Ngoài lực lượng Công an, Quân sự chính quy tại các chốt chặn, còn có những đoàn viên thanh niên, cán bộ về hưu cùng lao động tự do, họ sẵn sàng tình nguyện lên chốt, vào tâm dịch để cùng cơ quan chức năng chống lại dịch Covid-19.
Những người tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ở Nghệ An
Nguyễn Thị Hương Trà - Sinh viên năm thứ 4 Đại học Vinh đang làm nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại chốt kiểm soát. Ảnh: Tiến Đông
Những người tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ở Nghệ An
Hướng dẫn người dân khai báo y tế. Ảnh: Tiến Đông

Nguyễn Thị Hương Trà, sinh viên năm thứ 4 ngành Du lịch tại Viện KHXH&NV, Đại học Vinh, hiện trú tại xóm Ngũ Lộc chia sẻ: khi dịch Covid-19 bùng phát và thành phố Vinh phải cách ly xã hội, bọn em cũng bất ngờ và cả lo lắng, không nghĩ rằng có ngày thành phố của mình bị phong tỏa. Rồi qua kênh thông tin của đoàn, cần huy động lực lượng để tham gia công tác hậu cần, hỗ trợ tại các chốt, bọn em đã đăng ký tình nguyện ra đây.

Những người tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ở Nghệ An
Mỗi khi vắng người qua lại, hai cô gái này lại sắp xếp lại các tờ khai bỏ vào một chiếc túi riêng để sau khi hết ca trực bàn giao lại cho chính quyền địa phương. Ảnh: Tiến Đông

Hai cô gái trẻ Hương Trà và Phương Hòa dù là lần đầu tiên phải làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh dịch bệnh đang bủa vây thành phố, nhưng phối hợp với nhau khá ăn ý. Người thì hướng dẫn công dân viết tờ khai y tế, người thì đo thân nhiệt, sau đó lại tổng hợp vào danh sách người qua lại để bàn giao cho chính quyền địa phương khi hết ca trực.

"Khi các em tình nguyện ra đây, chắc gia đình cũng lo lắm" - tôi hỏi. Dấu nụ cười sau ánh mắt, cả Hương Trà và Phương Hòa đều bảo, ban đầu thì bố mẹ cũng lo, lúc nào cũng nhắc nhở phải cẩn thận. Thậm chí những ngày lên chốt, khi hết ca trực về nhà, bản thân mình gần như phải cách ly với mọi người trong gia đình để cho an toàn.

Có lẽ đó là cái lo chung mà bố mẹ nào cũng nghĩ đến khi con cái mình đang làm nhiệm vụ chống lại loại "kẻ thù" mà không ai có thể nhìn thấy và hình dung nó như thế nào.

CHỐT CHẶN CỘNG ĐỒNG

Rời Hưng Lộc, chúng tôi men theo con đường đất giữa vùng giáp ranh TP. Vinh với huyện Nghi Lộc. Xen kẽ giữa các chốt kiểm soát nằm trên đường lớn do thành phố lập nên là những chốt kiểm soát nhỏ lẻ do các xã bố trí. Tại xóm Kim Bình (xã Nghi Ân), chúng tôi bắt gặp 2 thanh niên đang làm nhiệm vụ trước... một cánh đồng. Nguyễn Văn Phong, Bí thư Chi đoàn và Nguyễn Anh Đức, đoàn viên cùng ở xóm Kim Nghĩa là 2 trong số nhiều đoàn viên của xã Nghi Ân đã đăng ký tình nguyện tham gia kiểm soát tại các tuyến đường nhánh, đường liên xã và thậm chí là những con đường đất nối Nghi Ân với các xã lân cận của huyện Nghi Lộc.

Những người tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ở Nghệ An
Nguyễn Anh Đức chỉ cho tôi thấy con đường đất nối Nghi Ân với xã Nghi Phong (Nghi Lộc), sau khi các chốt bị phong tỏa, nhiều người dân ý thức kém vẫn cố tình băng qua cánh đồng để ra vào thành phố. Ảnh: Tiến Đông

Địa bàn Nghi Ân khá rộng, gần như là một vòng cung bao quanh phía Đông Bắc của thành phố, tiếp giáp với các xã Nghi Phong, Nghi Trường, Nghi Trung, huyện Nghi Lộc. Đây có lẽ là nơi có nhiều chốt kiểm soát nhất với 7 điểm do xã thành lập, chưa kể đến 2 điểm do UBND thành phố bố trí trên đường QL46B và đường Đức - Thiết. Cả xã có 7 cán bộ chiến sĩ công an chính quy trong đó có 1 nữ đang nghỉ sinh, còn lại 6 người thì thường xuyên linh động ở 7 chốt kiểm soát . Chính vì thế đã phải cần rất nhiều lực lượng tình nguyện.

Những người tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ở Nghệ An
Vì địa bàn rộng nên cả Phong và Đức đều phải rải ra để kiểm soát, bởi chỉ cần lơ là thì người dân sẽ tìm mọi cách để vượt chốt vào thành phố. Ảnh: Tiến Đông
Những người tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ở Nghệ An
Bác sĩ Trần Đình Cần pha thuốc để chuẩn bị phun khử khuẩn các chốt kiểm soát, các địa điểm mà cán bộ, ban chỉ đạo thường xuyên tiếp xúc.

Dù thời điểm đó, nhà bác sĩ Cần cũng nằm trong khu vực phong tỏa tại khối 8, thế nhưng do cách xa với khu vực cư trú của F0 nên ông đã đề đạt với phường được ra tập trung cùng với các lực lượng ứng trực tại chỗ cả ngày lẫn đêm mà không về nhà. Sau khi tham gia lực lượng phòng chống dịch của phường, bác sĩ Cần đã tham mưu cho chính quyền địa phương mua máy phun khử khuẩn, để chủ động tiến hành khử khuẩn tất cả các chốt kiểm soát, các địa điểm mà cán bộ, ban chỉ đạo thường xuyên tiếp xúc. Nhất là thời điểm đó có rất nhiều đoàn cứu trợ đến với phường Hà Huy Tập, việc phun khử khuẩn là điều rất cần thiết để phòng chống dịch bệnh.

Những người tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ở Nghệ An
Đơn tình nguyện tham gia chống dịch của bác sĩ Cần và anh Chung gửi cho chính quyền phường Hà Huy Tập. Ảnh: Tiến Đông
Những người tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch ở Nghệ An
Anh Chung phun thuốc khử khuẩn tại khu vực Trạm Y tế phường. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài bác sĩ Cần, anh Nguyễn Tất Chung, kinh doanh buôn bán quần áo trên đường Lý Tự Trọng cũng đã viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng phòng chống dịch của phường Hà Huy Tập. Hàng ngày anh Chung có mặt từ sớm tại UBND phường, anh cùng với các lực lượng trong ban chỉ đạo phòng chống dịch tổ chức sắp xếp các nhu yếu phẩm để kịp thời ứng cứu cho các khu vực bị phong tỏa.

Tôi gặp anh Chung lúc anh đang vác máy phun thuốc khử khuẩn, trong bộ đồ bảo hộ trùm kín, chiếc máy phun chứa đầy nước nặng đến hơn 30kg nhưng anh vác đi thoăn thoắt. Anh bảo, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, là con em của phường, mình không thể cứ đứng nhìn mọi người vất vả lao vào điểm nóng. Vì thế anh đã làm đơn tình nguyện gia nhập lực lượng phòng chống dịch với suy nghĩ, dù không có chuyên môn, mình có thể giúp ích được nhiều việc cần thiết, bất cứ khi nào ban chỉ đạo cần. Hình ảnh anh Chung lúc thì xắn tay áo bốc dỡ đồ tiếp tế của các địa phương gửi về phường, khi thì chạy như con thoi đưa cơm cho các cán bộ, chiến sĩ tại chốt kiểm soát, có lúc lại cẩn trọng vác máy đi phun khử khuẩn tại các ngóc ngách đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong những ngày phường Hà Huy Tập căng mình chống dịch.