“Tôi không có bất kỳ kháng thể nào”.

Đó là điều mà Andrew Linder bộc bạch với CNN, anh không giấu nổi sợ hãi và cảm giác buồn bã khi nhận kết quả xét nghiệm kháng thể. “Tôi cảm thấy không an toàn, bởi bất cứ khi nào, tôi cũng có thể mắc Covid-19”, anh nói.

Thay khẩu trang hai lần/ngày, ở nhà gần như 24/7 và hiếm khi gặp ai khác ngoài vợ là cách sống hiện tại của Linder, ngay cả khi nhiều người Mỹ đã bước vào “bình thường mới”. Linder sống sót được nhờ quả thận hiến tặng từ vợ. Người đàn ông 34 tuổi ở Akron, Ohio, Mỹ đã tiêm 4 liều vaccine Pfizer, song, vẫn không có gì đảm bảo chắc chắn cho sự an toàn của anh trước Covid-19.

Lo lắng

Từ ca phẫu thuật ghép thận vào tháng 9/2019, Linder phải uống thuốc ức chế miễn dịch trong suốt phần đời còn lại để cơ thể không đào thải cơ quan mới. Anh được xếp vào nhóm bị suy giảm miễn dịch và CDC Mỹ khuyến cáo Linder là một trong những người cần tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 3, thậm chí thứ 4 để tăng cường sức đề kháng trước nCoV.

Vaccine Covid-19 từng là niềm hy vọng của những bệnh nhân như Linder, nhưng giờ đây, anh còn lo lắng nhiều hơn trước.

Linder là một trong số nhiều người bị suy giảm miễn dịch từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng đang tìm cách bảo vệ bản thân trước Covid-19. CDC ước tính khoảng 9 triệu người tại Mỹ, tương đương 3% dân số, bị suy giảm miễn dịch từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng.

200318162010-01-immunosuppressed-concerns-super-169-1636899487.jpg
Andrew Linder và vợ. Ảnh: CNN.

Họ gồm những bệnh nhân đang điều trị ung thư máu, khối u ác tính, trường hợp đã được ghép tạng, nhận tế bào gốc, người mắc HIV/AIDS hoặc chưa được điều trị và nhóm dùng corticosteroid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch khác.

Các bài kiểm tra, test kháng thể không được khuyến khích để xác định mức độ bảo vệ từ vaccine Covid-19 với một người. Song, không ít nghiên cứu đã chứng minh điều này.

Một nghiên cứu công bố đầu tháng 11 của CDC cho thấy những người bị suy giảm hệ miễn dịch cần tiêm 3 liều vaccine Covid-19 và một mũi nhắc lại để bảo vệ trước Covid-19. Hiệu quả của Pfizer, Moderna trong việc ngăn ngừa nhập viện ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch là 77%, thấp hơn nhóm có sức khỏe bình thường (90%).

Thậm chí, với một số bệnh nhân như Linder, nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine Covid-19 còn thấp hơn nhiều lần.

Chấp nhận

CNN đã quan sát 5 người bị suy giảm miễn dịch sau cuộc phỏng vấn từ tháng 3/2020. Với một số người như Linder, cuộc sống không thay đổi trước và sau hơn một năm bởi họ thiếu khả năng miễn dịch.

Song, một số người cũng có cảm giác an toàn hơn sau khi được tiêm chủng. Với bà mẹ đơn thân Courtney Hodge, ở ngoại ô Pittsburgh, việc sống sót qua đại dịch đã mang lại cho cô cảm giác dần quen với nỗi sợ. “Năm ngoái, tôi xem xét lại toàn bộ cuộc đời mình và bắt đầu sống theo cách khác. Bởi bạn biết đấy, tôi có thể chết bất cứ khi nào”, bà mẹ nói với CNN.

200318162441-04-immunosuppressed-concerns-super-169-1636899525.jpg
Courtney Hodge và con trai. Ảnh: CNN.

Hogde bị hen suyễn kèm theo các bệnh rối loạn tự miễn như Graves, đau cơ xơ hóa, hội chứng mệt mỏi mạn tính. Người phụ nữ 39 tuổi đã được tiêm phòng đủ 3 liều, bao gồm cả mũi tăng cường, và đã tự tin hơn khi ra ngoài.

“Tôi nói chuyện với nhiều người hơn cả quãng thời gian trước đó. Được ra ngoài khiến tôi tự do hơn và lạc quan hơn”, Hodge nói thêm. Cô đã tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 3 vào tháng 8 và đang cân nhắc có tiêm mũi 4 hay không.

Sau tiêm, bà mẹ đơn thân đã có thể bắt đầu lại công việc kinh doanh kẹo bị tạm ngừng vì đại dịch. “Tôi không còn lo lắng nữa. Ngay cả khi mắc Covid-19, nguy cơ tử vong cũng không còn cao như khi chưa tiêm vaccine. Tôi sẽ không sợ hãi vì điều gì đến sẽ đến”, Hugde tâm sự.

Cố gắng hòa nhập với cuộc sống hậu Covid-19 cũng là điều mà Danielle Grijalva đang làm. Một vài người thân, bạn bè của Grijalva mắc Covid-19 và qua đời. Nhưng cô vẫn quyết định bản thân sẽ sống trọn vẹn những giây phút còn lại của cuộc đời.

Grijalva được tiêm hai mũi vaccine Covid-19 vào tháng 4, 5. Nó giúp cô chuyển từ việc quanh quẩn với bốn bức tường sang yên tâm hơn khi tới tiệm tạp hóa hay gặp gỡ bạn bè. “Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi đi bộ, mua sắm miễn là giữ khoảng cách với người khác. Tôi sẽ không sống trong sợ hãi nữa”, người phụ nữ 45 tuổi đến từ California nói.

Năm 2018, Grijalva được chẩn đoán mắc chứng đau cơ xơ hóa và hội chứng mệt mỏi mạn tính. Một số virus gram âm cũng được tìm thấy trong dạ dày của cô. Các căn bệnh đều khiến Grijalva phải sống với thuốc điều trị cả đời, song, cô chưa được xếp vào nhóm người bị suy giảm miễn dịch để tiêm liều bổ sung.

Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, bà mẹ hai con vẫn chờ đợi quyết định cuối cùng của giới chức y tế địa phương xem có được tiêm liều thứ ba hay không. Dù vậy, vaccine Covid-19 vẫn là thứ giúp Grijalva cảm thấy yên tâm hơn trong đại dịch.

200318162535-05-immunosuppressed-concerns-super-169-1636899564.jpg
Danielle Grijalva đã được tiêm phòng hai mũi vaccine Covid-19 và mong chờ mũi thứ 3. Ảnh: CNN.

Hy vọng

Không phải tất cả bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch mà CNN theo dõi đều sống khỏe mạnh, tránh được Covid-19.

Brittania Powell, sinh viên tại Đại học Bang Ohio, gần như không rời khỏi nhà trong hai tháng cho đến khi cô đi bầu cử vào mùa thu năm ngoái. Nữ sinh này được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ khi mới 14 tuổi. Cô cũng mắc viêm khớp dạng thấp, thiếu máu và viêm thận. Powell có thể thức dậy với đôi chân sưng vù, không thể đi lại vào buổi sáng nào đó.

Cô gái 22 tuổi đeo hai khẩu trang, găng tay nhưng vẫn bị lây nhiễm nCoV sau lần ra ngoài duy nhất. Nữ bệnh nhân có các triệu chứng giống cúm trong một tuần và chỉ ho nhẹ nên không nghĩ rằng bản thân đã mắc Covid-19. Một tuần sau, Powell cảm thấy buồn nôn, dạ dày có vấn đề và phải nhập viện cấp cứu.

Sáng hôm sau, kết quả xét nghiệm cho biết cô dương tính với nCoV. Căn bệnh khiến Powell mệt mỏi, dạ dày đau và nôn nhiều nhưng cô vẫn lạc quan và cố gắng không để bản thân rơi vào căng thẳng.

200318162352-03-immunosuppressed-concerns-super-169-1636899608.jpg
Chỉ vài phút ra ngoài, Brittania Powell đã bị nhiễm nCoV và sống chung với căn bệnh trong suốt một tháng. Ảnh: CNN.

Mùa xuân năm nay, Powell được tiêm hai liều vaccine Covid-19 và chưa vội tiêm mũi tăng cường. Song, một số người lo lắng vì cô không đủ kháng thể bảo vệ.

“Bạn sẽ không thể biết ai đang bị suy giảm miễn dịch chỉ bằng cách nhìn vẻ bên ngoài. Ngay cả khi bạn không muốn tiêm vaccine, hãy đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Bởi đó là cách giúp bạn và những bệnh nhân như tôi giữ mạng sống”, Powell chia sẻ.

Trong số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, điều duy nhất họ khao khát là được sống như những người bình thường. Với Linder, anh chật vật trong nỗi lo thường trực: “Tôi đã vất vả để sống sót sau ca ghép thận. Vợ tôi cũng đã hy sinh vì điều đó để cả hai được bên nhau. Nhưng Covid-19 khiến chúng tôi thêm đau đớn và dường như chẳng có cách nào thay đổi được”.

Một số nghiên cứu đang cố gắng tìm ra giải pháp cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Nhưng trước khi có phương pháp mới, điều duy nhất họ có thể làm lúc này là tiêm vaccine Covid-19 và phòng bị cẩn trọng hơn.

Một nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy những người bị suy giảm miễn dịch sau khi được tiêm chủng vẫn có nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong vì Covid-19 cao hơn 485 lần so với nhóm có sức khỏe bình thường.

Các nghiên cứu từ CDC cũng cho thấy người suy giảm miễn dịch chiếm khoảng 44% ca mắc Covid-19 phải nhập viện dù đã tiêm vaccine. Những người bị suy giảm miễn dịch cũng có nhiều khả năng truyền nCoV cho bất kỳ ai tiếp xúc gần.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cho phép tiêm 3 loại vaccine Covid-19 có sẵn cho nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch./.