Mang thai giả là một hiện tượng hiếm gặp ở phụ nữ. Tình trạng này thường có các triệu chứng gần giống với mang thai thật, chẳng hạn như mệt mỏi, buồn nôn hoặc thay đổi kích thước ngực. Mang thai giả là một vấn đề liên quan đến tâm lý, đôi khi cũng có thể xảy ra do phụ nữ mắc phải một số căn bệnh nhất định.

Chị P.T.T. (34 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) kết hôn đã 8 năm nhưng chưa có con. Vợ chồng chị và gia đình nội ngoại vô cùng mong muốn được bế cháu, hơn nữa chồng chị lại là con một. 3 năm đầu lập gia đình, vợ chồng chị đã đi khám chuyên khoa hiếm muộn nhưng không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ cho rằng có thể do áp lực tâm lý nên khó mang thai. Khát khao có con đến mức chị T. chuẩn bị sẵn phòng riêng cho em bé, và tin rằng đứa bé sẽ là con trai nên mua sẵn vật dụng, đồ chơi màu xanh về bày biện.

874-7-1202210171115365663620-1666163560.jpg
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm đang tư vấn cho một trường hợp về các dấu hiệu mang thai - Ảnh: H.T

Cách đây bốn tháng, chị T. nhận thấy cơ thể có những biểu hiện khác thường. Chị bị trễ kinh, buồn nôn, bụng cảm giác căng đầy. Hiện tượng này kéo dài, bụng chị cũng to hẳn lên. Người phụ nữ vui mừng báo với cả nhà là mình đã mang thai. Thế nhưng, khi chị T. đến phòng khám thai gần nhà siêu âm thì bác sĩ nói không thấy túi thai trong tử cung.

Chị T. nghĩ rằng phòng khám này chưa đủ chuyên nghiệp hoặc em bé còn nhỏ quá nên bác sĩ siêu âm thiếu kinh nghiệm nhìn chưa ra. Chờ thêm một tháng, chị đến một bệnh viện chuyên khoa sản để siêu âm lại. Bác sĩ vẫn nói chị không có thai. Chị T. suy sụp, không thể chấp nhận nổi sự thật. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ khuyên giải, khẳng định nhiều lần là mình không hề mang thai thì các dấu hiệu thay đổi trên cơ thể thường gặp ở phụ nữ có thai của chị cũng dần tự hết.

Bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc - Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, đã từng gặp hai trường hợp mắc hội chứng mang thai giả. Câu chuyện của hai phụ nữ đó cũng tương tự như trường hợp vừa kể.

Ca đầu tiên là một phụ nữ tên N.T.N. (40 tuổi, ngụ TPHCM) đến khám thai. Chị N. chia sẻ với bác sĩ rằng 3 tháng đầu mang thai mình bị ốm nghén rất nặng, hay buồn nôn, ngửi mùi thức ăn là ói, mất ngủ kéo dài. Sang tới tháng thứ 4, chị N. tăng cân rõ rệt, bụng cũng bắt đầu lùm lùm. Tuy nhiên, khi khám thai cho chị, sờ bụng bác sĩ không thấy tử cung to lên. Khi siêu âm, không hề có thai trong lòng tử cung. Bác sĩ đã phải lựa lời giải thích tế nhị, bởi chị N. đang rất háo hức và mong chờ đứa con tưởng tượng này.

Một phụ nữ khác vác bụng to đến khám thai. Chị thắc mắc mình mang thai 10 tháng nhưng sao mãi vẫn chưa thấy chuyển dạ. Bác sĩ Lộc lấy làm lạ, vì thông thường thai nhi chào đời lúc đủ 9 tháng 10 ngày. Lúc siêu âm và làm xét nghiệm thăm dò, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không có thai.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - chuyên khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cũng cho biết từng tiếp nhận một trường hợp mắc hội chứng mang thai giả. “Cô ấy cho biết mình đã mang thai 11 tháng nhưng chưa thấy chuyển dạ và muốn nhập viện mổ lấy thai” - bác sĩ Thắm kể. Tuy nhiên, khi siêu âm bác sĩ không thấy có thai. Dù vậy, bệnh nhân vẫn kiên quyết rằng siêu âm không thể thấy được em bé, mổ ra mới thấy. Phải rất khó khăn các bác sĩ mới thuyết phục được bệnh nhân ra về.

Theo bác sĩ Lý Thái Lộc, những người mắc hội chứng mang thai giả thường thuộc ba nhóm: hiếm muộn, quá mong con; rất sợ mang thai; bị rối loạn tâm lý. Phụ nữ mang thai có các thay đổi về nội tiết nên dẫn tới những triệu chứng điển hình như ốm nghén, tăng cân, mất ngủ… Thế nhưng, những phụ nữ mắc hội chứng mang thai giả dù không có thay đổi về nội tiết mà vẫn có các triệu chứng điển hình như người mang thai thật. Tới nay, khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân.

Các bác sĩ sản phụ khoa rất dễ nhận biết phụ nữ mắc hội chứng mang thai giả. Ngoài thăm khám lâm sàng, xét nghiệm và siêu âm thì đặc điểm chung của nhóm người này khi nói chuyện đều toát ra sự bất thường về suy nghĩ, nhận thức (rối loạn tâm lý). Còn bác sĩ Hồng Thắm thì nhận thấy, đúng là bụng của các phụ nữ mắc hội chứng mang thai giả có to lên thật nhưng không to rõ rệt như người mang bầu, cảm giác giống béo bụng do mỡ.

Bác sĩ Lộc khuyến cáo, vấn đề lớn nhất của những phụ nữ mắc hội chứng mang thai giả là cần điều trị, tư vấn về tâm lý. Nếu can thiệp chậm trễ, bệnh nhân sẽ rất dễ bị trầm cảm, từ đó có nguy cơ dẫn tới những hành vi tự hủy hoại bản thân. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng sau hai năm không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn không mang thai thì cần đi khám chuyên khoa hiếm muộn. Nếu đã siêu âm không có thai mà vẫn cố tin rằng mình đang mang thai sẽ làm chậm trễ điều trị. Thời gian hiếm muộn càng lâu thì kết quả điều trị sẽ càng giảm hiệu quả, đánh mất đi cơ hội mang thai thật. Hiện, tỷ lệ hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng nhiều. Riêng Khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương khám khoảng 200 trường hợp/ngày.

Dưới đây là những dấu hiệu mà phụ nữ mắc chứng mang thai giả có thể gặp phải, bao gồm:

Sự gián đoạn của chu kỳ kinh nguyệt (chiếm tỷ lệ 50-90%)

Bụng phình to giống như đang mang thai (chiếm tỷ lệ 60-90%)

Căng và đau ở ngực, ngoài ra có sự thay đổi ở núm vú dẫn đến tiết sữa non

Nhận thấy thai nhi trong bụng đang đạp, di chuyển khá nhiều lần (chiếm tỷ lệ 50-75%)

Xuất hiện các triệu chứng buồn nôn hoặc nôn mửa như bị ốm nghén

Cơ thể có dấu hiệu tăng cân

Trong trường hợp hiếm hoi, xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ giả. Bạn có thể cảm thấy các cơn đau bụng xuất hiện từng đợt. Triệu chứng này thường xảy ra khi phụ nữ mang thai giả nghĩ rằng họ đã đủ tháng để sinh.

Những triệu chứng này thường kéo dài trong vòng vài tuần, chín tháng hoặc thậm chí nhiều năm nếu không được điều trị sớm./.