giờ chẳng biết làm thế nào để đưa lúa về nhà được".
 
 
Nhiều người dân nóng lòng chờ máy gặt.
 
Ông Trần Khánh Tùng, Chủ tịch UBND xã Minh Thành cho hay: "Năm trước trên địa bàn xã có đến 20 chiếc máy gặt nên người dân không lo việc thuê máy. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không có máy ở các tỉnh khác về, việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đối với bà con nông dân".
 
"Hiện lúa đã chín rộ, đến kỳ thu hoạch nhưng thời điểm hiện tại toàn xã mới thu hoạch được khoảng 30% diện tích. Chúng tôi đã trực tiếp xuống đồng động viên bà con khắc phục tình trạng chung này. Xã cũng sẽ kết nối, tạo điều kiện để chủ các máy gặt về thu hoạch cho lúa kịp mùa vụ", ông Tùng chia sẻ thêm.
 
Chờ máy thâu đêm, ăn cơm giữa cánh đồng
 
Chưa kịp ăn cơm tối, vừa nghe tiếng máy gặt về đến cánh đồng, anh Đặng Trọng Huy (ở thôn Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành) đã vội vàng phóng xe máy để ra đồng để đón lõng. Tuy nhiên, khi vừa ra đến cánh đồng thì không riêng gì anh Huy mà nhiều người dân đã cầm đèn pin đứng chờ sẵn trước đó.
 
Anh Huy buồn bã cho biết: "Năm nay gia đình làm 4 sào ruộng, lúa đã chín quá nhưng chưa gặt được thửa nào. Đây không phải là đêm đầu tiên tôi thức để chờ máy gặt mà đã sang đêm thứ 3 rồi nhưng vẫn chưa đến lượt".
 
Theo ghi nhận của PV, mặc dù đã 22h nhưng trên các cánh đồng ở xã Quang Thành nhiều người dân vẫn đội đèn pin, mang dụng cụ đứng trên bờ ruộng để chờ máy. Thậm chí, phải thức thâu đêm, gói cơm ra tận ruộng ăn ngay tại chỗ để khỏi mất lượt.
 
 
Dịp này, các máy gặt phải hoạt động hết công suất.
 
Chị Phan Thị Liên (xã Quang Thành) cho biết: "Buổi tối tôi phải gửi 2 đứa con nhỏ sang ông bà ngoại trông để ra đồng chờ máy gặt. Lúa chín khô hết rồi, nhìn nóng ruột lắm nhưng chờ mãi mà vẫn chưa đến lượt".
 
Theo nhiều người dân cho biết, chưa năm nào khan hiếm máy gặt như năm nay. Trung bình thì 3 - 4 cánh đồng mới có một chiếc máy gặt nên không thể đáp ứng được nhu cầu. Việc khan hiếm máy gặt đã buộc người dân phải chuyển sang gặt lúa bằng liềm hoặc máy thủ công.
 
Anh Nguyễn Văn Long (một chủ máy gặt ở xã Quang Thành) chia sẻ: "Thời điểm này, tôi và tổ máy phải thay nhau làm việc. Có những hộ dân đã nhiều lần điện thoại nhờ được gặt trước nhưng tôi không biết giải thích như thế nào cho hợp lý. So với năm ngoái thì năm nay diện tích gặt tăng gấp 3 lần. Từ đầu mùa đến nay máy gặt của tôi phải hoạt động cả ngày lẫn đêm không có thời gian nghỉ”.
 
 
Người dân xã Quang Thành ăn cơm giữa đồng để chờ máy gặt.
 
Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An lúa đã chín rộ, nhiều diện tích bị đổ rạp do dông lốc, khô cổ bông gây khó khăn cho việc thu hoạch. Không chỉ riêng ở huyện Yên Thành mà các huyện như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Thanh Chương… tình trạng máy gặt khan hiếm cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hoạch của người dân.
 
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, vụ Đông Xuân năm nay toàn huyện gieo cấy hơn 12.800ha, năng suất đạt khoảng 72 tấn/ha. Người dân rất phấn khởi vì lúa năm nay được mùa nhưng lại mang nỗi lo thiếu máy gặt.
 
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên máy gặt ở các tỉnh khác không về được. Hiện tại, trên địa bàn toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích, còn 40% thì đang thiếu máy do chênh lệch giữa nguồn cung và cầu", ông Dương nói.
 
 
Nhiều diện tích lúa của người dân ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) bị đổ rạp, người nông dân phải gặt thủ công trong lúc chờ máy gặt.


 
Lúa gặt thủ công phải tuốt cả đêm để kịp phơi khô ngày hôm sau.