Hơn 124.000 tài liệu mật liên quan đến Uber, bao gồm email, tin nhắn iMessage, WhatsApp, ghi nhớ, bản thuyết trình, hóa đơn… đã được rò rỉ cho The Guardian. Ngày 10/7 (giờ địa phương), The Guardian cùng hơn 180 nhà báo tại hơn 40 ấn phẩm khác đã đồng loạt xuất bản các bài báo nêu chi tiết cách startup này vi phạm pháp luật, lừa dối cảnh sát, lợi dụng hoạt động bạo lực chống lại tài xế, bí mật vận động chính phủ và những tình tiết bất ngờ khác.

Phần lớn tài liệu nằm trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2016, giai đoạn Uber tích cực mở rộng trên toàn cầu. Công ty triển khai tại 4 châu lục một cách nhanh chóng, thường không xin giấy phép hoạt động như một dịch vụ taxi hay chở hàng, tự xem mình là một nền tảng công nghệ kết nối tài xế và hành khách.

Từ đó tới nay, bộ sậu lãnh đạo Uber đã thay đổi rất nhiều. Đáng chú ý nhất, đồng sáng lập Travis Kalanick đã từ chức CEO vào năm 2017. Trong một tuyên bố, Uber khẳng định “không và sẽ không bào chữa cho các hành vi trong quá khứ, không phù hợp với giá trị hiện tại. Thay vào đó, chúng tôi đề nghị công chúng đánh giá dựa trên những gì đã làm trong 5 năm qua và những gì sẽ làm trong các năm tiếp theo”.

Vậy, “Hồ sơ Uber” đã vạch trần những sự thật đáng sợ như thế nào về một trong các startup tiên phong trong lĩnh vực taxi công nghệ này.

“Bạo lực đảm bảo thành công”

Tài liệu rò rỉ vẽ ra bức tranh đen tối về những gì diễn ra trong hàng ngũ nhân sự cấp cao (C-Suite) của Uber, khi Pháp phản ứng dữ dội trước việc Uber gia nhập thị trường tháng 1/2016. Vào một ngày đầu năm, ít nhất 2.000 tài xế taxi đã kéo xuống đường để bày tỏ sự giận dữ đối với Uber. Những tin nhắn trong 3 ngày sau đó cho thấy, cựu CEO Kalanick đã muốn một trong những cấp dưới của mình gây sức ép để tài xế Uber phản công.

s-1657540897.jpg
Tài xế taxi truyền thống biểu tình, chặn đường tại Paris (Pháp) năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Không chỉ thể hiện sự thờ ơ đối với khả năng tài xế Uber bị tài xế taxi truyền thống làm tổn thương, Kalanick thậm chí còn… chờ đợi điều này xảy ra. “Tôi nghĩ nó đáng mà… Bạo lực đảm bảo thành công”, một tin nhắn của ông viết. Bạo lực như vậy không dừng lại ở ý tưởng. Trước đó một năm, hơn 80 tài xế Uber đã bị tấn công tại khắp châu Âu và hàng chục xe bị phá hủy trong các cuộc xung đột với tài xế taxi truyền thống, những người lo sợ bị mất sinh kế vì Uber. Khi các cuộc biểu tình chống lại Uber nổ ra ở Paris, ban quản lý công ty làm việc trong một văn phòng vô danh và vì lý do an toàn đã được lệnh không mặc quần áo Uber tại nơi công cộng.

Công ty muốn lợi dụng tình hình bạo lực đối với tài xế để giành sự cảm thông từ nhà chức trách và công chúng. Trong một số trường hợp, khi tài xế bị tấn công, lãnh đạo Uber sẽ nhanh chóng “chớp” cơ hội. Chẳng hạn, nếu họ bị đâm, đánh dập, ném gạch vào xe, các giám đốc sẽ cung cấp thông tin chi tiết cho báo chí để tạo ấn tượng tiêu cực đối với taxi truyền thống. Uber còn dùng nó để gây áp lực hòng gặp mặt các chính trị gia và thúc đẩy thay đổi pháp luật.

Trả lời The Washington Post, Phó Chủ tịch Tiếp thị và các vấn đề công cộng của Uber, Jill Hazelbaker, thừa nhận các sai lầm trong đối xử với tài xế trước đây, đặc biệt dưới thời Kalanick, song cho rằng, không ai, kể cả Kalanick, muốn tài xế Uber bị bạo lực.

Lãnh đạo tự nhận là “cướp biển”

Theo The Guardian, một lãnh đạo cấp cao của Uber viết trong email: “Chúng ta không hợp pháp ở nhiều quốc gia, nên tránh đưa ra các tuyên bố chống đối”. Trong một bình luận về các chiêu thức Uber sử dụng để né tránh nhà chức trách, một giám đốc khác viết: “Chúng ta đã chính thức trở thành cướp biển”.

Nhân viên biết họ đang làm việc phi pháp

Năm 2014, Thái Lan đóng cửa Uber khi nhà chức trách nước này phát hiện tài xế của họ không có bảo hiểm và đăng ký cần thiết để vận hành xe thương mại. Cũng trong năm 2014, Ấn Độ ra lệnh cho Uber phải dừng hoạt động sau khi một hành khách cáo buộc bị tài xế cưỡng bức. Nairi Hourdajian, Giám đốc truyền thông toàn cầu khi đó của Uber, nhắn tin cho một đồng nghiệp: “Đôi khi chúng tôi gặp vấn đề vì chết tiệt, chúng tôi làm việc phi pháp”.

Thỏa thuận bí mật với Emmanuel Macron

Giữa thời điểm tranh cãi bùng phát tại Pháp, Uber có một đồng minh chủ chốt trong chính phủ: Tổng thống Pháp tương lai Emmanuel Macron. Theo các phóng viên điều tra “Hồ sơ Uber”, sau một cuộc gặp giữa Macron – khi ấy là Bộ Trưởng Kinh tế Pháp và Mark MacGann, chuyên gia vận động hành lang của Uber tại châu Âu lúc đó, Macron đã gây áp lực để các nhà chức trách dễ dãi với Uber.

ss-1657540927.jpg
Uber xem Emmanuel Macron là "đồng minh" quan trọng trong chính phủ Pháp. (Ảnh: The Guardian)

Tháng 7/2015, chính Kalanick đã hỏi rằng có thể tin được Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve hay không, khi chính phủ Pháp đang xem xét giảm nhẹ quy định với Uber và hi vọng Uber có thể đóng cửa dịch vụ giảm giá gây tranh cãi UberPop. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với cấp phép taxi tại Pháp. Ngoài ra, Thủ tướng Pháp khi đó là Manuel Valls bị Uber xem là “kẻ thù số 1” với tư tưởng mạnh mẽ và âm mưu biểu tình chống lại ông.

“Chúng ta có nên tin tưởng Caz không”, Kalanick hỏi thẳng. Macron đáp: “Chúng tôi đã gặp Thủ tướng hôm qua. Cazeneuve sẽ giữ cho cánh taxi yên lặng và tôi sẽ tập hợp mọi người vào tuần tới để chuẩn bị cải cách và sửa luật. Caz đã chấp thuận giao dịch…”. Vào 8 giờ tối giờ Paris, UberPop bị dừng hoạt động tại Pháp.

Không rõ “giao dịch” mà Macron nhắc tới là gì. Tuy nhiên, khi “Hồ sơ Uber” bị lộ, Cazeneuve nói không biết gì về “giao dịch” như vậy.

Tài liệu gợi ý Uber đã phối hợp với nhân viên của Macron để đệ trình các bản sửa đổi quy định liên quan tới lĩnh vực xe cho thuê có người lái (VTC) lên các nghị sỹ “thân thiện”. Một khi UberPop đình chỉ, Macron tiếp tục thông qua một trong các điều khoản quan trọng trong bản sửa đổi – cắt giảm đáng kể về đào tạo bắt buộc để có giấy phép VTC.

Macron không phản hồi về vụ việc. Điện Élysée tuyên bố nhiệm vụ của Macron khi còn là Bộ trưởng Kinh tế, khiến ông gặp gỡ một cách tự nhiên với nhiều công ty liên quan đến sự thay đổi sâu sắc xảy ra trong những năm ấy, trong lĩnh vực dịch vụ.