Trong khi các nước giàu đã tiêm vắc xin cho một lượng lớn dân số, nhiều nước khác vẫn chưa được tiếp cận nguồn dược phẩm này.
 
Tại bệnh viện nhỏ nơi bác sĩ Oumaima Djarma làm việc ở Thủ đô N’Djamena của Chad (châu Phi), không bao giờ có một cuộc tranh luận liệu loại vắc xin nào tốt nhất.
 
Đơn giản vì họ chưa từng có một liều vắc xin. 
 
Ngay cả các bác sĩ và y tá như Djarma, những người chăm sóc bệnh nhân Covid-19, cũng chưa được tiêm phòng. Chad là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, 1/3 diện tích là sa mạc.
 
“Tôi thấy chuyện này thật bất công và đó là điều khiến tôi buồn. Tôi sẽ tiêm loại vắc xin đầu tiên được cấp phép”, nữ bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tâm sự.
 
Trong khi các quốc gia giàu có đã dự trữ đủ vắc xin cho công dân của mình, nhiều quốc gia nghèo vẫn đang cố gắng để có loại dược phẩm này. Một số ít quốc gia như Chad vẫn chưa nhận được bất kỳ loại vắc xin nào.
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần một chục quốc gia - trong đó có nhiều nước ở châu Phi - vẫn đang chờ tiêm vắc xin. Những nước xếp hàng cuối cùng trên lục địa cùng với Chad là Burkina Faso, Burundi, Eritrea và Tanzania.
 
WHO cảnh báo: “Sự thiếu hụt nguồn cung cấp vắc xin đang khiến các quốc gia châu Phi tụt lại phía sau. Châu lục này hiện chỉ có khoảng 1% số vắc xin được cung cấp trên toàn thế giới”.
 
Gian Gandhi, điều phối viên của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), nhận định, ở những nơi không có vắc xin, các biến thể mới có khả năng xuất hiện cao.
 
Vị này kêu gọi các quốc gia phát triển tặng vắc xin cho các nước khác. 
 
Tổng số ca bệnh ở Chad (4.877 ca bệnh) tương đối thấp so với các điểm nóng trên thế giới. Nước này xác nhận chỉ có 170 người tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tuy nhiên, Chad cũng như nhiều nơi ở châu Phi có hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh. 
 
 
Các bác sĩ ở Chad đều chưa được tiêm vắc xin Covid-19
 
Bệnh viện Farcha mới được xây dựng ở một khu dân cư xa xôi, nơi những con lạc đà lững thững đi gần đó. Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã hỗ trợ cung cấp oxy cho bệnh nhân Covid-19 và bệnh viện có 13 máy thở. Các bác sĩ cũng có nhiều khẩu trang và nước rửa tay do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, vẫn chưa có một nhân viên y tế nào được tiêm phòng.
 
Trong khi đó, một số quốc gia trên thế giới đã tiêm xong cho nhân viên y tế và người già. Hiện tại, họ chuyển sang các đối tượng khác.
 
“Tất cả mọi người đều có nguy cơ chết vì căn bệnh này, dù giàu hay nghèo. Mọi người đều phải có cơ hội được tiêm chủng, đặc biệt là những người bị phơi nhiễm nhiều nhất”, bác sĩ Djarma nói.
 
Covax, chương trình do Liên Hợp Quốc hỗ trợ, đảm bảo các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như Chad có thể tiếp cận vắc xin Covid-19.
 
Ngoài ra, Chad dự kiến sẽ nhận được một số liều Pfizer vào tháng tới nếu có phương tiện bảo quản lạnh cần thiết để giữ vắc xin an toàn. Nhiệt độ ngoài trời ở nước này có lúc lên đến 43,5 độ C.
 
Một số quốc gia cũng mất nhiều thời gian để đáp ứng các yêu cầu nhận vắc xin, bao gồm cả việc ký kết miễn trừ bồi thường với các nhà sản xuất và lên kế hoạch phân phối.
 
Đất nước Burkina Faso còn phải chờ đợi lâu hơn vì nhà sản xuất vắc xin ở Ấn Độ đã thu hẹp nguồn xuất khẩu toàn cầu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
 
Ở Haiti, toàn bộ 11 triệu người dân đều chưa được tiêm vắc xin. Haiti dự kiến sẽ nhận được 756.000 liều vắc xin AstraZeneca thông qua Covax, nhưng các quan chức chính phủ cho biết họ không có cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo quản.