sau-tiem-vac-xin-covid-19-tre-khong-duoc-hoat-dong-manh-it-nhat-3-ngay-1635561343.jpg
PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng - Ảnh: Quang Hùng

Từ đầu tháng 11/2021, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai trên toàn quốc, bắt đầu với các tỉnh thành đang có dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc địa phương có mật độ dân cư đông, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao.

PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng khuyến cáo, trong ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm, không nên để trẻ chạy nhảy, hoạt động thể thao quá mức.

Lý giải về khuyến cáo trên, PGS Hồng cho biết, có một phản ứng không mong muốn với trẻ em sau tiêm vắc xin Covid-19 đã được ghi nhận tại một số quốc gia là viêm cơ tim.

“Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Theo các số liệu thống kê tới nay, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái”, PGS Hồng thông tin.

Tuy nhiên, bà Hồng nhấn mạnh, đây là phản ứng rất hiếm gặp. Thống kê về những trường hợp gặp phản ứng phụ này cũng chỉ là số liệu ban đầu vì 36 quốc gia đã tiêm chủng vắc xin cho trẻ em mới triển khai tiêm gần đây. Những số liệu này cần được tiếp tục theo dõi.

PGS Hồng cho biết, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã đề nghị các chuyên gia về Nhi khoa đưa ra hướng dẫn nhận biết triệu chứng ban đầu, phác đồ điều trị viêm cơ tim.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các bệnh viện để có thể xử trí kịp thời. Dù phản ứng nghiêm trọng này rất hiếm xảy ra, nhưng chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị kỹ”, PGS Hồng nói.

Thông tin thêm về vấn đề trên, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, hiện không có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19.

PGS thông tin, Bộ Y tế đã có kế hoạch để chuẩn bị thật tốt cho tình huống có ca phản ứng viêm cơ tim, mặc dù tỷ lệ rất thấp.

“Trong hôm nay, chúng tôi cũng có chuyên gia hàng đầu về tim mạch trẻ em tập huấn cho hệ thống tiêm chủng các địa phương hiểu thế nào là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Đồng thời, hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu sớm nhất của viêm cơ tim, ví dụ nhịp tim thế nào là nhanh theo từng nhóm tuổi”, PGS Điển nói.

Ông nhấn mạnh, các gia đình không nên lo lắng vì trong quá trình tiêm, trẻ cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh.

Về vấn đề đối tượng trẻ nào được tiêm chủng tại bệnh viện, PGS Điển cho biết, nhóm này gồm có các trẻ mang bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có phản ứng phản vệ độ 3 ở bất kỳ dị nguyên nào hoặc nghe tim phổi thấy bất thường. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, phải đặc biệt lưu ý đến nhóm trẻ có bệnh nền khi tiêm chủng.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, bệnh nền trong nhi khoa thường thấp hơn nhiều so với người lớn, ví dụ ntình trạng đái đường hay cao huyết áp khá ít. Tuy nhiên, vẫn có những bé mang bệnh lý bẩm sinh.

“Đợt này, chúng ta sẽ tiêm ở nhóm trẻ từ 12 -17 tuổi. Thông thường, nhóm tuổi này nếu có bệnh bẩm sinh thì đều đã bộc lộ ra hết nên cha mẹ có thể đưa các con đến tiêm ở bệnh viện”, PGS Điển cho hay.

Ông đề nghị nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính như ung thư, bệnh máu hay bệnh thận phải được tiêm chủng vắc xin Covid-19 và tiêm ở bệnh viện để an tâm hơn trong quá trình tiêm.

“Những cháu bé mắc bệnh mạn tính như trên, hệ miễn dịch đã suy giảm. Bệnh nhi lại thường xuyên phải nhập viện điều trị, đi lại trong bệnh viện, là môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là nhóm trẻ em rất cần được bảo vệ để giảm nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19”, PGS Điển nhấn mạnh.

Theo PGS, hệ thống tiêm chủng các tỉnh thành cần có sự thống kê đầy đủ, gửi danh sách, đưa trẻ thuộc các nhóm trên tới tiêm tại bệnh viện để đảm bảo an toàn cho các con./.