Bộ Y tế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phủ rộng 70% dân số tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn trước những phản ứng phụ sau tiêm hoặc chưa rõ thể trạng bản thân có phù hợp khi tiêm vaccine hay không.
Người mắc bệnh nền có được tiêm vaccine?
Nhờ phát hiện sớm căn bệnh ung thư vú, chị Trần Thị Mẫn (Thanh Trì, Hà Nội) đã điều trị ổn định được 3 năm nay. Chị Mẫn cho biết, bản thân dù rất muốn được tiêm vaccine phòng Covid-19, song rất băn khoăn khi không biết với người từng mắc ung thư như chị có được tiêm hay không.
“Đợt dịch thứ tư này đã có không ít bệnh nhân bị ung thư đã mắc Covid-19 và có diễn tiến tăng nặng, thậm chí tử vong”, chị Mẫn chia sẻ.
Những lo lắng của chị Mẫn cũng là nỗi trăn trở của hàng chục nghìn người bị ung thư đã điều trị được nhiều năm, có người ổn định, có người chỉ còn tái khám định kỳ…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc trì hoãn tiêm phòng vaccine Covid-19 là những người ung thư giai đoạn cuối, người điều trị hóa chất, xạ trị trong vòng 14 ngày.
Còn với người có tiền sử ung thư, đã điều trị ổn định, có thể tiêm vaccine, miễn người bệnh không có chống chỉ định hay dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Tương tự với bệnh nhân có bệnh nền mạn tính như cao huyết áp, viêm gan B… nếu đã được điều trị ổn định cũng có thể tiêm vaccine. Tuy nhiên, với điều kiện các đối tượng này phải được thăm khám, sàng lọc kỹ và tiêm vaccine Covid-19 ở bệnh viện, cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Lý giải thêm về phản ứng sau tiêm, có người nặng - nhẹ khác nhau, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, bất cứ loại vaccine nào cũng có thể có những phản ứng bất lợi sau tiêm, tùy thuộc vào yếu tố cơ địa của mỗi cá thể.
Tùy loại vaccine sẽ có một tỷ lệ nhất định những người tiêm có biểu hiện phản ứng sau tiêm. Có nghĩa, cũng có một tỷ lệ nhất định không có biểu hiện phản ứng sau tiêm, tuy nhiên không có triệu chứng phản ứng không đồng nghĩa với không có đáp ứng miễn dịch.
“Cũng như các vaccine khác, vaccine Covid-19 không có hiệu lực bảo vệ 100%, tùy vào loại vaccine, tỷ lệ bảo vệ từ 50 - 90%. Để đánh giá vaccine đã có đáp ứng miễn dịch sau tiêm hay không phải xét nghiệm. Nhưng đến nay, xét nghiệm này chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, không áp dụng cho người đi tiêm vaccine thông thường”, bà Hồng cho biết.
Người có tiền sử dị ứng cần tiêm ra sao?
Vốn dị ứng cơ địa, suốt 1 năm qua, chị Nguyễn Thúy Phương (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên phải dùng thuốc chống dị ứng.
Cứ ngày nào dừng thuốc là khắp người mẩn ngứa, vô cùng khó chịu. Cũng theo chị Phương, vì công việc hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều khách hàng, nên dù phòng bị kỹ càng khẩu trang, tấm chắn nhưng chị vẫn không hết lo lắng nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Dù mong muốn được tiêm vaccine phòng Covid-19, nhưng chị Phương cho hay: “Tôi lo lắng nhất là các phản ứng phụ, sốc phản vệ sau khi tiêm vì bản thân vốn dĩ mang cơ địa dị ứng”.
Giống với chị Phương, có rất nhiều người bị dị ứng hải sản, dị ứng thuốc, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng… cùng chung nỗi băn khoăn.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho biết, đối với người bị dị ứng với hải sản, cơ địa hay viêm mũi dị ứng có thể tiêm được vaccine phòng Covid-19.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người có cơ địa dị ứng phải khám sàng lọc kỹ và phải được tiêm vaccine ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Tuy nhiên, ông Cơ đặc biệt lưu ý, với người có cơ địa bị dị ứng với nhiều loại thuốc như: Amoxilin, Biseptol, Cibro, Paracetamol... nên cân nhắc trì hoãn tiêm vaccine. Nếu tiêm, cần được khám sàng lọc và tiêm chủng tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đủ điều kiện xử trí phản ứng sau tiêm nếu có.
PGS.TS. Dương Thị Hồng lưu ý thêm, sau tiêm người dân cần theo dõi sức khỏe của mình, khi thấy những biểu hiện nặng, bất thường như: Mề đay, ngứa, khó thở, buồn nôn, nôn, tím tái, co giật, sốt trên 39 độ dai dẳng, hoặc đau đầu dữ dội uống thuốc không hạ, mệt lả, đau quặn bụng, huyết áp tăng hoặc hạ… thì phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí, không tự ý uống bất kỳ loại thuốc nào.
Bộ Y tế đã phân loại đối tượng tiêm vaccine theo 4 nhóm: Đủ điều kiện, cần thận trọng, phải trì hoãn và chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19.
Trong đó, lưu ý nhóm người phải trì hoãn gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...
Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; Bệnh nhân từng mắc Covid-19 trong 6 tháng; Phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ.